“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ từ nỗi ám ảnh tự tử của cô gái 8X

Lê Minh ,
Chia sẻ

Hành trình xuyên nước Mỹ để vượt qua nỗi ám ảnh muốn tự tử của Đinh Hằng, nữ tác giả “Quá trẻ để chết” đã làm lay động hàng nghìn độc giả. Quyển sách đã bán sạch veo chỉ 5 ngày sau khi xuất bản.

Bất ngờ bị bỏ lại trước ngưỡng cửa hôn nhân chỉ 2 tuần, Đinh Hằng, nữ tác giả quyển sách “Quá trẻ để chết” vẫn xách balô thực hiện chuyến du lịch xuyên Mỹ như kế hoạch đã định trước mà không phát hiện mình bị trầm cảm nặng nề. Trong suốt hành trình đơn độc 6 tháng trên nước Mỹ, không ít lần Đinh Hằng đã muốn lao đầu vào đường ray xe lửa để giải thoát cuộc đời.

Thế nhưng, bằng cách di chuyển liên tục trên nước Mỹ, hòa mình vào cuộc sống, thiên nhiên nước Mỹ, gặp gỡ những con người Mỹ, Đinh Hằng đã dần vượt qua nỗi đau tan vỡ tình yêu và trở thành một cô gái mạnh mẽ hơn khi kết thúc hành trình. Câu chuyện của Đinh Hằng đã làm lay động trái tim rất nhiều độc giả. Chỉ 5 ngày sau khi xuất bản “Quá trẻ để chết”, quyển sách đã bán hết sạch trên hệ thống Tiki.vn và nhà xuất bản phải in nối bản để phục vụ nhu cầu của đông đảo độc giả. Hãy cùng trò chuyện với Đinh Hằng để hiểu vì “Quá trẻ để chết” lại gây sốt đến thế nhé.

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_1

Đinh Thị Thu Hằng (Đinh Hằng)

Sinh năm 1987

Công việc: Phóng viên, chuyên viên truyền thông, Blogger du lịchcho Yahoo! Pacific tại Việt Nam, Stock photographer và cộng tác viên du lịch.

Quyển sách đầu tay: “Quá trẻ để chết – Hành trình nước Mỹ

“Tôi đã từng là một cô gái thích lên kế hoạch cuộc đời”

Tôi có đọc phần mô tả công việc của bạn “Khi đi làm thì là phóng viên hay chuyên viên truyền thông. Khi du lịch bụi thì là Ta ba lô, travel blogger, người chụp ảnh, kẻ lang thang, thích chuyện trò với người lạ và tò mò ngắm nhìn thế giới”. Đinh Hằng có vẻ là một gái yêu tự do và thích trải nghiệm nhiều nghề khác nhau?

Trước đây tôi là một cô gái sống có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, nhưng không có gì gọi là ước mơ. Tôi luôn đặt ra hạn định vào ngày, tháng, năm đó tôi sẽ đạt được những mục tiêu do mình đặt ra. Năm 17 tuổi, tôi đã lên kế hoạch cuộc đời rất rõ ràng: năm 22 tuổi sẽ ra trường, 25 tuổi lấy chồng, 26 tuổi sẽ có một đứa con, trên 30 tuổi sẽ có một căn nhà ở thành phố. Nhưng đến một ngày tôi nhận ra, phần lớn những kế hoạch hệ trọng nhất trong cuộc đời mình như lấy chồng, sinh con, mua nhà... đều không diễn ra như mong muốn. Tôi tự hỏi chính mình, thế thì tại sao phải lên kế hoạch?

Ngày trước, tôi hình dung cuộc đời mình giống như đường ray xe lửa, và không cho phép mình đi chệch khỏi đường ray ấy. Nhưng trải qua nhiều va vấp, tôi mới nhận ra rằng, thay vì biến cuộc đời thành một đường ray, hãy để nó là một đại dương. Dù cuộc đời rẽ theo hướng nào, tôi cũng sẵn sàng đi theo ngã rẽ ấy và chờ xem cuộc đời sẽ làm mình ngạc nhiên bằng những cách như thế nào.

