Ung thư cổ tử cung - mối họa của chị em

,
Chia sẻ

Nhiều năm trong ngành sản phụ khoa, tôi thấy những chị em bị ung thư cổ tử cung phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng lớn về thể chất và tinh thần.

Đó là nhận định của GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ).


Ngay khi nhận chẩn đoán có những tổn thương tiền ung thư, chất lượng cuộc sống của người phụ nữ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì hoang mang, lo lắng, suy sụp tinh thần, nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực... Đó là chưa kể gánh nặng tâm lý khi mất nguồn thu nhập của gia đình, phí tổn điều trị.

 

Ung thư cổ tử cung là bệnh thường gặp và là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ hiện nay. Ở nước ta, hằng năm có hơn 6.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung và hơn 3.000 phụ nữ tử vong (số liệu Globocan và Bộ Y tế VN 2002), đồng nghĩa với mỗi ngày có 9 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Sở dĩ tỉ lệ mắc bệnh và tử vong của ung thư cổ tử cung cao là vì số phụ nữ tham gia khám phụ khoa định kỳ để làm phết tế bào cổ tử cung tầm soát ung thư còn ít, chất lượng các chương trình tầm soát chưa cao... Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào, đặc biệt từ lứa tuổi 35-40 trở đi.

 

Nguyên nhân gây bệnh được xác định là do virus HPV (Human Papillomavirus), là virus rất dễ lây lan. Trung bình cứ 10 phụ nữ thì có 8 người có thể từng một lần nhiễm HPV trong đời. Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm HPV là bị ung thư cổ tử cung. Nhiều chị em nhiễm virus HPV rồi tự hết mà không cần điều trị nhưng một số khác thì lại nhiễm lâu dài với những loại HPV có khả năng cao gây ung thư rồi qua nhiều năm, các tổn thương sẽ dần dần tiến triển ở cổ tử cung và trở thành ung thư. Những tuýp HPV gây ra ung thư cổ tử cung nhiều nhất là HPV 16, 18, 31, 45. Chính 4 tuýp HPV này là thủ phạm gây ra hơn 80% các ca ung thư cổ tử cung.

 

Điều đáng nói là ung thư cổ tử cung tuy nguy hiểm và nặng nề nhưng lại có thể dự phòng được bằng 2 cách: Tiêm vắc-xin để phòng nhiễm và khám tầm soát bằng phết tế bào cổ tử cung định kỳ cho phụ nữ đã quan hệ tình dục. Việc phòng ngừa đạt kết quả cao nhất khi kết hợp 2 phương pháp này.

 

Hiện VN đã có vắc-xin ngừa những tuýp HPV gây ung thư phổ biến nhất, được tiêm cho phụ nữ từ 10 đến 25 tuổi. Người chưa có hay đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm. Phụ nữ đã có gia đình cần khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung định kỳ ít nhất là mỗi năm một lần để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở giai đoạn sớm của bệnh.

 

Ung thu cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà trải qua nhiều giai đoạn với diễn tiến âm thầm trong thời gian trung bình 10 - 15 năm. Đặc biệt, giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì nên rất khó biết nếu không đi khám phụ khoa. Ở giai đoạn muộn, người mắc ung thư cổ tử cung có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi, lẫn máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc sau khi làm việc nặng dù không đang có kinh... Nếu chị em thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì hãy đến gặp bác sĩ ngay.

 

Theo GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ)

NLĐ

Chia sẻ