Phụ huynh lo “thực” đi vực “đạo” cho sĩ tử

Đức Nguyễn,
Chia sẻ

Lo lắng vì chất lượng và giá thành của đồ ăn Thủ đô, nhiều phụ huynh ngoại tỉnh không quản mang vác, cần trọng đem theo cả thực phẩm sạch trong hành trang đưa con đi thi.

12h trưa ngày 1/7, trong tiết trời oi bức, những tuyến phố Hà Nội thưa vắng vì người dân tránh nắng, hạn chế ra đường. Tuy nhiên, tại tất cả các nhà ga, bến xe vào thành phố, cái nóng của thời tiết dường như còn tăng thêm gấp bội khi được cộng hưởng cùng sức nóng của một mùa thi đại học đã đến cận kề.

Từ sáng ngày 1/7, hàng chục nghìn thí sinh đi kèm người nhà từ Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… đã bắt đầu ùn ùn đổ về thủ đô “ứng thí”.
 

Hành trang đi thi “nặng trịch” thực phẩm
 
Năm nay, theo ghi nhận của phóng viên chuyên mục Đời sống, ngoài sách vở, quần áo, tư trang … rất nhiều ông bố, bà mẹ, người nhà thí sinh còn xách theo túi nhỏ, túi to, thậm chí là cả bao tải thực phẩm tươi sống và thực phẩm khô “cây nhà lá vườn”.

Qua trao đổi với một vài phụ huynh, chúng tôi được biết, họ không quản đường xa, nặng và mệt, mang theo rất nhiều đồ ăn ở nhà phần vì ái ngại độ đắt đỏ của thực phẩm Hà Nội, phần vì lo sợ ăn phải đồ ăn không an toàn, tiền mất tật mang, dở dang chuyện thi cử quyết định cả đời con em họ.

Chị Thương quê Hà Giang đưa em gái đi thi Đại học Lâm nghiệp kể rằng chị đã mang sẵn 5kg măng củ và một thùng gạo. “Măng tươi của nhà trồng để xuất khẩu đấy, mang đi vừa đảm bảo chất lượng mà lại tiện dụng. Nếu không muốn ăn ngay thì mình có thể làm măng chua để hai chị em ăn dần trong mấy ngày thi”, chị Thương hồ hởi.
 

Chị Thương (áo trắng xanh) với túi măng của mình.

Tương tự như chị Thương, anh Nguyễn Văn Viễn quê ở Thái Bình đưa con gái đi thi ở Đại học Thương mại cũng chịu khó đem theo 15kg gạo và một bọc to rau ngót hãy còn xanh.

Anh Viễn cho biết: “Tôi ở đất lúa nên sẵn gạo mang đi. Nhỡ không may ăn phải gạo giả cháu mà không thi được thì lại khổ. Rau này tôi mang đi ăn hôm nay, mai mẹ nó lại gửi theo xe ra lượt rau khác. Sạch 100% đấy cô ạ”.
 

Bố con anh Viễn đang say sưa dò bản đồ tìm đường bên túi rau ngót.

Anh Viễn nói thêm rằng đường xe ô tô khách chạy từ Thái Bình lên Hà Nội đều qua nhà anh. Hơn nữa chỗ trọ cho con đi thi lại gần bến xe Mỹ Đình nên mùa thi này sẽ hai bố con sẽ chỉ dùng toàn đồ ăn nhà gửi lên.

Theo tuyến xe từ miền Trung ra, vì kinh tế gia đình eo hẹp, chắt bóp mãi mới có tiền cho con đi thi nên chị Yến (Nghệ An) ngoài gạo còn mang theo ít cá khô và lạc, tất cả được đựng trong một chiếc bao tải nhỏ. Đây là nguồn sống của hai mẹ con chị trong những ngày ở Thủ đô.


Chị Yến soạn lại đồ, còn cậu con trai khá mệt mỏi.

Cũng quê xứ Nghệ, dù ăn mặc rất... xì tin nhưng Mai Nhung vẫn hăng hái xách giúp mẹ một bao tải lùng bùng mà không ngại ngùng khoe rằng hai mẹ có gói gém hơn chục trứng gà và rất nhiều thức ăn khô đủ ăn tới cả tuần.


Mai Nhung và hành trang của mình.

Quả thực, không thể phủ nhận ích lợi của thực phẩm sách trong những ngày sĩ tử ngoại tỉnh đấu trí tại Hà Nội, nhưng cũng chính vì quá nhiều đồ ăn làm cho hành lý của sĩ tử và người nhà trở nên lỉnh kỉnh, cồng kềnh, gây không ít khó khăn cho việc họ tới được địa điểm ở nhờ, hay thuê trọ.

Và đây chính là cơ hội béo bở để xe ôm, taxi dù, cò mồi ép giá đi lại nếu như họ không được người nhà hay người quen ra đón.


Phụ huynh này bị dàn xe ôm bủa vây.
 
Một phụ nữ trung tuổi ở Quảng Ninh không thể giữ nổi bình tĩnh, đã nổi đóa với năm tay xe ôm lượn lờ tới chóng mặt, hết gạ gẫm rồi cả dọa dẫm, hòng có cơ hội đưa mẹ con chị cùng “gian tạp hóa” mini của họ tới nhà trọ. Cậu con trai thi Đại học Công nghiệp chỉ biết chắp tay đứng nhìn mà ngán ngẩm.
 

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!

Chia sẻ