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_15

Vậy là quyển sách “Quá trẻ để chết” ra đời cũng không nằm trong kế hoạch cuộc đời Hằng?

Đúng vậy, “Quá trẻ để chết” chưa bao giờ có trong kế hoạch đời tôi cả. Trước khi thực hiện hành trình xuyên Mỹ 6 tháng – thể hiện trong quyển sách này – tôi gặp một cú sốc lớn khi đổ vỡ tình cảm ngay trước ngưỡng cửa hôn nhân. Tôi bị trầm cảm mà chính mình không phát hiện ra mãi cho đến khi đặt chân lên nước Mỹ.

Trong suốt thời gian ấy, viết là cách tôi giải tỏa tâm trạng và cảm xúc của mình. Từ những ghi chép nhỏ, sau khi trở về Việt Nam, tôi vẫn không có ý định ra sách. Thế nhưng có một người bạn đã thuyết phục tôi viết quyển sách này. “Em đã đi rất nhiều nơi, chụp hàng trăm bức ảnh đẹp, nhưng nếu sau này ai muốn hỏi em điều gì đó về hành trình này, em không thể nào nhớ và kể hết về câu chuyện đằng sau hàng trăm nghìn tấm ảnh này được, nếu em có một quyển sách, em sẽ có thể kể cho người khác nghe câu chuyện của mình. Kế nữa, hành trình của em không chỉ là một chuyến du ký mà còn là hành trình để chữa lành vết thương lòng. Ở ngoài kia, có lẽ có hàng triệu người giống người giống như em, cũng đang gặp những vết thương lòng do đổ vỡ tình cảm, nhưng cách em chữa lành vết thương rất khác biệt. Nếu như em kể câu chuyện này, em có thể giúp đỡ những người khác, để họ biết một sự đổ vỡ tình cảm không phải là dấu chấm hết”. Đúng như lời anh ấy nói, sau khi ra sách chưa đến nửa tháng, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn hay chia sẻ đồng cảm với câu chuyện của tôi.

“Tôi từng muốn nhảy xuống đường ray xe lửa tự tử

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_4
                                                      "Tôi từng Tôi từng muốn nhảy xuống đường ray xe lửa tự tử và ý nghĩ đó không chỉ đến một lần"

Tôi ấn tượng với chi tiết trong phần đầu quyển sách, khi nhân vật chính muốn lao đầu vào đường ray xe lửa vì bị trầm cảm nặng nề và ám ảnh bởi ý nghĩ muốn tự sát. Đây là một quyển tự truyện du ký, Hằng có thể chia sẻ câu chuyện đằng sau chi tiết này không?

25 tuổi, một cô gái bị bỏ lại trước ngưỡng cửa hôn nhân chỉ hai tuần thì sẽ làm gì? Một cô gái đã chuẩn bị tất cả cho một cuộc đi đến hôn nhân, đã bỏ việc, đồ đạc đã dọn hết về nhà mẹ, xem như không có nhà ở Sài Gòn, còn người suýt nữa trở thành chồng thì bỏ mình, tôi đúng nghĩa là một người vô sản. Những vết thương lòng chất chứa qua nhiều năm tháng cộng với chuyện đó khiến tôi từng có ý nghĩ nhảy xuống đường ray xe lửa và ý nghĩ đến không chỉ một lần. Thế nhưng, tôi không muốn nói quá nhiều về vết thương này. Và quyển sách này nói về hành trình tôi đã tự chữa lành vết thương lòng như thế nào hơn là việc tôi đã bị bỏ như thế nào.

Bạn đã vượt qua nỗi ám ảnh tự tử và chứng trầm cảm như thế nào trên nước Mỹ?

