Phó Giám đốc CDC Hà Nội: Thành phố đủ nguồn lực, kiên định cách ly tập trung F1, điều trị tập trung F0
Trước những ý kiến của các chuyên gia y tế về việc lên phương án để các trường hợp F1 cách ly tại nhà, CDC Hà Nội đã đưa ra 2 lý do cho thấy việc này chưa cần thiết lúc này.
Hà Nội những ngày qua ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng cũng như liên tục xuất hiện những ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây. Trước vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội nên có phương án cho cách ly tại nhà.
Chuyên gia: Hà Nội cần có phương án cho cách ly tại nhà
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, Hà Nội cần lên phương án cách ly tại nhà khi đủ điều kiện về phòng ốc và các điều kiện khác theo quy định của Bộ Y tế, nhằm tạo điều kiện cho người dân về tinh thần và vật chất.
Ông Phu cho rằng, hiện nay việc cách ly người từ vùng dịch về đã có quy định của Bộ Y tế, Hà Nội và các địa phương cũng thực hiện theo quy định này.
"Thời gian gần đây, dịch vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều F0 thì sẽ có nhiều F1. Do vậy, chúng ta cũng phải tính đến phương án cách ly tại nhà mới có thể thích ứng được với điều kiện hiện nay, đồng thời còn tránh lây chéo trong khu cách ly", ông Phu đề cập.
Trước vấn đề có nên để cho người dân lựa chọn việc cách ly hay không, ông Phu cho biết, việc này cần phải hài hòa, trong trường hợp đồng ý cho người dân lựa chọn việc cách ly thì phải đảm bảo được yêu cầu về điều kiện cách ly của Bộ Y tế mới xem xét cách ly tại nhà.
"Nếu không có đủ điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cách ly tại nhà, như phòng ốc chật chội, dễ có nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng thì vẫn cần cách ly tập trung. Chúng ta phải hết sức hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng và đảm bảo kiểm soát được phòng, chống dịch, không để lây lan cho gia đình và cộng đồng", ông Phu chia sẻ.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, trong thời điểm "mở cửa" như hiện tại, Hà Nội cần phải cảnh giác cao độ. Hà Nội cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, thực hiện thích ứng, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả… để thực hiện mục tiêu kép.
Trong đó, ông Phu cũng nhấn mạnh vai trò của người dân trong công tác phòng, chống dịch là rất quan trọng. Vì dịch ở trong dân, mà chỉ có người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch mới có hiệu quả. Trong đó, người dân cần tiếp tục thực hiện thật tốt thông điệp "5K".
"Các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ phải thường xuyên xét nghiệm, đặc biệt xét nghiệm hàng ngày cho tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để sớm phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, phong tỏa ổ dịch nhỏ nhất có thể theo nguy cơ, nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó, đồng thời đánh giá nguy cơ đúng để có đáp ứng phù hợp.
Bên cạnh đó, tiếp tục bao phủ tiêm đủ 2 mũi cho người dân, đặc biệt người già, người bệnh nền. Đồng thời cũng quan tâm lưu ý đến các đối tượng người nhập cư, học sinh, sinh viên ở các tỉnh về Hà Nội học tập và làm việc…
Cần có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em. Thành phố nên xem xét áp dụng cách ly tại nhà, thu gọn cách ly tập trung. Chuẩn bị cơ sở điều trị để nếu dịch có bùng ra không bị động", ông Phu nhấn mạnh.
Cách ly tại nhà chưa cần thiết lúc này, vì sao?
Trước ý kiến cho rằng Hà Nội xem xét áp dụng cách ly tại nhà, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết ở thời điểm hiện tại có 2 lý do cho thấy việc cách ly tại nhà chưa cần thiết.
"Thứ nhất, Hà Nội vẫn đủ nguồn lực để tổ chức cách ly tập trung với số lượng như hiện nay. Khi số lượng gia tăng đến mức độ nào đó mới tính đến việc tại nhà.
Thứ 2, Hà Nội đặc thù đất chật người đông không đảm bảo đủ an toàn khi cách ly tại nhà. F0 nhẹ không triệu chứng cũng vẫn điều trị tập trung", ông Tuấn giải thích.
Ông Tuấn nhấn mạnh, việc thành phố mở cửa để phát triển kinh tế xã hội đã xác định và đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh. Trong những ngày tới, có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới bởi nhiều người bệnh có lịch trình di chuyển nhiều nơi, phức tạp không xác định hết được nguồn lây.
"Quan điểm của thành phố Hà Nội từ trước tới nay và kể cả sau này vẫn kiên định giữ nguyên việc cách ly tập trung F1 và việc điều trị tập trung F0 bởi đặc thù của Hà Nội khác các tỉnh. Tới đây thành phố sẽ không đưa những trường hợp F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động", ông Tuấn cho biết.
Theo Phó giám đốc CDC Hà Nội, việc lập trạm y tế lưu động cũng điều trị tại nhà vì đều tại địa phương chứ không tập trung về một nơi nào cả. Các quận, huyện, xã, phường đều phải có các địa đỉểm để điều trị cho F0 không triệu chứng.
"Hiện nay số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn chứa được khoảng 60.000-70.000 F1 trở lên. Đến khi toàn thành phố khoảng hàng trăm nghìn trường hợp F1 trở lên mới tính đến phương án cách ly tại nhà", ông Tuấn cho biết thêm.