Làm sao để học sinh bớt ẩu khi làm Toán và có thể cải thiện điểm số? Chia sẻ chi tiết từ thầy giáo ở Hà Nội
Thầy cô, bố mẹ đã dùng nhiều cách, điển hình là câu "thần chú": Đọc kĩ đề, kiểm tra lại đi... mà không hiệu quả là bao.
Chuyện học sinh làm Toán "ẩu" dẫn tới điểm số không như kỳ vọng có lẽ là một chủ đề đau đầu với rất nhiều bố mẹ và thầy cô. Các biểu hiện muôn hình muôn vẻ ở trẻ như: Rõ ràng đề bài viết dấu (+) mà phía dưới con lại tính trừ (-); Đề cho 4 mà con lại nhầm thành 9; Nhầm chu vi với diện tích;...
Thầy Hà Đình Lực, giáo viên Trường TH & THCS Nila Hà Nội cho biết, trong giờ kiểm tra, rất nhiều học sinh làm xong bài sớm mà không kiểm tra lại dẫn đến sai sót đáng tiếc. Thầy cô, bố mẹ đã dùng nhiều cách, điển hình là câu "thần chú": Đọc kĩ đề, kiểm tra lại đi... mà không hiệu quả là bao.
Suy nghĩ về điều này từ lâu và thử áp dụng nhiều giải pháp, thầy Lực tìm ra một cách đơn giản mà khá hiệu quả với học sinh cấp 1 (Với cấp 2 thì tỉ lệ thành công ít hơn). Sau gần 2 tuần áp dụng ở tất cả các lớp học, đa số học sinh lớp thầy Lực đã bước đầu có thói quen kiểm tra lại bài làm và kết quả tiến bộ khá rõ.
Theo thầy, rèn thói quen này cho trẻ không dễ nhưng không phải không làm được, vấn đề là bố mẹ có sẵn sàng kiên trì cùng con hay không.
1. Giải pháp tức thời
Khi làm bài kiểm tra nào cũng cần làm đủ 2 bước:
+ Bước 1: Kiểm tra 2 lần giữa đề bài trong đề và đề chép ra giấy. Điều này giúp hạn chế việc chép nhầm đề.
+ Bước 2: Khi làm xong cả đề thì cần kiểm tra, tính toán lại từng câu ít nhất 2 lần, kiểm tra xong câu nào thì dùng bút chì đánh dấu ☑️ vào bên cạnh câu đó. Như vậy câu nào cũng cần có ít nhất 2 dấu ☑️ bên cạnh. Điều này hạn chế những lỗi tính toán sai.
Bên cạnh đó, lưu ý không bao giờ nộp bài trước khi hết giờ. Xong sớm thì dùng thời gian kiểm tra bài nhiều lần như trên. Để con có thói quen này, bố mẹ cần kèm con qua qua những bài tập, đề thi thử được giao về nhà bằng cách đặt 2 câu hỏi sau:
- Con đã đối chiếu đề 2 lần chưa?
- Bài làm của con đã có 2 dấu ☑️ bên cạnh mỗi câu chưa?
Sau khi con làm đủ 2 điều trên rồi thì bố mẹ mới chữa bài cho con. Bố mẹ để ý xem con có tiến bộ hơn khi áp dụng giải pháp trên không và điều chỉnh nếu cần.
2. Giải pháp lâu dài
Theo thầy Lực, về lâu dài, bố mẹ nên tập cho con trẻ có thói quen đọc sách, nhất là đọc sách chữ, hạn chế ti vi, điện thoại sẽ giúp khả năng đọc hiểu tốt hơn, tăng độ tập trung và sự kiên trì. Thầy cô tiểu học, bố mẹ cần rèn cho các con thói quen cẩn thận, kiểm tra lại kết quả ngay từ lớp 1, 2. Nếu làm được liên tục từ sớm trẻ sẽ hình thành thói quen trình bày cẩn thận, kiểm tra lại bài sau khi làm.
"Thần chú" với bố mẹ là nghiêm nhưng hạn chế quát mắng để khỏi ảnh hưởng đến tâm lý của con, khiến con càng sợ Toán.
3. Nếu sử dụng 2 cách trên mà vẫn không cải thiện được thì phải làm sao?
Nhưng nếu áp dụng bí kíp đầy đủ mà vẫn chưa cải thiện, khi này có 2 khả năng:
1. Kiến thức cơ bản của con bị "hổng" nặng quá, làm đi làm lại không biết thế nào là đúng, sai. Lúc này bố mẹ cần đầu tư thời gian để kèm con những kĩ năng cơ bản.
2. Kiểm tra lại chưa kĩ hoặc chống đối: Kiểu như thầy yêu cầu kiểm tra xong câu nào thì đánh dấu ✔️ bên cạnh câu ấy, có em đối phó bằng cách đánh dấu ✔️1 loạt. Hoặc kiểm tra rất ẩu, xem lại 2 lần không phát hiện ra lỗi sai "chình ình".
Với tình huống này có thể cân nhắc giải pháp mạnh hơn nữa. Đó là bố mẹ nói chuyện nghiêm túc với con về một ngưỡng điểm tối thiểu phù hợp với lực học của con, ví dụ điểm 7. Nếu con dưới 7 thì cần chép lại cả đề thầy chữa chứ không chỉ chép bài sai. Như vậy trẻ sẽ cần kiểm tra lại kĩ hơn chứ không chỉ làm cho có.
Giải pháp này sẽ có tác dụng nếu:
+ Bố mẹ có uy và sâu sát để đảm bảo quy tắc sẽ được thực thi đầy đủ chứ không phải cứ đề ra cho có.
+ Cân nhắc ngưỡng điểm phù hợp, không nên quá cao dễ gây ra nản chí.
Tóm lại giải pháp này cần rất cân nhắc và không nên lạm dụng chép nhiều quá, vì dễ làm trẻ "nhờn".