Cập nhật lúc 20:16 - 12/11/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 8/11: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi chen chân trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-11-06T23:11:00

    Miền Tây siết chặt dần các hoạt động đông người

    Một tuần qua, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Tây khiến Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và An Giang phải nâng cấp độ để áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng.

    An Giang từ cấp độ 2 đã lên cấp độ 3, Bạc Liêu lên 4 (vùng đỏ) và Hậu Giang không cho người dân ra đường từ 21h đến 4h hôm sau.

    Cán bộ ở Sóc Trăng xét nghiệm 3 lần một tuần

    Trước tình hình số lượng F0 ngoài cộng đồng liên tục tăng, trong khi tỉnh này có tỷ lệ phủ vaccine mũi 2 thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu yêu cầu các sở, ngành, địa phương test nhanh kháng nguyên tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ ngày 8/11. Trong 2 tuần thực hiện việc này, mỗi người được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần mỗi tuần.

    Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng phối hợp ngành y tế tham mưu việc xét nghiệm cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cơ sở giáo dục khi cần thiết.

    Hậu Giang, An Giang không cho ăn uống tại chỗ

    Theo UBND tỉnh Hậu Giang, sau một thời gian áp dụng Nghị quyết 128, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giải trí được khôi phục bình thường trở lại. Tuy nhiên, nhiều người dân trở về từ vùng dịch, không khai báo y tế nên phát sinh các ổ dịch cộng đồng.

    Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh yêu cầu từ ngày 8/11, người dân không ra đường từ 21h đến 4h hôm sau. Toàn tỉnh dừng các hoạt động ăn uống tại chỗ, chỉ được bán mang về.

    Tại An Giang, UBND tỉnh này vừa có quyết định nâng cấp độ dịch từ 2 lên 3, áp dụng từ 5h ngày 8/11. Những hoạt động buộc phải tạm dừng là cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc, uốn tóc); khu vui chơi, giải trí; quán bar, karaoke, game, massage, phố đi bộ, chợ đêm.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 8/11: Hà Nội ca mắc mới giảm dần nhưng gia tăng các ổ dịch cộng đồng - Ảnh 1.

    Người tiêm một mũi vaccine được đi chợ 2 lần/tuần

    Ngày 7/11, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu cho biết ngoài 2 Công ty thủy sản Tấn Khởi và Châu Bá Thảo, dịch Covid-19 đã lan ra các công ty khác là Láng Trâm, Nigico, Rainbow… Riêng chuỗi lây nhiễm liên quan Công ty Tấn Khởi đã có trên 500 F0. Ngoài ra, dịch cũng đã lan đến thị xã Giá Rai.

    Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu các địa phương cấp 3, 4 bố trí người đi chợ hộ cho những người chưa tiêm vaccine. Cá nhân đã được tiêm một liều vaccine phòng Covid-19 được đi chợ tối đa 2 lần mỗi tuần.

    Cà Mau: Thành lập thêm cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và trạm y tế lưu động

    Hiện toàn tỉnh Cà Mau có 2.688 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó riêng ngày 6/11 ghi nhận 140 ca mắc mới.

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Lâm Văn Bi yêu cầu ngành y tế tỉnh này nhanh chóng bổ sung, đầu tư trang thiết bị để đảm bảo 200 giường bệnh điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y tế Phú Tân. Đồng thời bắt tay thực hiện ngay trạm y tế lưu động.

    Toàn tỉnh khẩn trương làm cuộc thống kê nhanh điều kiện về nhà ở để tiến hành cách ly F0 tại gia đình ở những khu vực có đông F0. Vệc điều trị F0 tại nhà phải trên tinh thần tự nguyện của bệnh nhân.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-07T00:11:00

    Số ca mắc tiếp tục tăng cao, nhiều địa phương điều chỉnh phương án phòng, chống dịch

    Số ca mắc COVID-19 tại một số tỉnh thành trong cả nước tiếp tục tăng cao, trước tình hình đó các địa phương đã điều chỉnh phương án phòng dịch để ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới.

     Lai Châu: Tạm dừng các hoạt động không thiết yếu

    Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang có chiều hướng phức tạp khi ghi nhận 13 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, trong đó có những trường hợp không rõ nguồn lây tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường.

    Nhiều người dân tại TP Lai Châu làm việc tại xã Bản Giang và có tiếp xúc với những trường hợp F0 trên.

    Trước tình hình đó, chính quyền TP Lai Châu đã quyết định tạm dừng hoạt động một số dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn từ ngày 7/11 đến ngày 13/11. Các đơn vị trường học trên địa bàn TP Lai Châu tạm thời cho học sinh nghỉ học tập trung từ ngày 8/11 đến ngày 14/11 và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến.

    Thanh Hóa: Triển khai xét nghiệm diện rộng

    Từ đầu đợt dịch lần 4 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 1.300 bệnh nhân COVID-19, với nhiều ổ dịch lớn lây lan trong cộng đồng như ổ dịch BVĐK Hợp Lực lan ra 12 huyện trên địa bàn tỉnh.  Hiện tại là ổ dịch tại TX Nghi Sơn, đến nay đã ghi nhận 71 ca mắc COVID-19, trong đó có nhiều ca bệnh là học sinh và giáo viên. Do vậy, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TX này phải dừng việc học trực tiếp.

