Phụ nữ bị sảy thai, phá thai… dễ mắc ung thư nhau thai
Ung thư nhau thai là bệnh hiếm gặp nhưng nếu người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời, các tế bào ung thư sẽ di căn đến những cơ quan nội tạng và gây nguy hiểm cho tính mạng.
Những người dễ bị ung thư nhau thai
GS.TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho hay, ung thư nhau thai là khối u ác tính phát triển từ các nguyên bào nuôi. Những phụ nữ có tiền căn sản khoa bất thường trước đó thường có nguy cơ bị ung thư nhau thai cao hơn những phụ nữ khác như thai trứng, sẩy thai tự nhiên, thai ngoài tử cung, thai chết lưu, phá thai. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là thai trứng, chiếm 70% các nguyên nhân dẫn đến ung thư nhau.
Đa số các trường hợp ung thư nhau thai thường không có dấu hiệu báo trước đến khi bệnh bộc phát. Triệu chứng hay gặp khi mắc ung thư nhau nhai là người bệnh có dấu hiệu xuất huyết âm đạo, có thể nôn nhiều và kéo dài, bụng to hơn tuổi thai, đau bụng từng cơn hoặc liên tục... Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời sẽ dẫn đến xuất huyết trầm trọng, gây ra các rối loạn cơ thể, thậm chí di căn xa và gây tổn hại tại nơi di căn. Nếu đã di căn phổi, người bệnh có biểu hiện đau ngực, khó thở, ho ra máu, chụp x-quang tim phổi thấy hình ảnh di căn… Còn nếu di căn não, bệnh nhân sẽ bị động kinh, lơ mơ hay hôn mê. Tuy nhiên, để xác định chính xác những biểu hiện trên có phải là bị ung thư nhau thai hay không, người phụ nữ cần đến khám chuyên khoa.
Các chuyên gia sản khoa cho rằng, đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư nhau thai là những người bệnh bị thai trứng không được theo dõi và điều trị đúng. Người bệnh có tiền sử bị thai trứng có nguy cơ mắc cao gấp 1.000 lần so với người có thai bình thường. Ngoài ra là phụ nữ có chế độ dinh dưỡng thiếu tiền chất vitamin A, những phụ nữ lớn tuổi khi có thai… cũng có nguy cơ mắc bệnh. Nên nghĩ đến ung thư nhau thai khi có dấu hiệu chảy máu bất thường một thời gian ngắn sau sinh, sẩy thai hay thai ngoài tử cung…
Ung thư nhau thai là bệnh hiếm gặp nhưng nếu người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm cho tính mạng. Ảnh minh họa
Hóa trị có thể chữa khỏi hoàn toàn
Ung thư nhau thai tuy nguy hiểm nhưng theo GS Nguyễn Bá Đức, nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu là hóa trị và phẫu thuật, trong đó hóa trị đóng vai trò tiên quyết. Các loại thuốc để hoá trị đã sẵn có ở Việt Nam và cũng không quá đắt. Tuy khi dùng thuốc có thể gặp một số tác dụng phụ song với phác đồ điều trị ngắn hạn trong thai trứng và bệnh tế bào nuôi, nhưng hầu hết bệnh nhân có thể chịu đựng được các tác dụng phụ này.
Người bệnh bị ung thư nhau thai khi điều trị thành công vẫn có thể mang thai lại. Sau khi điều trị thành công, người bệnh vẫn cần được theo dõi liên tục một thời gian, ít nhất 2 năm sau điều trị mới có thể có thai lại. Khi có thai lại, thai phụ cần báo cho nơi theo dõi khám thai là đã có tiền sử bị ung thư nhau thai để được theo dõi chặt chẽ hơn, tránh bệnh tái phát.
Nếu thấy có nghi ngờ bị ung thư nhau, cần làm một số khảo sát và xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ thêm cho việc chẩn đoán như sự tăng cao bất thường của nồng độ Beta HCG trong máu và trong nước tiểu. Ngoài ra, xét nghiệm nội tiết tố bánh nhau, siêu âm bụng và chụp x-quang phổi nhằm giúp phát hiện các di căn nếu có.
Để phòng tránh ung thư nhau thai cũng như tai biến sản khoa, các bác sỹ khuyến cáo phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, trước khi mang thai nên đi khám sức khỏe tổng quát, khám phụ khoa, chích ngừa cúm, Rubella… Khi mang thai, nên khám ngay để biết thai của mình có bình thường hay không, phải được theo dõi thai tốt nhằm tránh phát hiện muộn những trường hợp thai bất thường như thai ngoài tử cung, thai trứng, thai lưu, thai dị tật. Sau khi sinh nếu có những dấu hiệu bất thường như ra huyết kéo dài cần phải được kiểm tra để tránh phát hiện bệnh muộn.