Nếu một ngày nào đó bạn đi đến Washington D.C, thường xuyên đi tàu điện ngầm, không gian ở đấy u ám kinh khủng. Lúc ấy tôi lại đang mang sẵn căn bệnh trầm cảm, ý nghĩ tự tử cứ quanh quẩn trong đầu thì không gian ấy giống như chỉ tạo điều kiện thêm cho mình thôi. Thế nên, vào thời điểm đó, nếu nói tôi đã vượt qua nỗi ám ảnh chết chóc đó thế nào thì có nhiều tác động lắm. Đó là cả một hành trình dài đi qua rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người, nói rất nhiều câu chuyện, học rất nhiều bài học.

Đó là người chủ nhà đầu tiên tôi ở nhờ trên nước Mỹ tên là Robert. Robert đã hơn 60 tuổi, đã trải qua rất nhiều trải nghiệm trong cuộc sống để hiểu cuộc đời là như thế nào và đã nhắc tôi nhớ rằng cuộc sống này chất đầy những lựa chọn. “Lựa chọn là của cô Hằng ạ. Không ai sống thay cuộc đời mình được đâu. Chúng ta luôn làm những điều phải làm để tiến về phía trước, cuộc sống vốn là thế đấy.”

Tôi có một người bạn nữa tên là Hayden, một người bạn tôi gặp khi đang đi lang thang ở Myanmar. Hayden cũng từng bị trầm cảm, cũng có một người em họ bị trầm cảm và đã tự tử. Thế nên khi Hayden biết tôi bị trầm cảm, anh thường xuyên gửi e-mail cho tôi. Trong thư, Hayden kể cho tôi nghe cuộc đời của anh ấy, đó là điều khá xa lạ với một người phương Tây khi họ thường không quen kể chuyện của mình với người khác. “Mày hãy nhớ, cuộc đời này có rất nhiều người thậm chí còn không có cơ hội để sống một cuộc sống tốt đẹp như chúng ta đang có. Hãy mỉm cười rằng mọi chuyện đã xảy ra rồi và biết rằng mày chẳng thể làm gì được nữa và bước tiếp”, Hayden viết.

Trong hành trình này, tôi cũng gặp Đức, một người bạn Việt Nam tôi quen ở Philadelphia. Đức từng chịu trận tôi suốt một đêm khi vừa lái xe đường dài về nhà vừa lặng im để tôi ngập lụt trong cơn khóc vì không thể kiềm chế được. Có lẽ tôi đã khóc rất lâu nên Đức cố tình đi con đường dài hơn để về nhà. Đến khi khóc đã đời, giật mình nhìn lại tôi mới nhận ra là mình đã về đến nhà rồi mà Đức vẫn lái xe vòng vòng quanh nhà để đợi tôi bình tĩnh lại.

Nếu bạn đi du lịch nhiều chắc bạn sẽ hiểu, có những người xuất hiện bên cạnh mình trong thời gian ngắn, nói với mình vài câu chuyện, hẳn đã là niềm vui, huống hồ họ còn ở bên cạnh mình trong một thời điểm nhạy cảm và khó khăn, chìa một bàn tay, một bờ vai để cho mình dựa, niềm an ủi càng nhân lên bội phần.

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_3
Ảnh chụp với Đức trước nhà thờ Edgar Allan Poe

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_4
Ảnh chụp với vợ chồng chủ nhà Robert tại Maryland 

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_5
Ảnh chụp với gia đình chị Chi ở thành phố Murrieta

Có một sự so sánh hóm hỉnh thế này. Phan Việt cũng đi xuyên nước Mỹ để vượt qua nỗi ám ảnh sau quyết định ly hôn và viết quyển sách “Xuyên Mỹ”, còn với Đinh Hằng là hành trình xuyên Mỹ để chữa lành vết thương trước một cuộc hôn nhân không thành. Có vẻ như nước Mỹ là nơi chữa lành vết thương tình cảm khá hiệu quả nhỉ?

