Phụ huynh "xấu hổ" vì không dạy con đánh vần được một từ tiếng Việt quen thuộc, giáo viên nói gì?
Từ tiếng Việt này được nói hàng ngày nhưng vẫn khiến người lớn đau đầu vì không biết phát âm ra sao.
Một phụ huynh học sinh lớp Một mới đây đăng trên diễn đàn MXH xin ý kiến của các giáo viên tiểu học về cách đánh vần từ "gìn". Bà mẹ này viết: "Thầy cô ơi, con mình đang học lớp Một. Tối qua cô giao bài tập đọc về nhà, có từ "gìn", con trai mình đánh vần gi- in - huyền - gìn. Nhưng đáng lẽ phải là i - n - in - gờ - in - gin - huyền - gìn. Nếu đánh vần như con mình đã học thì lại thừa một chữ i, và phải đánh vần theo thứ tự từ sau ra trước chứ? Hai mẹ con vật lộn mãi không ra đáp án cuối. Mình xấu hổ với con vì mẹ cũng không đánh vần được".
Nhiều người cho biết, theo cách đọc mới, câu trả lời của đứa trẻ là đúng. "Bé đọc đúng rồi. bây giờ đánh vần xuôi từ trái qua chứ không như thời của mình đánh vần bị ngược. Hai âm i đứng cạnh nhau nên sẽ bỏ đi 1, gọi là khuyết đi âm i". Đồng thời, họ cho rằng, nếu phát âm "gờ" như người mẹ nói trên thì cách đọc của chữ sẽ thay đổi.
Nói về tranh cãi này, cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho rằng: Chữ gìn gồm có âm gi ghép với vần in. Lẽ ra theo cách đánh vần đó sẽ viết 2 chữ i. Nhưng do quy tắc chính tả tiếng Việt, từ nào có 2 chữ i đứng cạnh nhau sẽ lược bớt 1 chữ. Giống như từ "giếng" gồm âm gi và vần iêng. Nhiều người tưởng "g" trong từ "gìn" là âm /g/, trong khi đây là âm /z-/ (dờ) chứ không phải âm /g/.
Với học sinh, cha mẹ nên nói cho các em hiểu, với từ "gìn" ta có "in" là phần vần nên đánh vần là gi - in - zin - huyền - zìn.
Trước đó, một chữ cái tiếng Việt cũng khiến dư luận tranh cãi về cách đọc. Cụ thể, trên một diễn đàn dành cho phụ huynh, có người thắc mắc không biết chữ K thì nên đọc là "ca" hay "cờ": "Các thầy cô và bố mẹ giúp em cách đánh vần: K - eo - keo - sắc - kéo và Cờ - eo - keo - sắc - kéo. Cách nào đúng ạ?", người này hỏi.
Nói về vấn đề này, cô Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên tiểu học cho rằng, đúng là chữ c và k trong sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục đều được ghi kí hiệu là /cờ/. Còn sách bình thường thì ghi con chữ thôi chứ không ghi rõ âm, giáo viên sẽ tự dạy học sinh phát âm. Tuy nhiên hiện cô Thúy vẫn dạy học sinh là k - eo. Mặc dù phát âm ra giống nhau nhưng đọc là cờ - eo thì học sinh sẽ bị viết sai chính tả.
"Có thể bạn phát âm cờ - eo đang học tài liệu Tiếng Việt - công nghệ giáo dục. Ở đây không nói đúng hay sai mà cũng tuỳ thuộc chương trình sách giáo khoa nữa. Nhưng dù dạy bộ sách nào thì các cô vẫn dạy đánh vần để các con phân biệt được các trường hợp nào dùng k hay c", cô Thúy nói.
Trên thực tế, hiện nay, việc dạy đọc và dạy viết trong môn Tiếng Việt cho học sinh tiểu học được thực hiện tại Chương trình giáo dục phổ thông ban hành theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006.
Theo đó, cách đọc (cách đánh vần) với các chữ cái "c, k, q" như sau: Đánh vần chữ c đọc là /cờ/, chữ k đọc là /ca/, chữ q đọc là /quờ/. Ngoài ra, hiện nay, ở một số trường tiểu học đang áp dụng thí điểm dạy học theo tài liệu Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục cho học sinh lớp 1. Học theo tài liệu này, cách đọc với các chữ cái "c, k, q" đều đánh vần là /cờ/.
Về mặt khoa học ngôn ngữ và khoa học sư phạm cả hai cách đánh vần trên đều hướng tới mục tiêu cơ bản của tiểu học là đọc thông, viết thạo. Do vậy, các trường, các địa phương lựa chọn tài liệu nào sẽ dạy học sinh đánh vần theo cách tài liệu đó hướng dẫn.
Dù chọn cách nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả học tập, sử dụng tiếng Việt của các em sau này vì thực tế việc phát âm này chỉ dừng ở giai đoạn đầu khi học sinh bắt đầu học.