Quan điểm gây sốt về sai lầm hôn nhân bao nhiêu người mắc từ hình tượng "cô vợ thích ăn pate" trong Về Nhà Đi Con

ĐX,
Chia sẻ

"Ô hay, thế biết chị ấy không thích nấu cơm, đam mê công việc, mà sao còn lấy làm gì? Để rồi sau lại thất vọng về điều đó và tiếc nuối người yêu cũ?", Kim Oanh viết như thế khi nhiều người chê Uyên trong Về Nhà Đi Con, vụng về, không biết chăm chồng nên chồng mới phải nhớ người yêu cũ.

Quanh phim Về nhà đi con, có quá nhiều điều đáng nói xung quanh các nhân vật và mối quan hệ vợ chồng của các cặp đôi. Bao nhiêu bài học sâu sắc về tình yêu, hôn nhân đều có thể rút ra từ các tuyến nhân vật, từ những câu thoại và những tình tiết cực nhỏ.

Kim Oanh, nữ tác giả của cuốn "Yêu đi đừng sợ", người có những phát ngôn khác sắc sảo và hiện đại, lại một lần nữa thể hiện quan điểm của mình xung quanh cặp vợ chồng Uyên, Thành và nhận ra cái sai không thuộc về "cô vợ thích ăn pate" như nhiều người phán xét là vụng về, không biết chăm sóc chồng nên mới bị chồng chán. Thực tế ngay từ đầu cô ấy vẫn là con người đó, vậy cớ sao anh Thành lại coi đó là nhược điểm khi đã chọn lấy người phụ nữ ấy về làm vợ mình. Mỗi người có những ưu, nhược điểm khác nhau và hôn nhân là việc sống chung cùng những nhược điểm của người kia, chứ không phải cố lấy về rồi bắt họ sửa lại cho hợp ý mình. Bài viết nói về sai lầm hôn nhân nhiều người mắc phải từ mối quan hệ của Uyên, Thành đã nhanh chóng lên đến hàng ngàn like.

Quan điểm gây sốt bảo vệ "cô vợ thích ăn pate" trong Về Nhà Đi Con: Đừng chọn lấy một người, rồi cố gắng sửa họ thành người khác - Ảnh 1.

Kim Oanh, tác giả cuốn "Yêu đi đừng sợ", hiện đang sinh sống tại Thụy Sĩ.

Những câu nói khá chuẩn xác của tác giả khiến nhiều người suy nghĩ là: "Tình yêu suy cho cùng, chính là khi chúng ta có thể yêu một ai đó khi họ là chính họ, bằng không, đó không phải là tình yêu, mà chỉ là sự ích kỉ của bản thân mình mà thôi!"/ "Việc lựa chọn ai đó để chung lối, để kết hôn cũng đồng nghĩa với việc bạn lựa chọn sống chung với cả những thứ tốt và xấu của họ. Còn nhắm không chấp nhận được, không yêu được cả khiếm khuyết của họ thì đừng lấy, đừng chọn, đừng cưới họ"/ "Nếu họ không đủ tốt, hãy lìa xa họ, đừng phản bội họ, dù là phản bội về thể xác hay về tinh thần thì cũng giống nhau thôi!"/ "Chúng ta thay vì tự hỏi bản thân xem mình muốn gì, cần gì và lựa chọn một người đáp ứng được kì vọng đó; thì lại thường lựa chọn một người khác xa với kì vọng rồi cố gắng sửa đổi họ (nói đúng hơn là bắt họ sửa đổi) để trở thành mẫu người lý tưởng của mình".

Kim Oanh viết:

"Chả hiểu sao nhiều bạn cứ bảo cái chị vợ anh Thành vụng về, không đảm đang, không biết chăm sóc chồng nên chồng chán, chồng nhớ người yêu cũ là phải. Ô hay, thế biết chị ấy không thích nấu cơm, đam mê công việc mà sao còn lấy làm gì? Để rồi sau lại thất vọng về điều đó và tiếc nuối người yêu cũ? Kém duyên chưa.

