Quá mệt mỏi với chuẩn đẹp cực đoan, phụ nữ Hàn đứng lên phá vỡ định kiến xã hội

Hạ Khương,
Chia sẻ

Phẫu thuật thẩm mỹ và mỹ phẩm đã trở thành yếu tố không thể thiếu đối với người xứ sở kim chi. Thế nhưng giờ đây, phụ nữ Hàn Quốc đang phá bỏ những định kiến về cái đẹp.

Ở Seoul, “thủ phủ” làm đẹp của châu Á, các bác sĩ phẫu thuật thường giảm giá cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học hay thậm chí học sinh cấp 3, với mục đích giúp các em dễ tiếp cận được các dịch vụ thẩm mỹ, nhờ đó dễ xin việc sau này hơn. Sơ yếu lý lịch tại Hàn Quốc thường có đính kèm ảnh, cũng như cân nặng và chiều cao của người xin việc.

Theo một cuộc thăm dò năm 2020 của Gallup Korea, có 1/3 phụ nữ Hàn Quốc từ độ tuổi 19 đến 39 đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ. 66% trong số đó cho biết sẽ sử dụng biện pháp làm đẹp bằng dao kéo để tăng khả năng tìm được bạn đời tâm đầu ý hợp. Một cuộc khảo sát năm 2007 của nhãn hàng Dove chỉ ra, cứ 4 bà mẹ Hàn Quốc thì có 1 người khuyên con gái mình trong độ tuổi 12-16 nên đi phẫu thuật thẩm mỹ.

Tuy nhiên, có những người phụ nữ muốn phá bỏ những chuẩn mực dao kéo này. Kể từ năm 2018, hàng trăm nghìn phụ nữ đã đăng ảnh mình cắt tóc dài hoặc mặt mộc lên mạng xã hội. Thậm chí họ còn xuống đường trong những bộ quần áo rộng thùng thình và đeo kính. Họ gọi phong trào đó là "Escape the Corset” (cởi bỏ áo ngực).

Elise Hu, tác giả cuốn sách "Flawless: Lessons in Looks and Culture from the K-Beauty Capital” (Hoàn mỹ: Bài học từ lăng kính văn hoá của thủ phủ sắc đẹp Hàn Quốc) chia sẻ: “Tôi thấy nó giống như cuộc tổng khởi nghĩa chống lại phương pháp làm đẹp nhờ dao kéo, một chuẩn mực mà dường như mọi phụ nữ Hàn Quốc phải tuân theo”. 

Quá mệt mỏi với chuẩn đẹp cực đoan, phụ nữ Hàn đứng lên phá vỡ định kiến xã hội - Ảnh 2.

Hu cùng những nhà nữ quyền trẻ tuổi tiết lộ họ đã chi từ 500 đến 700 đô (11,7 triệu - 16,4 triệu VNĐ) mỗi tháng cho việc làm đẹp da. Thậm chí có người còn ghi lại số thời gian mà họ dành ra để chăm sóc bản thân hàng ngày. 

Về việc từ bỏ việc trang điểm, sản phẩm chăm sóc da và liệu pháp thẩm mỹ, Hu trả lời: “Chúng tôi đã giải thoát bản thân khỏi những thứ vốn bó buộc phụ nữ. Đây là một bước tiến quan trọng để đấu tranh cho tự do”.

Dữ liệu tiêu dùng từ Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho thấy, các khoản chi tiêu liên quan đến làm đẹp đã sụt giảm đối với những người phụ nữ ở độ tuổi 20, và họ cũng ít phẫu thuật thẩm mỹ hơn. 

Hu nhận định: “Phong trào này giống với làn sóng nữ quyền lần thứ hai ở Mỹ, với hành động đốt áo ngực của phụ nữ. Các nhà nữ quyền ở Hàn Quốc là những người tài giỏi, xuất chúng và họ xứng đáng nhận được nhiều sự chú ý hơn nữa từ cộng đồng quốc tế”. 