Tôi không nghĩ là nước Mỹ là nơi chữa lành vết thương của ai, mà là có thể bất kỳ đâu nơi bạn gặp được những người thú vị, có những câu chuyện thú vị.

Trong hành trình xa nhà nửa vòng Trái Đất, phần lớn thời gian tôi ở nhờ nhà người Mỹ trong cộng đồng Couch Surfing, may mắn được tiếp xúc với những con người có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt, cách nhìn nhận cuộc sống hoàn toàn khác, giúp tôi nhìn lại vấn đề của mình theo những hướng hoàn toàn mới. Họ giúp tôi nhận ra cuộc đời này có rất nhiều sự lựa chọn, đâu nhất thiết tôi phải giải quyết vấn đề theo đúng kiểu châu Á hay theo những kiểu mà trước đây tôi từng suy nghĩ. Đó là điểm hay của nước Mỹ, mỗi người đều là một cá thể khác biệt. Mỹ là đất nước rộng lớn, đi qua 20 bang giống như bạn đi qua 20 nước khác nhau với cảnh quan, con người, giọng nói của những con người trong ấy cũng khác biệt. Chính sự khác biệt ấy giúp tôi học được rất nhiều điều dù tôi không lên kế hoạch để học những bài học ấy.

Vậy nói đơn giản hơn, đi du lịch là một cách chữa lành vết thương lòng hiệu quả?

Không, tôi không nghĩ vậy. Không phải bất cứ khi nào bạn gặp chuyện đau khổ, bạn xách balo lên và đi du lịch thì mọi vấn đề của bạn sẽ được giải quyết. Thực tế, tất cả những vấn đề của mình nó vẫn nằm nguyên ở đó, không hề thay đổi hay suy suyển, nhưng việc đi đâu đó sẽ cho bạn một khoảng thời gian để bạn lắng lòng mình lại. Khi bạn ở cách xa nơi xảy ra chuyện đau khổ, cách xa người khiến bạn cảm thấy bị tổn thương, thì bạn sẽ nhìn mọi thứ kỹ lưỡng hơn.

Tôi cũng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tin vào câu nói “Time is a healer” (Thời gian là liều thuốc chữa lành). Không, thời gian không chữa lành điều gì cả. Không phải thời gian, mà chính là những người thân đã không để cho tôi chết chìm trong cái hố do tôi tự đào. Trong nhiều tháng liền, những đứa bạn thân nhất cứ nghe tôi lải nhải đi lải nhải lại mãi một câu chuyện mà chúng không bao giờ bảo tôi chán ngắt. Mẹ vẫn để cho tôi đi dù biết trái tim tôi tan nát. Chị tôi vẫn nhấc điện thoại và nghe tôi nói hàng giờ liền, dù khi ấy chị bận rộn loay hoay với kế sinh nhai mỗi ngày. Robert đã bỏ qua việc ông chúa ghét chiếc điện thoại để gọi cho tôi vài tuần một lần, chỉ để chắc rằng tôi vẫn ổn. Đức đã dạy tôi phải sống vui trước tiên, sống cho mình trước tiên nếu muốn nghĩ đến việc sống vì ai đó.

Thời gian không làm điều gì cả nếu tự bản thân tôi không muốn chữa lành vết thương của chính mình.

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_6
 Ảnh Đinh Hằng chụp tại thành phố Chicago. "Không phải bất cứ khi nào bạn gặp chuyện đau khổ, bạn xách balo lên và đi du lịch thì mọi vấn đề của bạn sẽ được giải quyết".

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_7
"Quá trẻ để chết" là một quyển tự truyện du ký, sách của cô được in kèm với những bức ảnh đẹp về thiên nhiên nước Mỹ, về những thành phố thuộc 20 bang của nước Mỹ mà cô đã đi qua 

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_9
"Tôi cũng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tin vào câu nói “Time is a healer” (Thời gian là liều thuốc chữa lành). Không phải thời gian, mà chính là những người thân đã không để cho tôi chết chìm trong cái hố do tôi tự đào"

“Quá trẻ để chết – Quá trẻ để ngừng tin vào tình yêu”

Từ đâu Hằng nảy ra tên của quyển sách là “Quá trẻ để chết”?

