“Phút lâm chung, chị đã hưởng trọn vẹn hạnh phúc của cả một đời”
Tôi còn nhớ ngày cuối cùng gặp chị, tôi còn nghe chị tâm sự về chuyện chị và anh rể gặp nhau, yêu nhau ra sao. Chị kể mà ánh mắt đôi khi vẫn sáng lên, vui vẻ chẳng giống một người đang bệnh sắp chết.
Đọc bài viết "Chồng nhồi vào đầu các con tôi rằng “mẹ là người đàn bà trụy lạc”, tôi rất thương và thông cảm với bạn. Một người đàn bà, tài sản và cũng là thành công lớn nhất trong đời chẳng có gì khác ngoài đứa con. Còn gì đau đớn bằng việc bị chính con hắt hủi và coi thường. Hơn nữa, thời gian của bạn cũng không còn nhiều…
Câu chuyện của bạn còn khiến tôi rất đồng cảm, vì tôi cũng từng trải qua những cảm xúc giống hệt bạn bây giờ, dù rằng đây không phải là câu chuyện của tôi. Tôi chưa chồng nhưng đã có một cháu trai 2 tuổi, dù là làm mẹ đơn thân nhưng chí ít tôi vẫn hiểu nỗi lòng của một người mẹ. Chỉ có điều, tôi hoàn toàn không có chút ý niệm nào về chồng, để có thể thấm thía toàn bộ câu chuyện gia đình của bạn.
Trước lúc lâm chung, chị bắt anh rể tôi phải hứa sẽ cưới vợ mới.. (ảnh minh họa)
Câu chuyện tôi sắp kể là về chị gái tôi. Chị là một người phụ nữ hiền hậu, dịu dàng nhất trên cuộc đời này mà tôi từng tiếp xúc. Chị tôi đẹp lắm, ngày đi học phổ thông, chị từng đạt giải Á khôi của cuộc thi học sinh thanh lịch cấp thành phố, người ta còn xin phép đưa ảnh chị lên tấm pano quảng bá về du lịch địa phương trong suốt mùa hè đó. Ngày ấy, danh hiệu này đã đủ khiến tên chị nổi tiếng toàn khu tôi ở, vì thành phố nơi gia đình tôi sinh sống cũng chỉ nhỏ bé xinh xinh mà thôi.
Học xong cấp 3, chị chọn học một trường Cao đẳng gần nhà để được ở gần bố mẹ và tôi. Có hôm, tôi thấy chị lén thở dài khi nhìn thấy bức ảnh chụp ngôi trường Đại học chị ao ước trên tạp chí. Tôi kém chị 2 tuổi, lúc ấy cũng lờ mờ để hiểu chị đã hi sinh ước mơ làm cô tân sinh viên trên thành phố để có thể ở nhà đỡ đần bố mẹ. Chị sợ nếu chị ra đi thì tôi sẽ khổ, gia đình tôi không có điều kiện để có thể lo cho cả hai chị em học Đại học, nhất là học ở một nơi cái gì cũng đắt đỏ như thế. Vậy nên, ngày tôi lên đường nhập trường, tôi vẫn nhớ như in cảnh chị khóc chạy theo xe tôi, mếu máo dặn tôi cố gắng học hành, cố gắng thực hiện cả phần ước mơ của chị. Đôi lúc mệt mỏi và chán chường, nằm vắt tay lên trán nhớ lại cảnh tượng đó, nhớ về sự hi sinh của chị, tôi lại có thêm động lực mà cố gắng.
Khi tôi đang học Đại học năm thứ 2 thì chị ra trường và lấy chồng. Anh rể tôi hơn chị 5 tuổi, là kỹ sư cơ khí, gia đình cơ bản, tính tình cũng khá ôn hòa dù rằng anh rất gia trưởng. 3 năm sau ngày cưới, hai nhóc tì xinh xắn đáng yêu nhất trần đời lần lượt đến với gia đình chúng tôi. Chị tôi cũng được nhà chồng xin về dạy học tại một trường tiểu học gần nhà, cuộc sống cơ bản là ổn.
Chỉ có điều, mỗi lần về thăm nhà, qua thăm chị và cháu, tôi lại thấy trong mắt chị có một nỗi buồn khó tả. Hỏi thì chị bảo tại mẹ chồng chiều chị quá nên chị không thoải mái. Điều này có vẻ không thuyết phục lắm, biết bao nhiêu người mơ có được gia đình hạnh phúc như chị còn không được nữa là… Nhưng khi tôi thắc mắc thì chị lại lảng câu chuyện sang vấn đề khác. Tôi cũng nhanh chóng quên đi và nghĩ là do chị trầm cảm sau sinh chứ không có gì nghiêm trọng.