    Từ 6/11, tỉnh Thanh Hóa triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng những khu vực có nguy cơ cao để sàng lọc, sớm phát hiện, truy vết nhanh các trường hợp F0 nhằm khoanh vùng, dập dịch, đồng thời đánh giá đúng tình hình dịch bệnh của từng địa phương và trên địa bàn toàn tỉnh để có phương án xử trí thích hợp, kịp thời.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-07T00:11:00

    Hà Nội: Ca mắc mới giảm dần nhưng gia tăng các ổ dịch cộng đồng

    Ngày 7/11, Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố ghi nhận 81 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 45 ca cộng đồng. Dù số ca mắc mới và ca cộng đồng đều giảm so với 3 ngày trước đó, song Hà Nội tiếp tục phát sinh thêm một số ổ dịch mới ngoài cộng đồng.

    Cụ thể, có thêm ổ dịch tại kho hàng Shoppe Khu công nghiệp Đài Tư và ổ dịch Trần Duy Hưng. Ngoài ra, các ổ dịch cũ như thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, H.Mê Linh), chợ Ninh Hiệp (H.Gia Lâm), Sài Sơn (TT.Quốc Oai, H.Quốc Oai), đường Nam Dư (P.Lĩnh Nam, Q.Hoàng Mai)... đều phát sinh các ca mắc mới.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 8/11: Hà Nội ca mắc mới giảm dần nhưng gia tăng các ổ dịch cộng đồng - Ảnh 1.

    Trong đó, 45 ca dương tính SARS-CoV-2 cộng đồng phân bố tại 17 quận, huyện, gồm: Thanh Xuân (8 ca), Đông Anh (5 ca), Nam Từ Liêm (4 ca), Gia Lâm (4 ca), Ba Đình (3 ca), Hà Đông (3 ca), Đống Đa (2 ca), Đan Phượng (2 ca), Long Biên (2 ca), Cầu Giấy (2 ca), Tây Hồ (2 ca), Hai Bà Trưng (2 ca), Hoàn Kiếm (2 ca), Chương Mỹ (1 ca), Thanh Trì (1 ca), Bắc Từ Liêm (1 ca), Hoàng Mai (1 ca).

    Như vậy, trong 14 ngày qua chỉ có huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất không có ca mắc mới ngoài cộng đồng. 

    Về cấp độ dịch theo TP, quận, huyện, thị xã: TP Hà Nội ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng trong phòng, chống dịch COVID-19. 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội cũng ở cấp độ 2.

    Theo Thanh Niên

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-07T01:11:00

    Huyện Nhà Bè phát hiện 19 điểm dịch cộng đồng, chuyển màu từ vàng sang cam

    Tối 7-11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong ngày đoàn công tác của Sở Y tế và đơn vị đã có buổi kiểm tra, đánh giá công tác phòng chống dịch tại huyện Nhà Bè trong tình hình mới.

    Qua giám sát hoạt động phòng chống dịch tại huyện Nhà Bè từ ngày 1-10 đến 4-11, HCDC ghi nhận tổng số ca bệnh COVID-19 cộng dồn tại địa phương là 2.551 ca, trong đó có 1.750 ca khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR và 801 ca xác định bằng xét nghiệm nhanh.

    Theo đánh giá từ huyện Nhà Bè, nhìn chung các ca bệnh được phát hiện từ các công nhân dương tính làm việc tại 2 khu công nghiệp lớn là Hiệp Phước, Long Hậu và cư ngụ tại các khu trọ trên địa bàn. Trong đó xã Hiệp Phước là địa bàn có số ca mắc mới cao nhất trong 4 tuần gần nhất so với toàn huyện.

    Hiện huyện Nhà Bè có 770 ca F0 đang được cách ly và điều trị tại nhà, trong đó có 395 ổ dịch hộ gia đình, 19 ổ dịch cộng đồng. Việc cấp phát các túi thuốc A, B và C cũng được thực hiện kịp thời và theo đúng quy định. Riêng túi thuốc C, huyện đã cấp phát 100% số lượng.

    Về hỗ trợ, quản lý và chăm sóc F0, hiện huyện có 7 trạm y tế lưu động do lực lượng quân y. Tuy nhiên theo dự kiến đến cuối tháng 11 năm nay, lực lượng này sẽ ngưng hỗ trợ cho địa phương.

    Huyện Nhà Bè phát hiện 19 điểm dịch cộng đồng, chuyển màu từ vàng sang cam - Ảnh 2.

    Từ "vùng vàng", huyện Nhà Bè đã chuyển sang "vùng cam" vào tối 7-11, trong đó có 1 xã thuộc "vùng đỏ" - Ảnh: X.M. chụp lại

    Tối cùng ngày, bản đồ COVID-19 TP.HCM (của Sở Thông tin và truyền thông) hiển thị huyện Nhà Bè đang ở cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao). Trước đó, từ ngày bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội (1-10) đến ngày 6-11, huyện này ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình).