Ảnh hưởng tiêu cực từ chủ nghĩa tiêu dùng

Ở Hàn Quốc, làm đẹp không chỉ là chăm sóc bề ngoài, mà còn là một nghĩa vụ. Hu giải thích: “Đáp ứng một tiêu chuẩn tối thiểu về ngoại hình được coi là một phép lịch sự. Nếu bạn phẫu thuật thẩm mỹ để trở nên cân đối, bạn không chỉ tôn trọng bản thân, mà còn đang tôn trọng cả người xung quanh”.

Chính phủ cũng khuyến khích và thúc đẩy việc làm đẹp bằng cách giữ giá của mỹ phẩm và dịch vụ làm đẹp ở mức thấp, thậm chí cung cấp những liệu trình làm đẹp miễn phí cho người tị nạn muốn hòa nhập với môi trường và xã hội Hàn Quốc. 

Quá mệt mỏi với chuẩn đẹp cực đoan, phụ nữ Hàn đứng lên phá vỡ định kiến xã hội - Ảnh 3.

Quá mệt mỏi với chuẩn đẹp cực đoan, phụ nữ Hàn đứng lên phá vỡ định kiến xã hội - Ảnh 4.

Những người phụ nữ chờ đến lượt mình bước vào phòng khám

Tuy nhiên điều này cũng để lại những hậu quả tiêu cực. Hu làm rõ: “Nếu nhiều người vẫn giữ quan điểm rằng chúng ta phải cải tạo cơ thể để trở nên đẹp hơn, thì có lúc bạn sẽ bị đánh giá, phán xét vì không cải thiện ngoại hình. Điều này thật nguy hiểm”.

Năm 2015, Hu đã chuyển từ Washington D.C tới Seoul với tư cách là phóng viên quốc tế. Thế nhưng, cô đã gặp phải sự soi mói cơ thể và chỉ trỏ từ những người phụ nữ qua đường. 

Những người lạ liên tục đàm tiếu về tàn nhang trên mặt và cơ thể “quá cỡ” của cô. 

Trước đó, Hu từng là người mẫu chụp ảnh sản phẩm. Cô thường mặc quần áo cỡ lớn và phải đi đến những cửa hàng quần áo đặc biệt dành cho người có ngoại hình giống mình.

Nhưng giờ đây, cô đã thấy tư duy về cái đẹp trong xã hội Hàn Quốc đang có sự dịch chuyển tuy chậm rãi mà vững chắc.

Đánh đổi nhiều thứ để phá bỏ truyền thống

Phong trào “Escape the Corset” đã thu hút đông đảo phụ nữ tham dự. Tuy nhiên họ cũng phải đánh đổi rất nhiều thứ để có được quyền tự chủ bởi xã hội Hàn Quốc vẫn còn mang nặng tư tưởng trọng cái đẹp. Hơn 56% đàn ông Hàn Quốc cho biết sẽ chia tay bạn gái nếu cô ấy là người ủng hộ phong trào nữ quyền. 

Hu chia sẻ: “Những người phụ nữ đó phải đánh đổi những mối quan hệ gia đình nếu tham gia phong trào nữ quyền. Họ sẽ không được mời đến các buổi tụ họp của gia đình. Họ đánh mất đồng nghiệp, thậm chí cả cơ hội việc làm. Có một giáo viên tiểu học đã nói chuyện với tôi về việc học sinh của mình luôn dị nghị khi cô để tóc ngắn đi làm. Còn các phụ huynh học sinh thì cho rằng cô giáo là một người lười biếng. Qua đây ta thấy được người Hàn Quốc coi trọng ngoại hình dường nào”.

Quá mệt mỏi với chuẩn đẹp cực đoan, phụ nữ Hàn đứng lên phá vỡ định kiến xã hội - Ảnh 5.

Một nữ người mẫu Hàn Quốc đăng bộ ảnh để đấu tranh chống lại các chuẩn mực về ngoại hình trong xã hội

Nhìn chung, Hu vẫn giữ quan điểm lạc quan về phong trào phụ nữ Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Cô vẫn tin tưởng vào những người luôn từng ngày đấu tranh chống lại những quan điểm cực đoan về cái đẹp.

Chia sẻ