Quan hệ tình dục trước 18 tuổi dễ mắc ung thư cổ tử cung
Những chị em quan hệ tình dục trước 18 tuổi có tỷ lệ nhiễm HPV cao gấp gần 3 lần những người quan hệ sau độ tuổi này.
Đây là kết quả nghiên cứu trong năm 2010 của nhóm tác giả Lê Thị Thanh Hà, Vũ Thị Hoàng Lan (Đại học y tế công cộng) và Lương Thu Oanh (Vụ bà mẹ sức khỏe trẻ em, Bộ Y tế). Hơn 1.500 phụ nữ đã có chồng tuổi từ 18 đến 69 tại Hà Nội và TP HCM đã tham gia khảo sát.
Kết quả tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ Hà Nội là hơn 6% còn TP HCM là hơn 8%. Điều đáng lưu ý là trong số đó, phổ biến nhất là virus HPV-16 và HPV-18, hai chủng này chịu trách nhiệm đến 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Thực tế là không phải mọi người nhiễm HPV đều bị ung thư cổ tử cung mà chỉ có một tỷ lệ nhỏ phát triển thành tiền ung thư hoặc ung thư không xâm lấn. Những trường hợp này nếu không được điều trị sẽ phát triển thành ung thư cổ tử cung. Thế nhưng, theo thống kê ở các bệnh viện chuyên khoa, bệnh nhân ung thư cổ tử cung thường đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn chiếm tỷ lệ khá cao khoảng 60%.
Một nghiên cứu của Tổ chức Health Bridge được đưa ra tại hội thảo ung thư cổ tử cung tại Việt Nam tổ chức sáng 7/12 tại Hà Nội cho thấy chỉ có hơn 37% người đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Lý do là thấy không cần thiết, tốn kém và không có thời gian.
Bên cạnh đó, nhân thức của người dân về yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa còn hạn chế. Hơn 80% người được hỏi biết đến ung thư cổ tử cung nhưng có đến hơn một nửa không biết yếu tố nguy cơ nào. Hơn 42% không biết dấu hiệu nào cảnh báo bệnh.
Nghiên cứu này vừa được thực hiện tại Hà Nội, Huế, TP HCM (từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2010) với sự tham gia của gần 1.000 người dân, lãnh đạo ngành y tế, cán bộ y tế cơ sở, bệnh nhân ung thư.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), có 64 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, chiếm khoảng 0,3% số mũi tiêm. Chủ yếu là các biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, một trường hợp ngất. Ngoài ra không ghi nhận ca phản ứng nghiêm trọng nào.
“Chúng tôi hy vọng sớm đưa tiêm văcxin HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em gái”, ông Hiển nói.
Tại Việt Nam tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung là 20 trên 100.000 phụ nữ với tỷ lệ tử vong là 11 trên 100.000. Ung thư này phổ biến ở các nước đang phát triển, cao gấp 6-10 lần so với các nước phát triển.