Sau khoảng 5 tháng lang thang khắp nơi trên nước Mỹ, tôi thực hiện một chuyến road-trip trên một nhà xe di động RV cùng với hai người bạn. Tôi gọi đó là “chuyến đi của tự do”, suốt gần 1 tháng trời chúng tôi cứ ngồi trên xe đi hết nơi này đến nơi khác, mọi sinh hoạt ăn, ngủ, tắm rửa…, mọi thứ đều diễn ra trên xe. Chúng tôi đi qua các công viên quốc gia ở Mỹ và khung cảnh thiên nhiên ở đây đẹp vô cùng.

Tôi nhớ từng đọc đâu đó rằng thiên nhiên có khả năng chữa lành vết thương tâm hồn. Tôi không tin điều đó cho đến một buổi chiều ngồi trên bờ vực “Island in the Sky” (Đảo trên trời, công viên Canyonlands, bang Utah) ngắm hoàng hôn. Đó là một đại vực khoảng mấy triệu năm tuổi, có con sông Xanh chạy luồn lách bên dưới và tôi ngồi trên một tảng đá to bên đại vực ngắm hoàng hôn. Tôi là người cực kỳ thích ngắm hoàng hôn và đã ngắm hoàng hôn ở nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy thứ hoàng hôn ở đâu đẹp như ở đại vực này.

Trong khoảnh khắc đắm mình trong ánh sáng hoàng hôn đẹp đẽ ấy, tôi chợt như bừng tỉnh giữa cơn mê. Tôi tự hỏi mình “Còn bao nhiêu thứ hoàng hôn cũng đẹp đẽ trên thế giới này mà tôi chưa từng biết đến? Còn bao nhiêu con người tuyệt vời mà tôi chưa gặp? Vì sao tôi cứ mãi loanh quanh với suy nghĩ ngu dại về chuyện tự kết liễu đời mình, về một mối tình đã chết không thể làm sống lại, về việc tự hành hạ bản thân bằng cồn, bằng cỏ, bằng những ý nghĩ màu xám xịt? Tôi đang ở đây, cách xa nhà mình nửa vòng trái đất, rồi tôi sẽ còn đi xa đến đâu nếu tôi cứ ngẩng cao đầu tiến về phía trước?

Đó là lý do ra đời quyển sách “Quá trẻ để chết”. Hoàng hôn chỉ là một cái cớ, tôi nghĩ vậy, để cho tôi biết rằng cuộc đời đang cố nói với tôi điều gì đó mà tôi chưa đủ chú tâm để lắng nghe. Tôi nghiệm ra rằng những điều tốt đẹp rồi cũng kết thúc bởi những điều tốt đẹp hơn sẽ đến sau đó, miễn là tôi đủ kiên nhẫn, đủ niềm tin, chúng nhất định sẽ đến.

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_10
"Tôi nghiệm ra rằng những điều tốt đẹp rồi cũng kết thúc bởi những điều tốt đẹp hơn sẽ đến sau đó, miễn là tôi đủ kiên nhẫn, đủ niềm tin, chúng nhất định sẽ đến"

Theo tôi biết, ý tưởng “Quá trẻ để…” của Đinh Hằng cũng là tên một cuộc thi bạn phát động trên trang Fanpage “Life is journey”...

