Cân "điêu" tại Hà Nội: Quái chiêu móc túi những chị em hay mặc cả
Nhiều chủ buôn đang móc túi trắng trợn người tiêu dùng bằng những chiếc cân "điêu" vô tội vạ, thậm chí tại nhiều nơi, bán 1 kg chủ buôn có thể ăn gian đến 3 lạng.
Cả phố trang bị cân điêu
Mỗi ngày, hàng ngàn, hàng triệu người tiêu dùng đang bị móc túi trắng trợn bởi nạn cân "điêu", cân thiếu. Nếu ít thì 1 kg khách hàng bị cân thiếu từ 0,5 – 1 lạng, nhiều thì thiếu đến 2 lạng, cá biệt có trường hợp khách bị ăn gian đến 3 lạng…
Theo khảo sát tại Hà Nội, mỗi nơi tỷ lệ cân ăn gian cũng khác nhau. Những chợ bán thực phẩm, rau củ quả thì lượng ăn gian của những chiếc cân trung bình từ 1 – 1,5 lạng/kg. Những gánh, xe bán hàng rong tỷ lệ ăn gian cao hơn, khoảng 2lạng/kg.
Đầu đường Láng, những người bán hồng xiêm với những chiếc cân "điêu" đến... không tưởng!
Cá biệt nhất phải kể đến là đoạn từ bùng binh Cầu Giấy rẽ vào đường Láng, chỉ một đoạn ngắn khoảng 200m nhưng có tới 4-5 người bán hồng xiêm. Nhìn những trái hồng xiêm khá mọng và bắt mắt, rất nhiều người đi đường đặc biệt là chị em phụ nữ không ngại dòng xe đang di chuyển đông đúc, cố tạt vào mua. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, những hàng bán hồng xiên tại đây đều ăn gian của khách bằng những chiếc cân "điêu" đến… không tưởng!
Một kg hồng xiêm được các chủ hàng nói thách với giá 40 ngàn đồng. Với tâm lý chung của khách đi mua hàng là đều thích mặc cả, có người mặc cả xuống còn 30 ngàn đồng/kg, hoặc 35 ngàn đồng/kg, thậm chí nhiều người còn “bạo miệng” trả thấp hơn nữa thì chủ hàng đều “không cho chúng nó thoát”.
Nhiều khách hàng mừng thầm vì mua được giá rẻ mà không hề biết rằng một khi đã mặc cả thì “đừng hòng” thoát khỏi chiêu bài cân điêu, cân thiếu của những chủ buôn này. Những chiếc cân đồng hồ tại đây đã được “hô biến” một cách tài tình.
Những chiếc cân đồng hồ có dấu hiệu thay đổi kết cấu nên kẹp chì niêm phong của nhà sản xuất cũng không còn.
Lần thứ nhất, chúng tôi mua 2kg hồng xiêm với giá 70 ngàn đồng, thấy 2kg hồng ít hơn bình thường chị chủ hàng nhanh nhảu nói: “Nếu không tin chú để chị mang qua hàng bên cạnh cân lại”. Chưa kịp phản ứng gì, chị chủ hàng đã xách chiếc cân của hàng bên cạnh lại, thậm chí ở lần cân này chiếc kim còn chỉ ở số 2,1kg.
Khi thanh toán xong xuôi, chúng tôi đến một tiệm tạp hóa gần nhà cân lại thì kim đồng hồ chỉ dừng ở số 1,5kg!
Một lần khác, chúng tôi tiếp tục đến mua 2kg hồng xiêm tại đây, chủ quán vẫn “hét giá” 40 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói: “Lần trước chị cân thiếu cho tụi em, mua 2kg mà về cân lại chỉ có 1,5kg”, lập tức chủ hàng cười trừ và nói: “Chú cứ yên tâm, lần này chị sẽ cân đủ cho chú nhưng nếu trả giá xuống thấp hơn thì chị không bán được”.
Kim chỉ 1,3kg nhưng thực chất chỉ có 1kg - (ảnh NĐT)
Khi tôi hỏi, cân đủ là thế nào thì chủ hàng nói thêm: “Cân đủ là cân đủ chứ thế nào”. Sau khi lựa hồng xong, chúng tôi đặt hồng lên cân thấy chiếc kim đồng hồ dừng ở con số 2,6kg, lập tức chị chủ hàng nói: “2,6kg mới đủ 2kg thật đấy”.