Bẵng đi một thời gian, tôi hay tin gia đình chị lục đục. Anh rể tôi từ ngày nhận được nhiều công trình lớn thì bắt đầu sinh tật rượu chè, gái gú. Chị thì chỉ quanh quẩn ở nhà với con cái, quen sống cam chịu nên chẳng khi nào hé răng than thở một lời. Tôi không ở nhà nhưng thi thoảng, bố mẹ vẫn gọi điện lên kể chuyện chị cho tôi nghe. Dù hai nhà ở gần nhau nhưng chồng chị gia trưởng, anh không đồng ý khi thấy vợ cứ suốt ngày lui tới nhà ngoại nên thành ra, chị hiếm khi mới về nhà. Có khi cả 2, 3 tháng chị mới về chơi được một lúc rồi lại vội vã đi ngay.
Mẹ tôi bảo có hôm bà còn tận mắt nhìn thấy anh rể tôi chở một người phụ nữ trẻ ngoài đường, nhìn rõ tình tứ, thân mật. Tôi hỏi chị thì chị gạt phắt đi, cứ một câu hai câu nói rằng mẹ nhìn nhầm. Được vài lần thì tôi thấy chị bật khóc và cúp máy ngay khi tôi cất lời hỏi chị câu đầu tiên. Lúc đó, tôi hiểu, những gì mẹ tôi nói là sự thật mất rồi.
Lần đến thăm chị, tôi giật mình khi nhìn thấy gương mặt khắc khổ của chị, chẳng còn chút gì của cô Á khôi nữ sinh thanh lịch ngày xưa nữa rồi. Tôi xót lắm. Nhìn chị mà tôi không thể nói lên lời nào mà chỉ biết khóc, chị cũng khóc theo. Chị đau đớn kể, chị phát hiện ra anh rể tôi bồ bịch đã lâu nhưng không hiểu sao chị vui khi biết điều đó vì nếu chị có mệnh hệ gì thì đã có người khác lo cho các con chị. Lúc ấy, tôi cốc vào trán chị và nói rằng chị chỉ nghĩ lung tung.
Cuộc đời thật buồn vì luôn xuất hiện những tình huống tréo ngoe mà ta không khi nào mong muốn. Ngay từ nhỏ, tôi đã nghĩ rằng, người phụ nữ hoàn hảo như chị chắc chắn sẽ được trời thương mà cho hưởng hạnh phúc. Nhưng sự thật thì tôi đã dần mất niềm tin vào cái gọi là sự công bằng.
Tôi đã chỉ muốn chết đi khi hay tin chị mắc ung thư vòm họng. Suốt một thời gian dài, chị thường xuyên bị chứng đau đầu hành hạ, có khi đang đứng lớp thì tự nhiên chảy máu cam. Đến khi phát hiện ra thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối, người ta đưa chị vào bệnh viện cấp cứu khi chị ngất ngay trên lớp.
Tôi còn nhớ, khi mẹ tôi báo tin cũng là lúc tôi đang chờ làm nốt thủ tục tại chỗ làm mới. Tôi vứt lại tất cả giấy tờ tại quầy lễ tân rồi lao ra xe về quê ngay trong chiều hôm đó. Khi tôi đến bên chị, tôi thấy mọi người nhà tôi đều đã đông đủ, hai đứa cháu tôi còn nhỏ quá, chưa ý thức được việc gì, chỉ biết tròn mắt và cười toe khi thấy ông bà và dì khóc. Chị cố tỏ ra mình mạnh mẽ và động viên ngược lại mọi người, còn trách tôi sao lại khóc, chị đã chết đâu. Chị dặn mọi người trong nhà tuyệt đối không được hé lộ điều gì về bệnh của chị, nhất là nhà chồng và chồng chị.
Nói thật, tôi đã đủ phát điên khi không thấy bóng dáng anh rể tôi đâu khi chị phải vào viện, nay lại được biết anh ta không hề biết chị bị bệnh và đang nhởn nhơ ra ngoài chơi trò ong bướm, tôi thật không chịu nổi. Sau khi đưa chị về nhà và sang xin phép bố mẹ chồng chị, tôi tìm cho bằng được anh rể và quăng vào mặt anh ta một đống những câu chì chiết tồi tệ nhất mà tôi có thể nói. Những tưởng anh ta sẽ tỏ thái độ tỉnh bơ, bất cần hay quay sang quát nạt lại tôi nhưng không, anh rể tôi sững người, lao đến day lấy day để cánh tay tôi và cuống cuồng hỏi chị đang ở đâu rồi phi như bay đến nhà tôi.