Tôi có một câu chuyện và câu chuyện ấy mang tên “Quá trẻ để chết”, thì tôi tin ở ngoài kia, nhiều bạn trẻ cũng sẽ có câu chuyện của họ và cũng sẽ bắt đầu bằng cụm từ “Quá trẻ để làm một điều gì đó”. Tôi cũng không ngờ cuộc thi nho nhỏ ấy lại nhận được rất nhiều bài viết từ các bạn trẻ, với nhiều câu chuyện hay. Tôi nhận ra các bạn trẻ bây giờ cũng có nhiều trăn trở lắm, rất nhiều bạn nhỏ tuổi nhưng đã làm nhiều chuyện can đảm hơn tôi. Những trăn trở của các bạn rất chính đáng, những trăn trở của tuổi trẻ. Đặc quyền của tuổi trẻ là có rất nhiều thời gian, và dư thừa liều lĩnh để thử, sai lầm, học hỏi và lớn lên từ sai lầm đó. Nếu nói theo cách này, sai lầm không phải là sai lầm mà lại là bài học.

Trong loạt ý tưởng gửi về fanpage, tôi có đọc được bài viết “Quá trẻ để ngừng yêu”. Với một cô gái từng có vết thương lòng ám ảnh đến mức muốn tự sát, bạn có còn tin vào tình yêu?

Có chứ. Nói sao nhỉ, không phải con chim thấy cành cong thì không dám đậu nữa. Tôi nghĩ tình yêu không phải thứ ai đó sẽ đem đến cho mình. Yêu trước tiên là yêu bản thân mình và hạnh phúc giống như ly nước đầy vậy. Hạnh phúc đó đến từ bên trong và do chính mình xây dựng. Nếu như hạnh phúc của một cô gái chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông thì một ngày nào đó người đàn ông hắt ly nước hạnh phúc đi, bạn sẽ trở nên trắng tay sao?

Tôi nghĩ một cô gái nên biết làm chủ cuộc đời mình, biết mình muốn gì và biết mình hạnh phúc với điều gì. Bất kỳ một ai xuất hiện trong cuộc đời mình thì đó là những niềm vui cộng thêm, chứ không nên đặt toàn bộ niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân vào một người nào đó. Tôi vẫn tin vào tình yêu, tin rằng ngoài kia có ai đó phù hợp với mình, và tôi đang bước đi trên con đường để gặp anh ấy một ngày nào đó.

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_12

Đinh Hằng và độc giả vào buổi ra mắt sách "Quá trẻ để chết" vào ngày 10/5

Bạn từng có một gia đình không hạnh phúc, vậy bạn có tin vào hôn nhân không?

Tôi nghĩ hôn nhân thật ra chỉ là chuyện của hai người. Đứng từ bên ngoài nhìn vào, chúng ta có thể nhận xét cặp đôi này hạnh phúc, cặp kia không, nhưng chắc gì cuộc sống của họ giống như vậy. Hạnh phúc hay không chỉ có hai người biết. Tôi không phải là kiểu người trải qua một, hai lần đổ vỡ thì mất niềm tin vào tình yêu, hôn nhân. Tôi nghĩ đây là thời gian tôi nên đi với bản thân mình cho đến khi nào tôi sẵn sàng để gặp và bước đi cùng người khác trên hành trình của mình.

Tôi cũng ấn tượng với một bài viết có tên “Quá trẻ để an phận”. Vậy một cô gái 28 tuổi và yêu tự do như Đinh Hằng, hai từ “an phận” sẽ được hiểu thế nào đây?

Tôi nghĩ rằng mỗi người đều có mục tiêu, ước mơ, khát khao khác nhau. Tôi là một người thích đi đây đó khắp nơi không có nghĩa là tôi sẽ chê bai những cô gái mơ ước lấy một người đàn ông và sinh con rồi làm mẹ, đó là mơ ước rất chính đáng. Tôi rất ngưỡng mộ những cô gái như vậy vì hiện tại bản thân tôi không làm được điều đó. Tôi chưa sẵn sàng để bước vào một trang mới cuộc đời đầy chông gai như thế.

Có lẽ một ngày nào đó tôi cũng sẽ kết hôn, có con, nuôi nấng chúng thành những đứa trẻ nên người như bao phụ nữ khác, vấn đề là tôi phải gặp đúng người đàn ông của mình đã. Trong lúc chờ đợi tôi sẽ làm những điều khác.

