Quá gầy dễ bị bệnh gì?

Theo Tuoitre,
Chia sẻ

Liệu vẻ đẹp ấy có thật sự khỏe - đẹp? Và sẽ ra sao nếu những bạn gái trẻ khác “copy” hình ảnh ấy để ép cân?

Phụ nữ được mệnh danh là “phái đẹp”, và dáng vóc là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá nét đẹp ấy. Song, không ít bạn gái trẻ đang bị ám ảnh với hình ảnh những người mẫu phô bày một cơ thể rất khẳng khiu, tưởng chỉ còn da bọc xương.

Liệu vẻ đẹp ấy có thật sự khỏe - đẹp? Và sẽ ra sao nếu những bạn gái trẻ khác “copy” hình ảnh ấy để ép cân?

Tự bỏ đói

Quan niệm về dáng vóc đẹp của phụ nữ luôn thay đổi qua các thời đại khác nhau và tùy thuộc nét văn hóa của từng xã hội. Đã có thời kỳ người phụ nữ tròn trịa, đẫy đà mới được cho là đẹp. Sau đó dần chuyển sang khuynh hướng nét đẹp mảnh mai.

Ngày nay, khi khoa học phát triển, người ta phát hiện rằng dáng vóc không chỉ thể hiện vẻ đẹp của con người mà còn thể hiện tình trạng sức khỏe với các mối liên quan bệnh tật khác nhau.

Dáng vóc được xem là đẹp khi đạt được chiều cao lý tưởng kết hợp với sự cân đối giữa cân nặng và chiều cao, nghĩa là không quá gầy mà cũng không quá béo, có các đường cong đẹp của cơ thể. Sự cân đối này có thể được đánh giá một cách đơn giản dựa vào cân nặng và chiều cao qua cách tính chỉ số khối cơ thể (BMI: body mass index) như sau:

BMI = Cân nặng (kg)/ Chiều cao2 (m)

Đối với người châu Á trên 18 tuổi, chỉ số BMI trong khoảng từ 18,5 đến dưới 23 là cân đối. Nếu chỉ số này dưới 18,5 là gầy mà từ 23 trở lên là đã có khuynh hướng thừa cân, trên 25 là thừa cân và trên 30 là béo phì. Không phải ngẫu nhiên người ta có được các con số trên để làm mốc đánh giá sự cân đối về hình thể. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy người gầy hoặc béo sẽ có nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn so với người cân đối.
 

Ngày nay, do tình trạng béo phì đang gia tăng nên có lẽ người ta đã nghe nhiều đến hậu quả của nó là các căn bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu... Tuy nhiên khi đặt vấn đề ngược lại, quá gầy có tốt hơn không, điều này cần được phân tích kỹ.

Thời gian gần đây, vóc dáng gầy không chỉ xuất hiện ở những người suy dinh dưỡng do thiếu thực phẩm để ăn mà chúng ta còn thấy cả ở những người có quá nhiều cái để ăn nhưng lại tự “bỏ đói” mình vì một quan niệm sai lầm: “Mình hạc xương mai mới là đẹp”. Điều cực kỳ tai hại khi quan niệm này xuất phát từ những người mẫu, là các siêu sao trên sàn diễn thời trang vì tác động lan rộng đến hàng bao nhiêu thiếu nữ.

Quá gầy dẫn đến hậu quả gì?

- Hệ miễn dịch kém: Thiếu dinh dưỡng sẽ làm yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Người gầy có thể không có đủ khả năng chống lại vi trùng và virút nên sẽ dễ bị cảm cúm và các bệnh nhiễm trùng như lao, viêm phổi... và khả năng phục hồi sức khỏe cũng rất chậm.

- Mất khối cơ: Khi bị “bỏ đói” kéo dài thì cơ thể sẽ sử dụng chất đạm từ cơ bắp để tạo năng lượng. Hậu quả là cơ sẽ bị yếu và mất khối cơ. Khi đó vóc dáng sẽ trở nên khô và gầy đét.

- Rụng tóc: Khi tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ thì mái tóc sẽ trở nên khô, mất bóng và rụng dần.

- Hạ huyết áp: Thiếu dinh dưỡng đến mức nào đó thì có thể sẽ bị hạ huyết áp.

- Loãng xương: Khi ăn uống không đầy đủ dưỡng chất, kể cả các vitamin và khoáng chất cần để tạo xương như canxi, phospho, magne, vitamin D thì xương sẽ không chắc khỏe. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, độ chắc xương còn tùy thuộc sự luyện tập hằng ngày. Đối với người quá gầy thì trọng lượng cơ thể quá nhẹ không đủ để làm mạnh khối xương nên sẽ dễ bị loãng xương. Khi đó xương rất mỏng, giòn và dễ gãy.

- Rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng sinh sản: Tình trạng suy dinh dưỡng có thể sẽ làm rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng thụ thai và khó có được một thai kỳ bình thường để sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh. Người phụ nữ bị suy dinh dưỡng sẽ có nguy cơ cao bị sẩy thai trong ba tháng đầu thai kỳ. Tình trạng thiếu máu cũng thường gặp ở phụ nữ quá gầy nên sẽ làm tăng nguy cơ sản khoa khi mang thai.

- Da nhăn: Đối với người quá gầy, lớp mỡ dưới da sẽ giảm, làm mất đi các đường cong thẩm mỹ, kết hợp với tuổi tác sẽ làm xuất hiện các nếp nhăn trên da.

Những người nhịn ăn để gầy vì sợ mập (dù vóc dáng cân đối) sẽ dẫn đến các rối loạn ăn uống được gọi là anorexia nervosa với ba đặc điểm chính:

- Không muốn duy trì cân nặng cơ thể khỏe mạnh.

- Sợ tăng cân.

- Có cái nhìn lệch lạc về vóc dáng bản thân.

Tóm lại, dáng vóc sẽ thật sự đẹp khi có sự cân đối và thể hiện vẻ khỏe mạnh. Cần đánh giá đúng vóc dáng bản thân để có sự điều chỉnh thích hợp nhất. Sự cân bằng giữa lối sống, nếp sinh hoạt, chế độ ăn và vận động thích hợp sẽ giúp chúng ta có được vóc dáng khỏe và đẹp.
 
Nhóm nguy cơ cao

Janet L.Tresure, một chuyên gia tư vấn tâm thần ở London, Anh, đã đăng nghiên cứu của mình trên tạp chí The British Journal of Psychiatry năm 2008 với tựa đề “Models as a high-risk group: the health implications of a size zero culture” (tạm dịch: Người mẫu là nhóm nguy cơ cao: về vấn đề sức khỏe trong một xã hội có văn hóa vóc dáng zero). Nghiên cứu đã cho thấy sự theo đuổi dáng vóc gầy trong công nghệ thời trang không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người mẫu mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng nói chung, và sẽ dẫn đến các hậu quả khôn lường.

Chia sẻ