Quán 'lẩu im lặng' với đội ngũ phục vụ là người khiếm thính
'Quán lẩu im lặng và những người phục vụ đều là người khiếm thính'. Đây là lời nhắc trên tường của nhà hàng của vợ chồng Lý Nam Nam.
Đầu tháng 12/2022, gió hiu hiu, lá bay bay, hơi thở của mùa đông tràn về. Tại giao lộ ở quận Hồng Kỳ (Tân Hương, Trung Quốc), một căn nhà nhỏ màu xanh với tấm biển ghi "Nồi bong bóng pha lê" khiến người ta như đang ở trong mùa xuân ấm áp.
Đây là quán lẩu được cải tạo từ một gara bỏ hoang. 11h30 trưa, 5 bàn trong quán đã kín khách. Nồi lẩu nhỏ trong suốt phát ra tiếng "ục ục" và hầu như không có tiếng nói nào trong quán.
Một số khách hàng cầm tờ giấy ghi chú trên bàn và trực tiếp viết ra nhu cầu của họ, một số chỉ vào những bức tranh hoạt hình trên tường và ra hiệu cho người phục vụ món ăn họ muốn.
Những khách hàng thường xuyên đến đây đều biết rằng "Nồi bong bóng pha lê" là một nhà hàng im lặng, nhân viên phục vụ đều khiếm thính và chỉ có ông bà chủ là có thể nghe được.
Gia đình im lặng
Lý Nam Nam, 32 tuổi, lạc quan và độc lập từ nhỏ, và luôn phấn đấu theo đuổi cuộc sống nhiệt huyết.
Thành phố Tân Hương có hơn 2.000 người khiếm thính và gần như ai cũng biết "Nồi bong bóng pha lê" của Lý Nam Nam.
12 năm kể từ khi kinh doanh nhà hàng, cô và chồng là Vương Vỹ Tùng, đã liên tiếp tạo công ăn việc làm cho hơn 30 người khiếm thính, thậm chí còn kết nối những người khiếm thính hòa nhập vào xã hội.
Gia đình của Lý Nam Nam có 8 người khiếm thính: bố mẹ, ông bà, cô, chú, bác và anh họ. Nhắc đến gia đình mình, Lý Nam Nam tươi cười rạng rỡ và xem những phần khiếm khuyết trong gia đình là chuyện bình thường.
Cha mẹ Lý Nam Nam ly hôn khi cô còn rất nhỏ. Sau đó, cô sống với mẹ ở nhà ông bà ngoại. Trong một gia đình 10 người, chỉ có Lý Nam Nam và anh họ hơn cô 1 tuổi là có thể nghe được. Thế nhưng cuộc sống của gia đình này chưa bao giờ bị ám ảnh bởi thứ tên gọi là khiếm thính.
Lý Nam Nam vẫn nhớ ngày đầu tiên đi học mẫu giáo khi cô 3 tuổi và đột nhiên bước vào "thế giới âm thanh của những người bình thường". "Tất cả các loại âm thanh lọt vào tai, não tôi ong ong và tôi cảm thấy như mình sắp nổ tung!". Sau nhiều năm, Lý Nam Nam vẫn nhớ như in trải nghiệm lúc đó. Sau đó, cô không bao giờ đến trường mẫu giáo nữa.
Thấy cô ấy thích vẽ, ông nội, chú và dì đã mua rất nhiều bút vẽ và tập vở. Khi mẹ không đi làm, bà sẽ cho Lý Nam Nam mặc bộ đồ đẹp nhất và cùng nhau đi mua sắm.
Vào mỗi thời khắc quan trọng trong cuộc đời, người thân trong gia đình của Lý Nam Nam đều đứng phía sau ủng hộ, không tức giận cũng không phàn nàn, trên môi luôn nở nụ cười. Cô biết ơn và bảo vệ họ theo cách của riêng mình.
3-4 tuổi, Lý Nam Nam bắt đầu giúp gia đình nhiều thứ. Lớn hơn một chút, mẹ lấy cuốn sổ ghi đầy số điện thoại và nói với Lý Nam Nam những gì cần nói cho bên kia và bà chỉ thực hiện công đoạn bấm số.
Khi có người hỏi "Sống trong một gia đình như vậy, bạn có cảm thấy thua kém không", Lý Nam Nam lắc đầu cười: "Cho đến hôm nay, nhà vẫn là nơi yêu thích nhất của tôi. Tôi tự hào về gia đình của mình. Mỗi khoảnh khắc với họ đều quý giá!".