Nói chung phim chỉ là phim. Mượn tí ý của phim để nói chuyện đời thôi. Trong cuộc đời này có rất nhiều cuộc hôn nhân như thế. Chúng ta thay vì tự hỏi bản thân xem mình muốn gì, cần gì và lựa chọn một người đáp ứng được kì vọng đó; thì lại thường lựa chọn một người khác xa với kì vọng rồi cố gắng sửa đổi họ (nói đúng hơn là bắt họ sửa đổi) để trở thành mẫu người lý tưởng của mình. Nói nôm na, tại sao chúng ta không mua luôn một con thỏ vàng mà lại đi mua một con thỏ trắng, rồi về cố nhuộm lông vàng cho đó. Để rồi một ngày trời đổ mưa, bộ lông vàng trôi mất, chúng ta lại ngồi oán trách vì sao mua phải con thỏ lông trắng? Hoặc để một ngày nọ vô tình nhìn thấy thằng hàng xóm có con thỏ lông vàng, lại quay ra ấm ức, trách móc con thỏ nhà mình không có bộ lông vàng như thế? Đã là thỏ trắng thì sẽ không bao giờ có thể biến thành thỏ vàng. Bắt một con thỏ trắng phải sống như thỏ vàng chẳng phải tàn nhẫn lắm sao? Tình yêu suy cho cùng, chính là khi chúng ta có thể yêu một ai đó khi họ là chính họ, bằng không, đó không phải là tình yêu, mà chỉ là sự ích kỉ của bản thân mình mà thôi!

Quan điểm gây sốt bảo vệ "cô vợ thích ăn pate" trong Về Nhà Đi Con: Đừng chọn lấy một người, rồi cố gắng sửa họ thành người khác - Ảnh 2.

Chúng ta không thể lôi những khiếm khuyết của đối phương ra để trách móc họ không đủ tốt, không đủ hoàn hảo nên ta mới làm họ tổn thương. Việc lựa chọn ai đó để chung lối, để kết hôn cũng đồng nghĩa với việc bạn lựa chọn sống chung với cả những thứ tốt và xấu của họ. Còn nhắm không chấp nhận được, không yêu được cả khiếm khuyết của họ thì đừng lấy, đừng chọn, đừng cưới họ. À mà đừng có ai bảo "trước khi cưới người ta tốt, sau khi cưới ng ta xấu". Nếu vợ hoặc chồng bạn như thế thì chứng tỏ rằng bạn chưa tìm hiểu họ đủ kĩ thôi. Thói quen có thể thay đổi, nhưng bản chất thì không. Nếu lúc yêu mà chị Uyên giống chị Huệ nhưng cưới mới biến hình thành chị Uyên thì chỉ có trong phim Tây Du Kí thôi.

Đấy là chưa kể việc họ không đủ tốt chưa bao giờ là lí do chính đáng để bạn có quyền dành sự quan tâm cho một người khác. Nếu họ không đủ tốt, hãy lìa xa họ, đừng phản bội họ, dù là phản bội về thể xác hay về tinh thần thì cũng giống nhau thôi!

Rốt cuộc, mặc dù nghe rất ngôn tình nhưng lại hoàn toàn thực tế: cốt lõi của một cuộc hôn nhân bền vững vẫn phải là tình yêu, là tình yêu thực sự đến từ hai trái tim cùng chung nhịp đập!".

Nhiều người đã mắc sai lầm trong hôn nhân chính là lấy một người rồi cố gắng sửa họ thành con người mình mong muốn. Nhưng cốt lõi vẫn như tác giả nói một cuộc hôn nhân bền vững vẫn phải là tình yêu. Bởi nếu không có tình yêu thì người kia có tốt đẹp thế nào đối phương cũng chẳng bao giờ nhìn thấy cả... 

Và con người ta đôi khi thưởng có xu hướng tiếc nuối những gì không có được mà không biết trân trọng những gì đang có ở hiện tại. Một "cô vợ thích ăn pate" cá tính, thần thái, giỏi giang, tự chủ... của thời hiện đại ai cũng mê, thì khó có thể đòi hỏi cô ấy đảm đang trong bếp. Đừng tìm một người vợ toàn tài, hãy nhìn vào những ưu điểm của cô ấy và sống chung với nó bởi cũng làm gì có các ông chồng toàn tài bao giờ đâu. 

Chia sẻ