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_13
Đinh Hằng cho biết điều khó khăn nhất khi viết "Quá trẻ để chết" là phải nhớ đi nhớ lại những vết thương lòng quá nhiều lần và cô đã khóc rất nhiều trong khi viết. 

Tôi được biết bạn quyết định dành toàn bộ số tiền nhuận bút của quyển sách “Quá trẻ để chết” làm từ thiện.

Tôi muốn dành lời cảm ơn chân thành nhất đến Mẹ, những người bạn và cả những người “xa lạ thành thân thiết” đã dang tay ra chia sẻ một phầnđời của họ với tôi trên suốt dọc dài hành trình nước Mỹ. Họ có thể chỉ cho tôi quá giang một đoạn đường, uống cùng tôi một tách cà phê, nói cùng tôi đôi ba câu chuyện phiếm, nấu cho tôi một bữa ăn, dành cho tôi chiếc xô pha để ngủ giữa phòng khách, cho tôi trú ngụ nhữngđêm lang thang….Họ cũng có thể chưa bao giờ phát âm đúng cái tên rất “Việt Nam” của tôi, thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm tôi trên Facebook, hay đã trở thành những người bạn cực kỳ thân thiết trong cuộc sống tôi bây giờ…

Lời cảm ơn đó hẳn nhiên tôi đã nói thành lời. Nhưng với tôi, cách để cảm ơn họ, và cảm ơn cuộc đời chân thành nhất làchia sẻ thành công, niềm vui và sự may mắn từ chuyến đi của mình với người khác, giúp đỡ người khác như cách mình đãđược giúp đỡ. Đó là một dạng “Pay It Forward” (đáp đền nối tiếp) thay vì “Pay It Back” (đền ơn, trả ơn.)và tôi nghĩ họ thích cách làm này hơn vì nhiều người từng giúp đỡ tôi chưa bao giờ muốn tôi trả ơn họ.

Bạn là người đã đi du lịch rất nhiều nơi, trong những thành phố Hằng đã đến và cảm mến, nếu phải chọn sống ở một nơi, bạn sẽ chọn thành phố nào?

Một câu hỏi khó (cười lớn) vì tôi thích nhiều nơi lắm. Tôi thích Washington D.C. bởi ở đó có Robert - một người bạn tuyệt vời. Tôi thích Chicago vì không gian nơi này lãng đãng nghệ thuật.Tôi muốn sáng nào cũng được uống cà phê ở Seattle và ngày nào cũng đi ngược dốc lên đỉnh đồi công viên Dolores ở San Francisco, rồi khi trở về nhà thì đứng xếp hàng để mua một cây kem Honey Lavender ở quán Bi-Rite Creamery.

“Quá trẻ để chết” và hành trình nước Mỹ gây sốt của cô gái 8X_14
Toàn bộ số tiền nhuận bút của quyển sách “Quá trẻ để chết” sẽ được tác giả dùng làm từ thiện.

Những nơi Hằng vừa nhắc đến đều ở nước Mỹ, bạn có nghĩ một ngày nào đó sẽ dọn đến nước Mỹ sinh sống không?

Tôi không biết nữa, cuộc đời này vốn nhiều bất ngờ mà.Cuộc sống hiện tại của tôi vẫn đầy những điều không ngờ đến được, tôi cũng chưa biết vài năm nữa mình sẽ chọn làm gì, nhưng tôi yêu những gì mình đã, đang và sẽ làm, và tâm niệm tôi sẽ chỉ làm những điều mình thích.

Cảm ơn Đinh Hằng về buổi trò chuyện rất nhiều cảm xúc. Chúc bạn sẽ tiếp tục thành công với quyển sách tiếp theo và hạnh phúc trên chặng đường kế tiếp.

(Ảnh: NVCC)

Chia sẻ