Quan điểm gây tranh cãi: Nhiều người sợ con học thêm ở trung tâm tốn kém nhưng họ không hiểu, đắt xắt ra miếng

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Bạn nghĩ sao về quan điểm của phụ huynh này?

Thông tư 29 được ban hành với nhiều quy định về dạy thêm, học thêm là một chủ đề gây tranh cãi rất lớn trong xã hội. Một số người ủng hộ quyết định điều này với lý do giảm thiểu áp lực học tập cho học sinh, đồng thời ngăn chặn các tiêu cực, như lợi ích dạy thêm để trục lợi, tạo cho giáo dục giáo dục trở nên nặng nền và không công bằng. Họ cho rằng học sinh sẽ có thời gian để thư giãn, phát triển các kỹ năng khác ngoài học thuật và tạo cơ hội để giáo viên tập trung vào chất lượng giảng dạy trong lớp.

Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng việc cấm dạy thêm có thể tạo ra những điều bất lợi. Đối với học sinh yếu, không có cơ hội học bổ sung khiến các em gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Nếu đi học trung tâm, cha mẹ sẽ tốn thêm chi phí mà chưa chắc học sinh đã được học đúng với thầy cô mà mình mong muốn.

Quan điểm gây tranh cãi: Nhiều người sợ con học thêm ở trung tâm tốn kém nhưng họ không hiểu, đắt xắt ra miếng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mới đây, một phụ huynh gây chú ý khi chia sẻ quan điểm về quy định dạy thêm, học thêm. Chị cho biết, hoàn cảnh gia đình chị đã có những chuyển biến tích cực từ khi việc dạy thêm được hạn chế.

Trước đây, các con học tiểu học thì đi học cả ngày từ sáng đến hết 5h chiều, đón con về bố mẹ vội vàng làm món gì đó nhanh gọn để con ăn còn đi học tối. Con chị sức khỏe yếu, đi học thêm nhiều lại ốm đau, mỗi đợt ốm là nghỉ cả học chính và phải đi tiêm, uống rất nhiều kháng sinh.

Với con đang học trung học, vì môn Toán trên lớp không hiểu gì nên phải học thêm chiều ở trường do chính cô Toán trên lớp dạy. Vì đi học trên trường không hiểu nên ngoài thời gian học chính khóa và học thêm ở trường, con vẫn phải xin cô lớp khác phụ đạo thêm buổi tối thì mới hiểu bài, nếu không sẽ bị mất gốc môn Toán.

Từ khi Thông tư 29 được thực hiện, ở cấp tiểu học ngoài thời gian đi học, các con được ở nhà vui chơi, thư giãn, bố mẹ có cơ hội nấu nhiều đồ ăn ngon, bổ dưỡng cho các con ăn để nâng cao trí lực và sức đề kháng cho con. Buổi tối bố mẹ có thời gian cùng con ôn bài, vui chơi, gắn kết tình cảm.

Cấp trung học, con không phải đi học thêm cô dạy không hiểu nữa, bố mẹ cũng không phải bỏ tiền ra nộp học những tiết dạy thêm vừa tốn thời gian và công sức đi học của con. Môn nào con thật sự cần thiết bổ sung kiến thức thì bố mẹ đăng ký học trung tâm các thầy cô dạy thực sự hiệu quả.

"Nhiều người sợ đi học trung tâm tốn kém nhưng họ không hiểu, đắt xắt ra miếng, học ở trung tâm, mình có quyền lựa chọn thầy cô dạy hiệu quả và có tâm thay vì rải tiền ra học tràn lan đại hải các loại môn mà không thực sự cần thiết.

Chưa kể có nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, còn bố không còn mẹ hoặc ngược lại, và bố (mẹ) của các bạn vừa phải trông con vừa làm thủ công kiếm đồng tiền rất vất vả, nhưng nếu cho con đi học như các bạn thì tốn kém, mà không cho đi cùng các bạn thì lại trở thành học sinh "cá biệt", chị nói.

Tranh cãi

Nhiều người cho rằng, việc cho con học thêm với cô giáo dạy Toán của phụ huynh này là lựa chọn của gia đình, giáo viên không bắt ép. Nếu cha mẹ cảm thấy con học không có hiệu quả thì không nên học. Rất có thể suy nghĩ không học sẽ bị cô "trù dập" đã khiến phụ huynh tặc lưỡi cho con học, con thì học trong chống đối.

Ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, nếu không có mục tiêu trường chuyên, lớp chọn thì chỉ cần duy trì điểm khá, đặt mục tiêu vào một trường công có tỷ lệ chọi không quá cao. Quan trọng là các em hoàn thành bài tập, học tốt ở lớp, điểm số sẽ phản ánh đúng năng lực của các em.

Nếu không muốn học thêm thầy cô của mình thì các con hãy hoàn thành bài vở trên lớp và bài tập về nhà đầy đủ. Vẫn biết rằng có 1 bộ phận nhỏ thầy cô cũng hơi quá đáng, nhưng đại đa số đều có tâm, thương yêu học sinh và coi trọng nhiệm vụ dạy dỗ các em trên hết. Đừng vì con sâu làm rầu nồi canh mà luôn nghĩ xấu cho thầy cô của con mình. Học hành đàng hoàng thì không lo trù dập.

Luồng ý kiến này vẫn đồng tình với việc nên cho học sinh học thêm với chính thầy cô của mình để dễ tiếp thu, bởi đây là những giáo viên có tâm và hiểu con cái họ nhất. Phương án này còn tiết kiệm chi phí, đỡ công đưa đón. Bởi học trung tâm có thể "đắt xắt ra miếng" nhưng không phải ai cũng có khả năng chi trả.

Một cô giáo là giáo viên tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM 13 năm, hiện là giáo viên tự do, khẳng định: Học ở đâu, học với cô nào không quan trọng bằng việc bố mẹ có thật sự hiểu sức học và khả năng của con mình, có theo dõi chặt chẽ và kết hợp với nhà trường, giáo viên không?

Học thêm hay không học thêm là nhu cầu của mỗi bạn, mỗi gia đình nên mọi thứ chỉ nên xem là có phù hợp với con mình hay không. Học thêm vì con không tiếp thu kịp, hoặc học thêm để nâng cao kiến thức thi các kì thi HSG,... Nhìn vào con mình mà quyết định, đừng nhìn qua nhà khác!

"Con nhà mình đang học cấp 2, cô chủ nhiệm dạy rất tốt và rất có tâm, phụ huynh xin vào lớp cũng vì lý do đấy, giờ cấm, không biết ra sao. Buổi chiều nếu học ở trường thì 3 tiết hết 21 nghìn đồng, chất lượng mà ít tiền, giờ nghỉ không ai quản lý buổi chiều, cha mẹ không khỏi lo lắng. Thời đại 4.0 các con có cơ hội học tập nhưng cái xấu cũng rình rập nhiều, con lại chưa thể phân biệt hết, người lớn thì không phải ai cũng có thời gian công sức và tri thức để theo sát và kèm các con được", cô nói.

Luồng quan điểm ngược lại ủng hộ tuyệt đối Thông tư 29. Theo tinh thần của Thông tư mới: Tiểu học là tuổi rèn luyện, phát triển toàn diện, không cần học quá nhiều các môn văn hóa. Nghiêm cấm hành vi "vừa đá bóng vừa thổi còi" của giáo viên. Tránh xung đột lợi ích giữa phụ huynh và giáo viên, giảm bóc phốt, đấu tố nhau, giúp nghề giáo lấy lại hình ảnh, vị thế, tình cảm.

Có người tiết lộ, gia đình họ tiết kiệm được gần 10 triệu một tháng (tiền học thêm 2 con và tiền xe ôm đi lại học thêm). Con nghỉ 1 buổi thì nâng cao tinh thần tự học và có thêm thời gian rèn thêm kỹ năng làm việc nhà.

"Nhà tôi có 2 con học tiểu học, rất ưng Thông tư mới này. Tối về ăn uống thoải mái, bình tĩnh, không phải đưa đón đi học mưa rét khổ sở. Có học sinh tan học 5h vào học thêm ngay đến 21h và nhịn đói đến khi 21h tối mới ăn rất bất cập. Các con không đi học Toán, tiếng Việt thì đi học thể thao, bơi lội, đàn ca sáo nhị", một người chia sẻ.

Chia sẻ