Quán nước để khách trả tiền theo ý thích bị mất thùng tiền đến 10 lần vẫn quyết không thay đổi hình thức thanh toán vì một lý do
Quán của Thời Thanh Xuân là một dự án kinh doanh khá kì lạ khi đặt menu không đề mệnh giá và cho phép khách trả tiền tuỳ theo mức độ hài lòng.
Giữa hàng ngàn quán cà phê với hàng trăm chủ đề không gian sáng tạo, họ làm đầy menu bằng những món nước lạ miệng, phục vụ thêm bánh, có thêm đàn hát giao lưu, chưa kể còn chọn lựa kĩ đồ nội thất đẹp, training phục vụ kĩ càng… thì có một quán nước vô cùng lạ. Một quán nước hoạt động với mô hình độc nhất len trong hàng cây, nằm neo con dốc nhỏ giữa núi đồi Đà Lạt.
QUÁN NƯỚC "LẶNG IM"
Quán của Thời Thanh Xuân chắc hẳn cũng có nhiều người biết đến, một nơi mang lại yên bình bằng tất thảy những gì nó có. Đến đây, sẽ có những bạn Điếc làm trà và bánh phục vụ mọi người, bạn có thể order đồ uống bằng giấy bút với giá 0 đồng mà chẳng phải lăn tăn cao thấp, giá trị của đồ uống được định giá bằng mức độ hài lòng của bạn mà chủ động trả vào thùng. Mọi người giao lưu, để lại muộn phiền hay gửi lại niềm vui qua những tấm giấy nhỏ, dán trên vách tường. Bạn đến sẽ được tự do loanh quanh đọc sách, chầm chậm chuyện trò, tìm chỗ ngồi tận hưởng không gian riêng, và nghe nhiều hơn là tranh nói.
Founder của dự án, anh Võ Thành Luân chia sẻ: "Thật ra dự án ban đầu mình muốn làm cho người mù, nhưng từ một lần ngồi đối thoại với bản thân thì mình nhận thấy rằng thế giới nội tâm rất đẹp, bình yên, mình có khoảng lặng để 'mình nói chuyện với mình'. Cảm thấy không gian im lặng rất tuyệt vời, từ đó mình bắt đầu nảy sinh mong muốn làm với các em kiếm thính - trẻ Điếc.
Ban đầu xuất phát từ tình thương nhưng có những giai đoạn mình nhìn nhận nó như một lời tuyên thệ với tuổi trẻ là mình cần phải làm được, có những giai đoạn mình đi bằng lòng kiêu ngạo để chứng minh cho những lời đã tuyên bố trước mọi người.
Nhưng mà sau này mình nhận ra thực chất mục tiêu của mình là sứ mệnh tạo công ăn việc làm cho các em có một cuộc đời mới. Vì có rất nhiều hoàn cảnh, có em không có công ăn việc làm rơi vào bế tắc, có những khó khăn mà một người nói được không bao giờ có thể nếm trải, các em rất là nỗ lực. Mỗi lần nhìn thấy dự án đem lại cho các em một cuộc đời mới, một tương lai mới và trở thành một người có ích hơn là một động lực rất lớn với mình.
Mình có một tư duy là chỉ còn một em Điếc là còn dự án. Mỗi lần nhìn thấy một em Điếc như có một động lực lớn lao động viên mình."
NGƯỜI NÓI VÀ NGƯỜI ĐIẾC
Ở không gian kết nối này, mọi người gọi nhau bằng người Nói và người Điếc. Trong 7 năm làm dự án của Thời Thanh Xuân, mỗi giai đoạn đều có khó khăn nhất định:
"Giai đoạn đầu tiên là khó khăn về tài chính và sự hiểu biết về thế giới của các em khiếm thính. Cách đây 7 năm, không có nhiều thông tin để tiếp cận nên rất khó khăn để hiểu các em, đặc biệt là rào cản về ngôn ngữ. Giai đoạn tiếp theo là lúc phải phát triển dự án, không chỉ mang ý nghĩa giúp đỡ nữa mà nó cần rõ ràng về tài chính để các em có một tương lai tốt hơn, đồng thời để trả thu nhập cho người Nói - người hỗ trợ cho dự án.
Sau, mình nhận ra các bạn ấy cần phải phát triển nhiều hơn cả về kỹ năng và giá trị các bạn cống hiến rất nhiều nên mức lương của các bạn cũng phải cao hơn. Ngày trước, lương của các bạn khởi đầu từ 3-4 triệu, ở thời điểm này lương của các bạn tới 7-8 triệu, vì nó là những năm tháng dài các bạn đã cống hiến. Vậy nên dự án này rất khó, mình cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho cả người Nói và người Điếc. Vừa phải giúp đỡ cho các bạn đồng thời chúng mình phải có những sản phẩm cực kỳ có giá trị để đứng vững trên thị trường."
Tuy nhiên, động lực để anh vượt qua những áp lực, khó khăn khi thực hiện dự án cũng chính là những đồng đội của mình – người Nói và người Điếc: "Thật ra mỗi người là một mắt xích quan trọng kết nối với nhau vì vậy các bạn Điếc chỉ cần làm tốt công việc của bạn là được. Ngoài các em Điếc, còn có rất nhiều người âm thầm nỗ lực chiến đấu trong từng giai đoạn của dự án này. Là những cô bé cậu bé đôi mươi nhường chiếc xe duy nhất để em Điếc có thể tới Quán làm việc, là cô bé Huyền mỏng manh bị té trầy xước khi cố gắng chở thùng hàng từ trang trại, là Quản lý kinh doanh Vũ tự đem sản phẩm đi vào các chợ, tạp hóa để tiếp thị hàng… Với mình họ đều là chất liệu để mình sống, nỗ lực và kiên trì liên tục mỗi ngày."
