Phụ huynh, giáo viên ủng hộ đưa dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện

Minh Hạnh-Vũ Hường/VOV-TP HCM,
Chia sẻ

Nhiều người làm quản lý, chuyên gia giáo dục cũng nhìn nhận việc dạy thêm là việc làm bình thường, bởi phụ huynh, học sinh có nhu cầu và giáo viên có thể làm thêm bằng chính công việc của mình.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Xung quanh đề xuất này, có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng phần đông ủng hộ nếu đó là cần thiết để dạy thêm của giáo viên được rõ ràng, minh bạch, không bị cấm. Đề xuất của Bộ trưởng một lần nữa xới lại câu chuyện gây nhiều tranh cãi và có lúc khiến nhiều giáo viên cảm thấy chạnh lòng, đó là việc cấm dạy thêm và đi kiểm tra để phát hiện vi phạm như vi phạm pháp luật.

Phụ huynh, giáo viên ủng hộ đưa dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện - Ảnh 1.


Trò có nhu cầu học, thầy vừa dạy vừa lo

Nhiều phụ huynh có con đang học phổ thông đều cho rằng, mình chỉ giám sát con học chứ không thể hướng dẫn con học vì nhiều nguyên nhân. Có thể nói rằng, cải cách giáo dục, kiến thức và sự thay đổi trong bố cục nội dung các môn học, các cấp học khiến phụ huynh khó có thể hướng dẫn đúng cho con mình. Thêm vào đó, cuộc sống và công việc khiến phụ huynh túi bụi tất bật, thiếu thời gian và sự chuyên tâm kèm cặp con học bài.

Phụ huynh kể, mình không có thời gian cùng con chuẩn bị bài cho ngày hôm sau, nên con học thêm với thấy cô cũng tốt, phụ huynh yên tâm và hoàn toàn tự nguyện.

Chị Đinh Thu Ngọc và chị Nguyễn Mỹ Trang là hai phụ huynh đang có con học THCS ở TP.HCM nói: "Tôi không đặt nặng vấn đề thành tích học tập với con nên tôi cứ để tùy bé học tùy sức. Bé thấy yếu môn nào hoặc tôi xem bảng điểm thấy môn nào bé dưới trung bình thì tôi khuyên con nên tìm chỗ học thêm để rèn thêm môn đó.

Thực tế con tôi ngoài học trên lớp thì có đi học thêm Toán và tiếng Anh tại nhà thầy giáo. Việc học thêm này cũng là tự nguyện, thầy và phụ huynh tự trao đổi với nhau và phụ huynh đưa con đến nhà thầy để học".

Thầy giáo N.V.V dạy học ở TP Tân An, tỉnh Long An cho biết, lớp đông, học sinh đa dạng trình độ, một tiết học không đủ để quan tâm tới tất cả các em. Thêm vào đó, học sinh toàn con em công nhân, nếu các em không học thêm thì làm bài tập và chuẩn bị bài cho hôm sau gần như các em phải tự ý thức, tự làm chứ cha mẹ không có thời gian nhắc nhở. Học sinh thì cần học, thầy thì cần dạy để vừa bồi dưỡng kiến thức cho học sinh vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhưng dạy thì dạy mà lo thì vẫn cứ lo: "Việc dạy thêm biết là không đúng quy định nhưng vì nhiều lý do mà chúng tôi vẫn phải dạy thêm. Luôn luôn chúng tôi dạy thêm trong tâm trạng lo lắng, thấp thỏm, không biết bị kiểm tra lúc nào. Khi bị kiểm tra nhắc nhở thì cảm giác của tôi rất trăn trở. Tại sao công sức mình bỏ ra mà bị coi như tội phạm vậy, bị các ban ngành đoàn thể nhắc nhở, theo dõi".

Tương tự như vậy, cô giáo N.T.S ở Long An cho biết, lúc trước chỉ có Phòng giáo dục và nhà trường kiểm tra, nhắc nhở việc dạy thêm. Còn năm nay thì đoàn kiểm tra có các ban ngành đoàn thể, giáo viên càng chạnh lòng: "Giáo viên đi dạy thêm như tôi bỏ công bỏ sức chính đáng của mình để làm thêm mà cảm giác như phạm tội. Chúng tôi bị các ban ngành đoàn thể ở địa phương theo dõi, rồi bị kiểm tra, bị kỷ luật đủ thứ.".

Nhiều người làm quản lý, chuyên gia giáo dục cũng nhìn nhận việc dạy thêm là việc làm bình thường, bởi phụ huynh, học sinh có nhu cầu và giáo viên có thể làm thêm bằng chính công việc của mình.

Hợp thức hóa dạy thêm để quản lý tốt hơn

Câu chuyện dạy thêm ngoài nhà trường hiện không được thừa nhận nhưng vẫn diễn ra. Và kiểm soát để ngăn cản dạy thêm thực tế là rất khó thực hiện. Ở đô thị lớn như TP.HCM thì gần như không thể kiểm soát được. Còn ở cấp tỉnh, địa bàn hẹp hơn, huy động cả đoàn thể vào kiểm tra, giám sát thì làm được nhưng ai cũng thấy đó là chuyện chẳng đặng đừng, quy định bắt làm thì phải làm thôi.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM cho rằng, lâu nay việc dạy thêm học thêm vẫn chưa được cho phép. Một số thầy cô đang “vượt rào” để dạy thêm theo nhu cầu. Dù là ngành nghề được đào tạo chính quy nhưng khi làm thêm thì danh không chính, ngôn không thuận.

Trong khi đó, những ngành nghề khác như bác sĩ, kỹ sư, sau khi hết giờ làm hành chính, họ đều có thể làm việc ngoài giờ như mở phòng khám, phòng mạch hoặc tham gia các dự án bên ngoài. Làm thêm như vậy trên cơ sở pháp luật và bằng chính sức lao động của mình để nuôi gia đình, bởi điều kiện chế độ lương bổng hiện nay chưa đảm bảo cuộc sống của họ, là điều cần được tôn trọng.

Ông Phú nói: "Nên cho việc dạy thêm và học thêm nhưng phải quản lý, từ đó các thầy cô có thu nhập và được dạy hợp pháp, địa phương phải thu thuế. Tôi ủng hộ việc dạy thêm giống như bác sĩ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện".

Thực tế, việc học thêm- dạy thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án. Khi phụ huynh cần cho con mình ôn bài, khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực nâng cao, sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… thì các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy.

Nhiều thầy cô giáo khi được hỏi về đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đưa dạy thêm vào ngành nghề có điều kiện thì bày tỏ sự đồng tình.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, cần phải đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây chính là cơ sở pháp lý để quản lý việc học và dạy thêm ngoài nhà trường.

Theo Bộ trưởng, đây là một tâm tư cảm xúc bởi việc dạy thêm, học thêm hay học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế. Trong khuôn khổ kiểm soát của nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều văn bản quy định về việc dạy thêm, học thêm, đặc biệt là Thông tư 17. Tuy nhiên, với môi trường ngoài nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có cơ sở pháp lý nào để quản lý, giám sát, điều tiết, xử lý đối với việc này.

Chia sẻ