"Gần chồng" quá sớm sau sinh - gầy đi?

Theo PNO,
Chia sẻ

Với một số người, quá gầy sau sinh thì đây là “điều đáng xấu hổ”. Nhóm này cho rằng, đó là dấu hiệu “sản mòn” minh chứng cho việc sản phụ “gần gũi” chồng quá sớm.

Một số sản phụ sau khi sinh nhanh chóng lấy lại được vóc dáng “thời con gái”. Với những người có vóc dáng quá cỡ thì đó là niềm mơ, nhưng với những người có dáng quá gầy thì đây là “điều đáng xấu hổ”. Nhóm này cho rằng, đó là dấu hiệu “sản mòn” minh chứng cho việc sản phụ “gần gũi” chồng quá sớm.
 
Theo Thạc sĩ- bác sĩ Nguyễn Thị Như Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn sức khỏe sinh sản (CRCRH) "hậu sản mòn” thực chất là tình trạng phụ nữ sau sinh không được chăm sóc và dinh dưỡng đầy đủ, kể cả khi đang mang thai, chứ không chỉ là chuyện gần gũi chồng quá sớm.

Xấu hổ vì "không mập sau sinh"

Gần 2 năm sau khi sinh con, cân nặng của chị Thu vẫn không vượt quá thời con gái “siêu gầy”. Điều đáng nói là sau khi sinh, mẹ chồng và mẹ ruột chị thay phiên nhau chăm sóc cháu và giúp chị làm việc nhà. Ban đêm, mẹ chị còn khuyên vắt sữa ra bình để bà trực tiếp cho bé bú giúp chị có thể ngủ yên giấc. Trong suốt 3 tháng 10 ngày, chị chẳng đụng tay đến bất cứ việc gì ngoài ăn, ngủ và cho con bú. Hàng xóm thấy vậy nói chị bị suy nhược do không quen chăm sóc con, trong khi mẹ ruột trách chị ham “gần chồng quá sớm”.
 
Thanh minh hết lần này đến lần khác nhưng mẹ chị vẫn không tin là chị chỉ gần chồng sau “3 tháng 10 ngày”. Mẹ chị cho rằng, phụ nữ thời còn con gái có gầy đến thế nào đi nữa thì sau khi sanh con cũng mập lên. Còn ngay cả sau 2-3 năm mà vẫn không mập lên thì chỉ có nguyên nhân duy nhất là bị sản hậu, sản mòn vì “gần chồng quá sớm”. Mẹ chị còn nhấn mạnh, thời của bà, những trường hợp giống chị đều bị hàng xóm chê cười, rèm pha đến xấu hổ.
 

Gầy không phải là bệnh sản hậu

Theo Thạc sĩ- bác sĩ Nguyễn Thị Như Ngọc bệnh hậu sản là những bệnh phụ nữ xảy ra trong vòng 6 tuần sau sinh. Trong y khoa, đây là những bệnh có liên quan đến việc sinh đẻ. Ví dụ, khi bị sốt, nếu là do nhiễm trùng tử cung, thì được gọi là bệnh hậu sản. Tuy nhiên, nếu sốt do nhiễm siêu vi, hay do đau ruột thừa thì cũng không thuộc lĩnh vực hậu sản, không thể gọi đó là một bệnh hậu sản. Trong y khoa không có từ "sản hậu" mà chỉ có “hậu sản”. Những bệnh lý trong thời kỳ hậu sản bao gồm những bất thường như nhiễm trùng, tai biến sản khoa muộn, rối loạn kinh nguyệt hay những rối loạn tâm sinh lý khác kể cả buồn hay trầm cảm sau sinh.

Thông thường sau khi sinh, trong vòng 1 năm, bà mẹ phải nuôi con nhỏ, có thể cho con bú mẹ hoặc không. Khó khăn trong nuôi con, dinh dưỡng sai lầm khi nuôi con, ít vận động, làm việc quá sức... cũng là những lý do có thể làm thay đổi trọng lượng. Có thể hình dung việc mang thai - sinh con - nuôi con như một tình trạng làm việc quá sức, căng thẳng... nên không ít người luôn giữ trọng lượng cơ thể ở mức quá khiêm tốn. Bên cạnh đó, không chỉ có người bị gầy mà còn có người tăng cân hoặc không giảm cân nổi sau sinh.

Nếu sản phụ quá gầy thì cần đi khám để xác định có bệnh lý nào đó chưa được phát hiện hay không. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục, tốt nhất nên đợi qua thời kỳ hậu sản, vì trong trường hợp chưa biến chứng, tử cung trở về bình thường trong thời gian từ 4-6 tuần. Trong tháng đầu sau sinh, lỗ cổ tử cung còn hở, còn sản dịch... đây là những điều kiện dễ gây nhiễm trùng tử cung. Ngoài ra, trong giai đoạn này, sức khỏe của bà mẹ chưa thật sự hồi phục, đặc biệt khi có những tổn thương sinh dục hoặc sau mổ sanh sẽ gây đau khi giao hợp, ảnh hưởng đến quan hệ tình dục, đến sức khỏe.

Với những lý do đó, việc quan hệ tình dục sau khi sanh, trong thời kì hậu sản, sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe sản phụ, chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gầy, bị “sản mòn do chạm phong long” như nhiều người vẫn nghĩ trước đây.

Chia sẻ