"Mẹ tôi là người khiếm thính"
Tất nhiên, sống trong một gia đình im lặng từ nhỏ, một lý do quan trọng khác khiến Lý Nam Nam vui vẻ và tự tin như vậy là cô đã gặp được một người đàn ông yêu gia đình nhiều như cô, đó chính là Vương Vỹ Tùng.
Hai người gặp nhau vào mùa xuân 15 năm trước. Khi đó, Lý Nam Nam đang là học sinh lớp 11, còn Vương Vỹ Tùng là chủ một quán Internet nhỏ.
Một buổi chiều, Lý Nam Nam đưa mẹ đến quán Internet. Cô lân la hỏi ông chủ là Vương Vỹ Tùng và nhờ đăng ký tài khoản QQ (nền tảng nhắn tin của Trung Quốc) cho mẹ. "Bằng cách này, bà có thể 'nhìn thấy' tôi bất cứ lúc nào khi tôi không ở bên cạnh!".
Vương Vỹ Tùng nhìn mẹ cô và nói: "Cô ơi, cô thật may mắn...".
"Mẹ tôi là người khiếm thính". Câu nói của Lý Nam Nam khiên Vương Vỹ Tùng vừa bất ngờ vừa xúc động trước tình huống này.
Sau đó, Lý Nam Nam đưa mẹ đến quán Internet mỗi tuần một lần, hai mẹ con gọi điện video của bố. Đôi bên giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Dù đã ly hôn nhưng họ vẫn giữ liên lạc vì con gái. Sau khi biết về câu chuyện của Lý Nam Nam, Vương Vỹ Tùng đã đi từ bất ngờ đến khâm phục rồi đau lòng.
Thỉnh thoảng, khi mẹ của Lý Nam Nam đến quán Internet một mình, Vương Vỹ Tùng đề nghị giúp bà bật và đăng nhập QQ. Anh cũng học được rất nhiều ngôn ngữ ký hiệu. Và đây cũng trở thành phương tiện để anh hòa nhập vào gia đình của Lý Nam Nam nhanh hơn.
Vương Vỹ Tùng và Lý Nam Nam đã cho nhau số điện thoại vì anh muốn giúp đỡ cô gái này nhiều hơn. Tuổi mới bắt đầu yêu, cả hai dần nảy sinh cảm giác lạ lùng. Anh đã quan tâm và giúp đỡ cô ấy như một thành viên trong gia đình; sự độc lập, mạnh mẽ, đức hạnh và lòng tốt của cô khiến Vương Vỹ Tùng, người đang phải vật lộn trong xã hội khi còn trẻ, như được sưởi ấm.
Tháng 9/2008, sau khi Lý Nam Nam học đại học Đại Liên, mẹ cô đến quán Internet mỗi tuần một lần để gọi video với con gái. Vương Vỹ Tùng đến nhà bạn gái thường xuyên hơn, sửa chữa nhà vệ sinh, thông tắc cống, giúp thanh toán các khoản chi phí khác nhau hay đưa gia đình đến bệnh viện... Vương Vỹ Tùng không chỉ sẵn sàng làm những việc mà Lý Nam Nam đã làm mà còn thành thục hơn.
Anh ngày càng không thể thiếu gia đình cô và gia đình cô phụ thuộc vào anh giống như họ phụ thuộc vào Lý Nam Nam.
Khai trương quán lẩu được phục vụ bởi người khiếm thính
Đại học năm thứ hai, Lý Nam Nam đột nhiên trở về và quyết định nghỉ học để đi làm kiếm tiền vì học phí học chuyên ngành nghệ thuật quá cao.
Thời điểm đó, Vương Vỹ Tùng không còn điều hành quán Internet mà làm công việc bán hàng cho công ty dược phẩm của một người bạn, đồng thời lên kế hoạch khởi nghiệp trở lại. Biết rằng Lý Nam Nam muốn mở dịch vụ kinh doanh có thể sử dụng những người khiếm thính, Vương Vỹ Tùng rất ủng hộ: "Vì tôi yêu cô ấy, và vì điều đó nên làm".
Năm 2010, Vương Vỹ Tùng cầu hôn Lý Nam Nam: "Đừng lo gì hết. Anh sẽ học ngôn ngữ ký hiệu tốt hơn, và sẽ giao tiếp với mẹ, đồng hành và chăm sóc bà bằng cả trái tim".
