Phụ huynh Hà Nội hoang mang khi thấy con thường xuyên có hành động lạ vào ban đêm, khi cả nhà ngủ hết

Đông,
Chia sẻ

Khi thấy con xuất hiện loạt hành động lạ, phụ huynh này không biết hành xử sao cho đúng.

Trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, lối sống của người trẻ đã và đang trở nên khác biệt so với thế hệ trước. Sự thay đổi ấy thể hiện qua nhiều khía cạnh từ cách học tập, làm việc, đến cách giải trí và tương tác xã hội. Điều này tất yếu tạo nên những thói quen mới mà cha mẹ không khỏi bỡ ngỡ và thậm chí là khó hiểu. 

Mới đây, trên một group với gần 330 nghìn người theo dõi, một phụ huynh Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện của con mình. Theo đó, con của vị phụ huynh dạo gần đây cứ đến đêm lại có thói quen ăn khuya. Đêm muộn khi mọi người đi ngủ hết thì em lại mò xuống bếp nấu ăn, hôm nào lười thì đặt đồ bên ngoài. Đáng nói, dù bữa tối em ăn rất đầy đủ, nhưng không hiểu sao đến đêm vẫn đói. 

"Tần suất con ăn ngày càng nhiều, một tuần thì hết 5 ngày ăn. Tôi có nhắc nhở con nhưng không hiệu quả. Cứ như vậy thì tôi lo cho sức khoẻ của con quá. Các bậc phụ huynh có cao kiến gì không?", người mẹ lo lắng chia sẻ.

Phụ huynh Hà Nội hoang mang khi thấy con thường xuyên có hành động lạ vào ban đêm, khi cả nhà ngủ hết - Ảnh 1.

Việc con thường xuyên ăn đêm khiến người mẹ lo lắng. (Ảnh minh họa)

Bên dưới phần bình luận, netizen tích cực đưa ra lời khuyên cho con của chị. Nhiều người phỏng đoán rằng cô bé hoặc cậu bé trong bài vì thức muộn học nên bị đói. Song, có người dựa vào trải nghiệm của mình, lại cho rằng rất có thể em đang ở giai đoạn đầu của trầm cảm.

- Mình nghỉ nhắc nhở con thôi mẹ ạ. Ăn khuya quen dạ, giờ bảo con cứ khi đêm thấy đói thì uống nước lọc. Luyện dần dần mới được, con phải quyết tâm, béo phì sau này sẽ nhiều bệnh.

- Thức khuya hay bị đói. Phụ huynh thử giao con việc nấu cơm tối để con chủ động nấu món nào con thích. Ăn đêm dễ gây tăng cân. Bạn chú ý cho con tập thể dục thể thao.

- Hồi trước mình đi học cũng có đợt bị trầm cảm nhẹ, kiểu bị trầm cảm rối loạn ăn uống, ngày ăn 5 bữa. Lúc đầu mình không tâm sự với ai hết, sau tự biết điều chỉnh cảm xúc. Mẹ xem con có chuyện buồn gì không, còn không thì chắc là do bé học đêm nên đói, học cũng tốn nhiều năng lượng lắm, mà cứ như vậy thì thành thói quen. 

- Đọc xong mình hơi lo lắng, vì có khả năng con đang trong giai đoạn đầu của căng thẳng. Nhiều khi chẳng đói cũng chỉ thèm ăn thèm ngọt, mà mấy đứa căng thẳng lại rất dễ béo và dễ tăng cân. Mình từng trải qua giai đoạn đó, và còn từng trong giai đoạn trầm cảm nặng, dùng thuốc 3 năm. Trong suốt 3 năm đó, có 2 tháng mình rơi vào trạng thái đang ngủ trên giường, chưa sâu giấc, thì 23h00 bụng lại đói, rất thèm ăn. Thấy vậy mình lại bật dậy để đi ăn bánh, ăn socola ngọt… Nói chung phải ngọt mình mới quay lại giấc ngủ được, dù đã uống thuốc ngủ của trầm cảm. Nhiều lúc mắt nhắm mắt mở, mà mồm vẫn nhai. Sau này khi điều chỉnh được những áp lực xung quanh, cảm xúc ổn thì mọi thứ lại quay lại quỹ đạo bình thường. 

Dù sao thì đó cũng chỉ là suy đoán, nhưng khi biết việc con ăn nhiều với tần suất dày đặc và bất thường rất có thể là dấu hiệu của căn bệnh trầm cảm, điều đó khiến nhiều phụ huynh lo lắng, trong đó có cả người mẹ trên.

Có phải khi trầm cảm, nhiều người sẽ có xu hướng thèm ăn?

Trầm cảm là một căn bệnh thần kinh thường gây ra nhiều rối loạn về tâm lý và cảm xúc, ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng ngày của người bệnh. Một trong những triệu chứng thường gặp của trầm cảm là sự thay đổi đáng kể trong thói quen ăn uống. 

Có người mắc trầm cảm có thể mất cảm giác ngon miệng, không còn mong muốn ăn uống, dẫn đến tình trạng sụt cân không kiểm soát. Ngược lại, một số khác lại bị thèm ăn, coi thức ăn như một phương tiện để giảm bớt cảm giác trống rỗng, tuyệt vọng bên trong. Thèm ăn trong trường hợp này không phải là do nhu cầu dinh dưỡng cơ thể mà là hành vi ăn uống vô tội vạ, không kiểm soát được, thường xuyên tìm kiếm sự thoả mãn tức thì qua thức ăn.

Nguyên nhân của hiện tượng thèm ăn trong trầm cảm có thể đến từ sự mất cân bằng các hóa chất trong não, đặc biệt là serotonin, được biết đến với tên gọi "hormone của hạnh phúc". Khi mức serotonin thấp, người bệnh có thể cảm thấy buồn chán, mất hứng thú và tìm đến thức ăn như một cách tự an ủi, bởi ăn uống có thể tạm thời kích thích sự giải phóng serotonin, mang lại cảm giác dễ chịu. Thức ăn nhanh chóng trở thành nguồn an ủi, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời và không thực sự giải quyết được vấn đề gốc rễ của tình trạng trầm cảm.

Phụ huynh Hà Nội hoang mang khi thấy con thường xuyên có hành động lạ vào ban đêm, khi cả nhà ngủ hết - Ảnh 2.

Ăn nhiều cũng rất có thể là dấu hiệu của trầm cảm.

Thèm ăn do trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như tăng cân không kiểm soát và các vấn đề liên quan như bệnh tim mạch, tiểu đường, mà còn làm trầm trọng thêm cảm giác tự ti, xấu hổ về hình thể. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn khó khăn để thoát ra: càng thèm ăn, người bệnh càng cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân, và càng tồi tệ hơn, họ càng tìm đến thức ăn như một phương thức để xử lý cảm xúc.

Nếu thấy con có tình trạng này, phụ huynh cần theo dõi sát sao, nếu cần trợ giúp có thể liên hệ tới các chuyên gia tâm lý. Ngoài ra, việc áp dụng chế độ ăn cân đối, tăng cường vận động và tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè và người thân cũng đóng vai trò quan trọng nếu con rơi vào tình huống này.

Mặc dù trầm cảm là một thách thức lớn, nhưng với sự giúp đỡ và hỗ trợ đúng đắn, nhiều người có thể tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống, đồng thời kiểm soát được tình trạng thèm ăn và cải thiện sức khỏe tổng thể của mình.

Chia sẻ