Phố trong làng: Hải ghen với Hoài, hé lộ nguồn gốc cái tên độc đáo của cô bán quạt, hóa ra là... sếp lớn của VTV
Ở Phố trong làng tập 10, nguồn gốc cái tên "Thanh Hải" của cô bán quạt đã được hé lộ.
Phố trong làng tập 10: Hải ghen với Hoài vì dám thân mật Đông
Phố trong làng tập 10 lên sóng VTV1 tối 22/11. Trong tập này, cặp đôi Đông - Hải có nhiều phân cảnh khiến khán giả thích thú. Đáng chú ý là tình tiết Hải và Đông cùng nhau mang xe đạp đến tặng bé Tình. Tại đây, Đông đã gặp Hoài - cô nàng đang theo đuổi Nam ráo riết. Không hề ngượng ngùng, Hoài liên tục "động chạm" vào Đông, bắt anh làm theo lời cô nói. Hết huyên thuyên đủ chuyện, Hoài còn bắt Đông tạo dáng bên chiếc xe đạp để cô nàng chụp ảnh rồi tung lên mạng nhằm "lan tỏa lòng tốt".
Chứng kiến Hoài thoải mái thân mật ở bên Đông, Hải đã nổi cơn ghen ra mặt. Thậm chí cô còn hậm hực bỏ đi khiến Đông phải hốt hoảng đuổi theo. Màn ghen tuông rồi làm lành của cặp đôi đốn tim khán giả vì quá đáng yêu.
Phố trong làng tập 10: Hé lộ nguồn gốc cái tên của cô bán quạt
Sau đó, Đông đưa Hải đi uống trà sữa. Đông đã lần đầu hỏi Hải về cái tên đặc biệt của cô. Hải kể rằng cái tên của cô bắt nguồn từ chuyện hẹn hò của bố mẹ cô. Bố mẹ Hải vì quá mê bộ phim Của để dành nên đã đặt tên cô theo tên vị đạo diễn phim. Ai cũng biết đạo diễn Của để dành chính là NSƯT Đỗ Thanh Hải, người từng là giám đốc VFC, nay là Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Việc "sếp lớn" của VFC được nhắc tên ở Phố trong làng khiến khán giả hâm mộ các bộ phim VTV không khỏi thích thú.
Phố trong làng
- Nông thôn
- 25 phút
- 08/11/2021
- 21h thứ 2 đến thứ 6 - VTV1
Phố trong làng xoay quanh Nam, một công an chính quy, được cử về giữ vị trí trưởng công an xã ở Tân Xuân, một vị trí khiến anh gặp nhiều bỡ ngỡ. Không còn đi đánh án hình sự, Nam cùng các đồng đội phải làm quen với việc xử lý những sự vụ từ cá nhân, nhỏ nhặt như xung đột cãi vã của vợ chồng Mến - Thương, sự kỳ thị của dân làng với Hiếu mới mãn hạn tù, những lục đục nội bộ của dòng tộc… đến những vấn đề lớn hơn liên quan đến âm mưu chiếm đất của một nhóm lợi ích gồm cả cán bộ, doanh nghiệp và dân giang hồ. Càng ở lâu, càng đi sâu và càng thấu hiểu được người dân nơi này, Nam lại càng gắn bó và nhận ra những việc mình làm cho người dân, cho mảnh đất Tân Xuân không còn là nhiệm vụ mà như là trách nhiệm của một người con của mảnh đất này.