Phòng chống dịch COVID-19 là ưu tiên quan trọng hàng đầu
Chiều 30/11/2020, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 năm 2020. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuyên Tuyên, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ở nước ta bước đầu đã thực hiện thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan trong cộng đồng.
Chúng ta cần tập trung cao độ ứng phó với tình hình mới trong phòng chống dịch COVID-19. Cả nước đang khẩn trương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, trên toàn cầu và nhiều quốc gia đều có số mắc COVID-19 có xu hướng tăng, một số nước Châu Âu đã tái phong tỏa, thực hiện giãn cách nhưng tình hình lây nhiễm COVID-19 chưa có xu hướng giảm.
Do vậy, chúng ta cần xác định công tác phòng chống COVID-19 là ưu tiên quan trọng hàng đầu.
Hội nghị sơ kết lần này là dịp để chúng ta nhìn lại, đánh giá các hoạt động về phòng chống COVID-19 trong thời gian qua, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các nhiệm vụ, biện pháp hữu hiệu để triển khai hiệu quả phòng chống dịch trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nêu các kinh nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu Ban Điều trị, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19 cho biết, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn ngành y tế đã chủ động, cảnh giác cao độ để thực hiện phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm trên diện rộng và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Những yếu tố quan trọng, góp phần dẫn đến thành công trong điều trị COVID-19, đó là phân tuyến điều trị hợp lý với 4 tuyến điều trị theo mức độ diễn biến của người bệnh gồm tuyến xã, huyện, tỉnh và tuyến Trung ương.
Trong 2 đợt dịch COVID-19 vừa qua, hệ thống điều trị đã huy động 190 bác sĩ, 84 điều dưỡng, 94 cử nhân xét nghiệm cùng các chuyên gia đầu ngành trực tiếp vào hỗ trợ và tham gia hội chẩn trực tuyến thường xuyên các ca bệnh nặng. Điều đó đã góp phần xử lý nhanh, xử lý sớm các ca bệnh nặng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên:
Chúng ta phải chống dịch tốt tại cộng đồng
Trong mùa đông xuân tới, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh không chỉ riêng COVID-19 mà còn có thể các dịch bệnh khác có thể xảy ra.
Bộ Y tế đã có chỉ thị về công tác phòng chống dịch trong mùa đông xuân tới. Tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch Thủ tướng đã chỉ đạo không để dịch chồng dịch.
Chúng ta cần làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 đồng thời, phải phòng chống các dịch bệnh khác.
Phải phòng chống dịch tốt tại cộng đồng. Cụ thể, thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế- 5K. Trong 5K đó, vấn đề đeo khẩu trang là rất quan trọng. Cần tuyên truyền vận động, khuyến cáo người dân không được chủ quan, không lờ là và phải đeo khẩu trang khi ra đường, ỏ nơi công cộng, phương tiện giao thông cộng cộng và những nơi đông người…
BS Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, chia sẻ về bài học kinh nghiệm của thành phố trong thời gian vừa qua đó là: Phải phát hiện sớm ca bệnh. Thực hiện khoanh vùng, giám sát dịch chặt chẽ. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm bộ tiêu chí an toàn bệnh viện trong COVID-19.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, người đã “lăn lội” với công tác phòng chống dịch tại đợt dịch lần thứ 2, chia sẻ bài học kinh nghiệm từ khoanh vùng, truy vết, xử lý ổ dịch COVID-19 tại thực địa: Một trong những biện pháp giúp Việt Nam chống dịch nhanh chóng đó là thực hiện cách ly một cách triệt để, bài bản để cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây có cơ hội lây lan ra cộng đồng.
Đối với bệnh nhân chúng ta tổ chức cách ly nghiêm ngặt tại bệnh viện. Riêng đối với các trường hợp F1, đây là những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19 nên có nguy cơ rất cao bị lây bệnh và có thể coi F1 chính là những nguồn lây tiềm tàng nhất. Chính vì vậy, việc cách ly tập trung đối với F1 là một trong những biện pháp chống dịch cực kỳ quan trọng và bắt buộc phải làm. Khi truy vết được F1 phải nhanh chóng đưa ngay ra khỏi cộng đồng, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Bởi vì, việc cách ly tại nhà là không triệt để và rất khó kiểm soát.
TS Đỗ Quang Tấn, Cục trưởng Cục YTDP, Bộ Y tế cho biết, tính đến thời điểm sáng 30/11, dịch COVID-19 ở nước ta xuất hiện ở 45 tỉnh, thành. Số ca mắc là 1.331 ca (trong đó 674 ca nhập cảnh, 657 ca mắc trong nước), số người tử vong do COVID-19 là 35 người.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực triển khai của chính quyền các cấp đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Triển khai sớm chống dịch, chủ động và đặc biệt là kiên định biện pháp chống dịch đã đề ra từ đầu, xuyên suốt các giai đoạn, đó là ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và nguyên tắc 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Thời gian tới công tác y tế dự phòng cần tập trung vào những nhiệm vụ: Thực hiện nghiêm kiểm dịch y tế, bắt buộc phải khai báo y tế; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp phải cách ly phù hợp ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài.
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly.
Chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng; tổ chức tập huấn, tăng cường đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, đáp ứng nhanh khi có tình huống xảy ra.
Nâng cao năng lực của các đội phản ứng nhanh; tiếp tục tổ chức diễn tập, tập huấn.
Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng về phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nêu các kinh nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19
TS. BS Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam, cho biết về công tác phòng chống dịch COVID-19 đang được địa phương triển khai như sau: UBND tỉnh đã có yêu cầu các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch xâm nhập, lây lan và bùng phát trên địa bàn tỉnh, bảo vệ tốt nhất tính mạng và sức khỏe cho nhân dân.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị tất cả người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, các địa điểm tập trung đông người; trường hợp không tuân thủ sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch, đề xuất tham mưu xây dựng phương án cụ thể cho các khu cách ly tập trung có thu phí tại khách sạn...
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến 8 bài học kinh nghiệm trong công tác truyền thông, đó là: cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, kịp thời; truyền thông chính thống chính thống chiếm lĩnh và giữ vai trò chủ đạo; triển khai truyền thông quy mô, bài bản; triển khai đồng bộ, quyết liệt các hình thức truyền thông; phát huy thế mạnh của truyền thông hiện đại; xây dựng kho tài liệu thống nhất, phong phú, được cập nhậ liên tục; truyền thông đúng tới đối tượng đích và khơi nguồn cho truyền thông dân gian với sự tham gia của người dân.
Công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đò hỏi sự chủ động trong mọi tình huống của các cấp chính quyền. Không được chủ quan và không lơ là. Bên cạnh đó là sự ủng hộ của người dân trong công tác phòng chống dịch. Đơn giản là thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế "5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế", giữ an toàn cho Bạn và Chúng ta trước đại dịch COVID-19.