THÙNG TIỀN "BIẾT NÓI"
Ở đây thanh toán qua một thùng tiền gỗ, đặt trước quầy order. Với menu không đề mệnh giá, bạn có thể gọi bất cứ món nước nào mà bạn muốn, sau đó tuỳ theo sự hài lòng và tình yêu của bản thân mà trả tiền nước vào thùng. Thùng tiền đi theo dự án 7 năm, ngồi yên ở đó, nhưng kể rất nhiều điều.
"Khi bắt đầu làm dự án, thật sự mà nói vì dịch vụ chưa tốt, bàn ghế đi nhặt về, cộng thêm niềm kiêu hãnh của một người đã từng làm trong ngành dịch vụ cao cấp nên mình không nỡ lấy tiền của khách hàng. Nhưng ở góc độ khác, các em Điếc đang nỗ lực làm việc, tất cả người Nói cũng đang cố gắng làm việc để hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn. Cho nên khi có nhiều người rất quá đáng trong việc bỏ tiền vào thùng, chẳng hạn như 10 người đến gọi nước và rời đi sau khi cho vào thùng 5 ngàn, điều đó hoàn toàn không đúng và khiến các em cảm giác thất vọng, tổn thương.
Chúng mình kinh doanh chính là sản phẩm tinh dầu, nên thùng tiền đặt đây như tạo một cuộc đối thoại nội tâm của mỗi người ghé đến. Thật ra chúng mình biết rằng ai là người bỏ nhiều bỏ ít nhưng nó là vẻ đẹp của sự lặng im. Bạn sẽ là tấm gương phản chiếu của chính bạn, nếu bạn giàu tình thương, bạn nghèo khó, bạn hãy bỏ vào lòng chính trực của các bạn."
Được biết, thùng tiền này đã bị mất đến 10 lần, dù được đổi để có thể kiểm soát kĩ càng, lắp camera để bảo vệ. Khi câu chuyện lần mất gần đây nhất được lan trên mạng xã hội, người ta mới biết đến thùng tiền này nhiều hơn.
Dẫu gặp nhiều rủi ro về mất mát cũng như thâm hụt doanh thu vì có người bỏ nhiều có người bỏ ít, nhưng anh Thành Luân vẫn quyết duy trì cách thu phí món nước thông qua thùng tiền này vì cho rằng nó nói được sự hài lòng của khách hàng. "Trung bình mỗi hoá đơn luôn được 35.000đ, dưới 35.000đ chúng mình biết có thể pha chế không tốt, sản phẩm không tốt... nên dòng tiền bị thấp lại. Ngoài ra, thùng tiền cho chúng mình cơ hội để mọi người dung thứ, để kịp trưởng thành, để hoàn thiện dự án, để chờ đợi các em Điếc trưởng thành.
Về sau chúng mình nhận ra thùng tiền có giá trị truyền thông nên dặn các bạn không cần phải quan tâm về điều đó, các bạn chỉ cần làm tốt nhất ở thời điểm hiện tại như pha chế, tươi cười với khách hàng nhiều hơn, giao tiếp bằng ánh mắt nhiều hơn."
Anh Võ Thành Luân cho rằng thùng tiền "biết nói" là đại diện niềm tin, tình yêu giữa người với người
"Thùng tiền này đang có một dòng tiền khác là tiền truyền thông. Người ta bỏ nhiều bỏ ít không quan trọng, nó như một cuộc truyền thông. Chúng mình mất thùng tiền rất nhiều lần, về sau nhờ truyền thông thì thông điệp được đưa đi. Người ta đến nói về thùng tiền, khách hàng đến uống cà phê sẽ ngửi được mùi thơm thoang thoảng tại Quán - đó là điểm chính mà thùng tiền đã kết nối chúng mình và khách hàng mua sản phẩm. Vậy nên thật ra tinh dầu, xà phòng mới là nguồn để chúng mình có thể duy trì đến nay chứ không phải thùng tiền." - Anh Thành Luân chia sẻ về phương thức thực sự để duy trì và phát triển dự án.
MỘT LÝ TƯỞNG CÒN ĐANG VIẾT TIẾP…
Ở thời điểm hiện tại, Quán còn mở thêm nhiều hoạt động cho dự án như các buổi workshop miễn phí, diễn giả là chính các em Điếc, để mọi người tận tay tham gia trải nghiệm nhỏ trong công việc của Điếc, nghe câu chuyện về văn hóa, học ngôn ngữ ký hiệu cơ bản…
"Thật ra các buổi Workshop của chúng mình có thể thu được rất nhiều tiền nhưng chúng mình mở workhshop hoàn toàn miễn phí để khách hàng trân trọng, hiểu những giá trị mà chúng mình mang lại cho cộng đồng và quan trọng nhất là các em Điếc được đứng ở vị trí tỏa sáng. Hiện tại một số các em Điếc của Nhà đã trở thành người đào tạo cho các em Điếc mới, nhờ đây các em ấy nhận được niềm vui của sự cống hiến và nâng đỡ, đồng thời các em cũng cảm nhận được hạnh phúc mà chúng mình đang làm."
Về "giấc mơ" cho dự án này, founder trẻ nói rằng: "Đó là một hệ thống nhượng quyền Quán của Thời Thanh Xuân trải dài từ Nam tới Bắc, nó sẽ đi đúng sứ mệnh của nó là nâng đỡ cho 2,9 triệu trẻ Điếc khắp Việt Nam."