Khi được hỏi về những chiếc cân tại khu vực này thì chủ hàng thừa nhận cả 4-5 người bán hồng xiêm tại đây đều có cân gian hệt nhau.
Tại nhiều nơi thuộc khu vực chân cầu Thăng Long, khu Trần Thái Tông, đường Hồ Tùng Mậu, hoặc các gánh hàng rong thuộc đường Trung Kính, trước cổng nhiều bệnh viện tình trạng cân điêu, cân thiếu và ăn gian một cách vô tội vạ đang diễn ra hàng ngày.
Lời trần tình của chủ cân "điêu"
Theo quan sát của chúng tôi, điều dễ nhận biết nhất ở những chiếc cân "điêu", cân thiếu thường bị mất kẹp chì niêm phong của nhà sản xuất. Tuy nhiên điều này không khẳng định được 100% bởi vẫn có rất nhiều chủ hàng tinh vi hơn thì những chiếc cân vẫn có kẹp chì, vẫn niêm phong đàng hoàng nhưng bên trong bị thay đổi kết cấu. Ở những chiếc cân điêu thường thì bị cắt hoặc kéo giãn lò xo, đối với những chiếc cân điêu làm tinh vi hơn là có thể điều khiển lượng ăn gian bằng chip điện tử kết nối với điện thoại di động.
Để thâm nhập được vào “thế giới cân điêu”, chúng tôi phải đóng giả là người buôn đang có nhu cầu sắm những chiếc cân tương tự và lê la trò chuyện với những người buôn hoa quả tại phố Trần Thái Tông nhiều ngày.
Một chiếc cân đã được "độ" tại chợ cóc thuộc quận Cầu Giấy.
“Thường thì dân buôn hoa quả như tụi em chỉ dám ăn gian từ 1-2 lạng thôi chứ không dám ăn nhiều. Những chiếc cân 'điêu' này thì tỷ lệ ăn gian thuận theo khối lượng, ví dụ nếu cân 1kg thì ăn gian 1 -2 lạng, 2kg thì từ 3-4 lạng, 5kg thì có thể ăn gian được từ 8-9 lạng”, một chủ hàng tên Thành (người Thái Bình) bán sầu riêng bật mí.
Một “đồng nghiệp” của anh Thành cho biết: “Để khách không phát hiện, tất cả dân buôn bọn em đều phải “độ cân” sao cho khớp nhau vì thỉnh thoảng khách thường mang đi cân lại ở những hàng khác”.
"Mình bán cố định ở đây nên tỷ lệ ăn gian cũng ít lắm"
Tại một chợ cóc thuộc quận Cầu Giấy ở những sạp bán thịt lợn, thịt bò những chiếc cân cũng đều không có kẹp chì niêm phong. Vì tôi là khách “ruột” nhiều năm nay nên được chị chủ hàng tên TH. bật mí: “Mình bán cố định ở đây nên tỷ lệ ăn gian cũng ít lắm, một kg chỉ lệch khoảng 0,5 lạng thôi”.
Khi được hỏi nếu “độ cân” phải làm thế nào thì những người buôn đều chỉ về Hải Dương hoặc một cơ sở tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long.
Cận cảnh một ca "độ cân" (ảnh Vietq).
Theo lời những chủ hàng tại đây, giá mỗi lần “độ cân” cho loại giao động từ 50 -100 ngàn đồng. Còn nếu chịu khó đi xa hơn chút nữa thì về Hải Dương sẽ có cả những lò “độ cân” khổng lồ mà giá thành để “độ cân” thì rẻ hơn nhiều. Tại đây, những chiếc cân sẽ được bàn tay của người thợ nhanh chóng hô biến một cách tài tình với công nghệ cũ, mới hoặc công nghệ tiên tiến đều có cả.
Năm 2009 Chính phủ đã ban hành nghị định về xử phạt hành chính đối với lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hóa. Tiểu thương cân gian sẽ bị phạt từ 300.000 – 500.000 đồng, mức phạt còn tăng lên từ 4 - 7 triệu đồng nếu tái phạm. Trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội “lừa dối khách hàng” theo Điều 162 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì cơ quan chức năng cần khởi tố hình sự và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này. |