Khi tôi về nhà, tôi thấy anh rể tôi gục đầu vào bên giường cạnh chỗ chị tôi nằm, khóc nức nở. Tôi thấy anh không ngừng tự chỉ trích mình, gọi mình là thằng khốn nạn rồi không ngớt câu xin lỗi khi đã không để ý gì đến chị. Chị chỉ vuốt tóc anh và cười hiền hậu. Nhìn cảnh ấy, tôi không cầm được nước mắt. Tôi trách anh rể tôi vì đã vô tâm với vợ con, nhưng tôi cũng trách chị tại sao không chịu nói tất cả cho mọi người biết. Nếu được chữa trị sớm, có khi chị đã không đến nông nỗi thế này.
Sau hôm đó, anh rể tôi sang ở hẳn nhà vợ để tiện chăm nom cho chị. Chị bảo, lúc sống chị ít được về nhà, nên lúc cuối đời, chị muốn dành thời gian nhiều hơn cho bố mẹ. Ông bà thông gia hay tin cũng hay ghé qua, mang những món bồi dưỡng cho con dâu và chơi với cháu.
Hàng ngày, chị dành toàn bộ thời gian chơi với con, anh rể tôi cũng ở bên cạnh góp vui. Nhìn cả nhà chơi đùa vui vẻ bên nhau, ai không biết chuyện cũng phải ghen tị với hạnh phúc của gia đình nhỏ. Hai tuần sau đó, chị qua đời. Trước lúc lâm chung, chị bắt anh rể tôi phải hứa sẽ cưới vợ mới, nhất định phải chọn người tử tế để thay chị chăm lo cho hai con, tuyệt đối không để chúng phải khổ. Anh rể khóc đến lặng người. Đám tang chị, anh đi như một người mất hồn, ai nhìn cũng phải rơi lệ. Sau này, anh bảo, tội lỗi lớn nhất của anh đó là đã lỡ lừa dối chị trong khi chị đang đau đớn vì bệnh tật, vậy mà đến một câu trách cứ, chị cũng không hề nói với anh.
Tội lỗi lớn nhất của anh đó là đã lỡ lừa dối chị trong khi chị đang đau đớn vì bệnh tật (ảnh minh họa)
Tôi còn nhớ ngày cuối cùng gặp chị, tôi còn nghe chị tâm sự về chuyện chị và anh rể gặp nhau, yêu nhau ra sao. Chị kể mà ánh mắt đôi khi vẫn sáng lên, vui vẻ chẳng giống một người đang bệnh sắp chết. Đến câu chuyện cuối cùng, chị nói: “Hai tuần vừa rồi, chị hạnh phúc lắm. Chị đã được sống và hưởng hạnh phúc trọn vẹn của cả một đời rồi, nên chị ra đi cũng không hề hối tiếc. Điều khiến chị canh cánh mãi, là con chị còn bé quá, chúng thậm chí còn chưa biết chết nghĩa là thế nào…”. Tôi cũng hứa với chị, sau này dù có ra sao cũng sẽ cố gắng chăm nom bảo ban các cháu, nhất định tôi sẽ kể lại cho chúng nghe mẹ nó là người tuyệt vời thế nào.
Sau khi chị tôi qua đời, tôi trở về thành phố nơi tôi làm việc. Tôi lao đầu vào công việc, không cho phép mình có chút thời gian dư dả nào để nghĩ đến chuyện yêu đương. Khi tôi tròn 30 tuổi, tôi quyết định sinh con, làm mẹ đơn thân. Tôi không sợ yêu, nhưng mỗi khi nghĩ đến chuyện của chị tôi, tôi lại tưởng tượng đến cảnh chị đau đớn khi bị anh rể tôi phản bội, để rồi sống một mình cam chịu với bệnh tật cho đến tận khi cuối đời. Dù rằng, cuối cùng anh rể tôi cũng đã hiểu ra tất cả mọi chuyện nhưng chẳng có gì có thể chuộc lại được những lỗi lầm anh đã gây ra cho chị. Thú thật, tôi mất niềm tin vào đàn ông và không nghĩ rằng mình có thể gắn bó với ai đó cả đời, để rồi hạnh phúc cũng một mình hưởng, đắng cay cũng lẻ loi chịu.
Im lặng là vàng, nhưng đôi khi im lặng chẳng thể giúp ta giải quyết vấn đề. Nếu ngày ấy, chị tôi chịu mở lòng và chia sẻ thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Chị em nào đã kết hôn, hãy đọc câu chuyện của chị tôi và có cách hành xử khôn ngoan, đừng để bản thân mình cũng có một kết cục đáng buồn như vậy!