Không lâu sau khi kết hôn, đôi vợ chồng trẻ cũng đã hoàn thành dự án kinh doanh của mình - khai trương "Nồi bong bóng pha lê" (nấu thức ăn trong nồi trong suốt như pha lê).
"Quán lẩu im lặng và những người phục vụ đều là người khiếm thính". Đây là lời nhắc trên tường của nhà hàng "Nồi bong bóng pha lê", và cũng là nguyên tắc mà vợ chồng Lý Nam Nam luôn tuân thủ kể từ khi bắt đầu kinh doanh.
Từ khi còn học trung học cơ sở, Lý Nam Nam thường xuyên giúp đỡ những người khiếm thính quen biết thanh toán hóa đơn, khám chữa bệnh, xin giấy chứng nhận khuyết tật... giải quyết mọi việc khó khăn cho người khiếm thính, "vì tôi biết họ khó khăn như thế nào và nếu ai đó giúp đỡ, họ sẽ rất vui".
Khi biết quán lẩu tuyển người khiếm thính, nhiều người đã đến ứng tuyển. Cuối cùng, Lý Nam Nam đã chọn ra 3 người đã ngoài 40 tuổi với gia cảnh thực sự khó khăn. Với những người không được thuê, Lý Nam Nam nói rằng khi nhà hàng lẩu phát triển hơn, họ sẽ được mời đến giúp đỡ càng sớm càng tốt.
Những giấc mơ bao la đang sục sôi
Năm 2014, quán lẩu của vợ chồng anh mở rộng thành 3 cơ sở. Lý Nam Nam cũng thực hiện lời hứa của mình và tuyển dụng một số người khiếm thính đã nộp đơn xin việc, khi công việc kinh doanh tốt nhất, nhà hàng lẩu đã thuê 13 nhân viên phục vụ. Để đề phòng tai nạn trên đường đi làm, đôi vợ chồng trẻ thuê một căn nhà làm ký túc xá cho nhân viên.
Cứ vài ngày, họ lại dành thời gian lái xe đưa một số nhân viên về vùng nông thôn, khuyến khích họ đứng ở nơi vắng vẻ lộng gió và hét lên vài lần, bởi vì đây là cách tốt nhất để người khiếm thính trút bỏ căng thẳng.
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề và 3 cửa hàng "Nồi bong bóng pha lê" bị lung lay. Vợ chồng Lý Nam Nam không chịu nổi tình trạng thất nghiệp của nhân viên phục vụ nên nhờ bạn bè, người quen tìm nơi tuyển dụng người khiếm thính, nếu không tìm được việc thì giúp lập quán hoặc mở quán trực tuyến.
Tháng 8/2022, "Nồi bong bóng pha lê" mở cửa trở lại.
Để giúp đỡ nhiều người khiếm thính hơn, Lý Nam Nam đã học ngôn ngữ ký hiệu chuyên nghiệp khi còn học đại học và cô vẫn đang làm công việc phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho đến ngày nay.
Mùa hè năm 2021, vì vợ không có thời gian rảnh rỗi, Vương Vỹ Tùng đã đến tòa án để làm thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. "Đây là lần đầu tiên tôi hiểu sâu sắc về những rào cản giao tiếp mà người khiếm thính gặp phải. Tôi cảm ơn Nam Nam đã cho tôi chìa khóa để tiếp cận họ".
Cả hai cô con gái đều không bị khiếm thính nhưng Lý Nam Nam vẫn dạy chúng ngôn ngữ ký hiệu. Cô nói với hai cô con gái của mình rằng ngôn ngữ ký hiệu là chìa khóa để mở một cửa sổ khác, và đó cũng là mật mã để chúng ta yêu thế giới này và được thế giới này đối xử tôn trọng.
Bầu trời tháng 12 trong xanh và tĩnh lặng, nhà hàng "Nồi bong bóng pha lê" chật kín chỗ ngồi. Một cặp vợ chồng trẻ thấp giọng nói: "Ăn ở đây thật thanh bình và yên tĩnh, những phiền muộn trong ngày đều biến mất".
"Nếu kinh doanh tốt như vậy, tại sao chúng ta không thuê thêm hai người phục vụ trước năm mới?", Lý Nam Nam nhẹ nhàng hỏi Vương Vỹ Tùng. Anh mỉm cười và nói "OK" bằng ngôn ngữ ký hiệu!