Phụ huynh có quyền không sử dụng sổ liên lạc điện tử

Hà Linh,
Chia sẻ

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng, sử dụng ứng dụng liên lạc điện tử hay không là quyền của phụ huynh, nhà trường không được phép ép buộc. Tuy nhiên, sử dụng phần mềm có tính năng bảo mật cao thì thông tin cá nhân học sinh sẽ đảm bảo an toàn hơn.

Nhiều ngày qua, một số phụ huynh có ý kiến về việc lãng phí khi sử dụng sổ liên lạc điện tử trong trường học.

Cụ thể, chị Đặng Thị Thảo, có con học tiểu học ở Hà Nội cho biết, dù lớp đã có nhóm phụ huynh học sinh trên mạng xã hội, bất cứ thông tin, nội dung nào cô giáo cũng nhắn lên để phụ huynh nắm bắt được một cách nhanh chóng. Thậm chí, có những hôm có hoạt động thú vị, cô giáo còn chụp ảnh học sinh gửi vào nhóm để bố mẹ xem. Thuận tiện, nhanh chóng là như thế nhưng nhà trường vẫn dùng hình thức liên lạc điện tử qua tin nhắn thu phí.

Phụ huynh có quyền không sử dụng sổ liên lạc điện tử - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng: Sử dụng ứng dụng liên lạc điện tử hay không là quyền của phụ huynh, nhà trường không được phép ép buộc.

Hay như phần mềm ENetviet, sản phẩm của Công ty Cổ phần phần mềm Quảng Ích cũng được nhiều trường học tại Hà Nội giới thiệu và sử dụng. Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng, mỗi năm, chỉ đăng nhập vài lần để xem kết quả kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, cuối năm ở phần mềm này. “Do sử dụng quá ít, nhiều người quên luôn cả mật khẩu. Chưa kể, khi có nhiều hình thức cập nhật, thông báo thông tin khác thì việc phụ huynh phải đóng phí để sử dụng các hình thức liên lạc điện tử khác là lãng phí”, một phụ huynh nói.

Thông tin được bảo mật

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, ENetviet hay các phần mềm nói chung được đơn vị sử dụng để quản lý cơ sở dữ liệu giáo dục của toàn ngành. Tuy nhiên, chủ trương của Sở GD&ĐT là sử dụng phần mềm miễn phí và không bắt buộc. Phụ huynh nào cũng có thể tải app và đăng ký tài khoản bằng số điện thoại là có thể sử dụng.

Ngoài gói dịch vụ cơ bản sử dụng miễn phí, phụ huynh có quyền tham khảo nhằm sử dụng gói mở rộng có trả phí với nhiều tính năng hữu ích hơn. Khi đó, nhà trường và phụ huynh có sự thỏa thuận để khai thác các tính năng của phần mềm. Ngược lại, phụ huynh thấy không cần thiết nhận thông tin qua phần mềm thì có quyền không sử dụng. Nhà trường hay giáo viên không có quyền ép buộc phụ huynh phải đăng ký sử dụng.

Trong quá trình sử dụng, phụ huynh có thể trao đổi, thỏa thuận với nhà trường về việc cần bổ sung, cung cấp thêm thông tin gì. Khi đó, giáo viên sẽ là người nhập dữ liệu, thông tin học sinh, tình hình học tập lên hệ thống để phụ huynh theo dõi. Quá trình sử dụng không hiệu quả phụ huynh cũng có thể phản hồi với nhà cung cấp để nâng cấp.

“Phụ huynh học sinh có quyền đăng ký hoặc không đăng ký sử dụng thêm dịch vụ sổ liên lạc điện tử thu phí. Khi phụ huynh đã đăng ký rồi cũng có quyền thôi sử dụng nếu cảm thấy không hiệu quả”, ông Tiến khẳng định.

Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho rằng, những ứng dụng như mạng xã hội đang sử dụng hiện nay có thể làm rò rỉ thông tin cá nhân hay xuất hiện các trường hợp giả mạo, không kiểm soát được người dùng, trong khi sử dụng phần mềm có tính năng bảo mật cao để trao đổi thông tin cá nhân học sinh sẽ đảm bảo an toàn hơn.

Chia sẻ