    Trong 7 xã và thị trấn có 2 địa phương ở cấp độ 2, 4 địa phương cấp độ 3 và 1 địa phương cấp độ 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao) là xã Phước Kiển.

    Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam nhận xét huyện Nhà Bè có nhiều khu công nghiệp, lại có cảng biển, biến động dân cư cao nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh COVID-19 sẽ cao. Áp lực của huyện Nhà Bè cũng là áp lực chung, tương tự như đối với các quận huyện có khu công nghiệp đóng trên địa bàn.

    Trong bối cảnh công nhân cư ngụ tập trung tại các khu trọ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ tại các khu công nghiệp và khu nhà trọ công nhân.

    Huyện Nhà Bè cần nâng cao tinh thần cảnh giác, cần thường xuyên đánh giá và nắm chắc các nguồn lây nhiễm. Bên cạnh đó địa phương cũng cần rà soát những trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 để có kế hoạch tiêm cho những trường hợp này.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-07T23:11:00

    Nam Bộ, Tây Nguyên sẽ được phủ vaccine "thần tốc" trong 5 ngày

    Bộ Y tế được giao khẩn trương phân bổ đủ vaccine để phủ mũi một cho người trưởng thành ở khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên trong vòng 5 ngày.

    Ngày 7/11, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đồng thời lưu ý Bộ Y tế đảm bảo đủ vaccine cho hai khu vực này tiêm trả mũi hai cho những người đã tiêm mũi một; tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Bộ Y tế, Quốc phòng hỗ trợ lực lượng tiêm chủng nhanh nhất.

    Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế hướng dẫn và đảm bảo nguồn thuốc điều trị cho F0 để giảm ca nặng, tử vong.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 8/11: Hà Nội ca mắc mới giảm dần nhưng gia tăng các ổ dịch cộng đồng - Ảnh 1.

    Trước đó, ngày 3/11, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã yêu cầu Bộ Y tế đảm bảo đủ vaccine cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.

    Động thái này của Ban chỉ đạo được đưa ra khi hai ngày trước nhiều tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang... đã nâng cấp độ dịch, siết chặt kiểm soát vì ca Covid-19 tăng đột biến với hàng loạt ổ dịch trong cộng đồng.

    Tại cuộc họp Chính phủ ngày 6/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã có hợp đồng và thỏa thuận cung ứng 195 triệu liều vaccine, trong đó 124 triệu liều đã về.

    19 tỉnh, thành phía Nam đã có gần 95% dân số trưởng thành được tiêm mũi một; hơn 50% tiêm đủ hai mũi.

    Theo VnExpress

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-08T03:11:00

    PGS Trần Đắc Phu: Xuất hiện nhiều ổ dịch mới, Hà Nội cần tính phương án cách ly tại nhà

    Hiện nay, dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố bắt đầu diễn biến phức tạp với số lượng ca mắc mới tăng cao.

    Riêng TP Hà Nội trong ngày 7/11, nhiều ca mắc mới được phát hiện trong cộng đồng thông qua hoạt động xét nghiệm sàng lọc người ho, sốt.

    Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, một trong những điểm quan trọng là chúng ta không được phong tỏa quá rộng, gây ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội của người dân. Tuy nhiên, cũng không được buông lỏng, mà cần đánh giá nguy cơ dịch đến đâu, phong tỏa đến đó. Phong tỏa để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho người dân.

    Về nguyên tắc khi còn ca mắc trong cộng đồng, vẫn phải giám sát chặt chẽ dịch, nếu không kiểm soát được dịch sẽ có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, PGS Phu cho rằng, trong chống dịch, càng phát hiện ca bệnh sớm càng tốt, quây ổ dịch càng nhỏ càng tốt. Chúng ta vẫn phải thực hiện các công việc như truy vết, có ổ dịch nào vẫn phải phong tỏa, có các biện pháp dập dịch, phong tỏa diện hẹp nhất có thể, phong tỏa theo nguy cơ không để ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Không vì dịch mà cấm đi lại của người dân.

    Chuyên gia Trần Đắc Phu lo ngại hiện nay nhiều người dân chủ quan có “thẻ xanh vaccine Covid-19” mà không tuân thủ nghiêm 5K, vì vậy ông mong các cấp chính quyền, các tỉnh, thành cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ “tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2”. Vừa qua, TP.HCM còn thống kê khoảng 80% trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2, ngay cả ổ dịch vừa qua ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội), tỷ lệ này cũng chiếm gần 50%.

    Ông cũng cảnh báo người đã tiêm vaccine khi nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm vaccine chỉ giúp người bệnh không bị nặng. Vì vậy, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, không phải vì tiêm vaccine mà buông xuôi, cần phải thực hiện tốt 5K để không bị nhiễm, không bị cách ly. Đây là trách nhiệm rất lớn của cộng đồng.

    Hà Nội dần tính phương án cách ly tại nhà

    PGS.TS Phu cho biết, hiện việc cách ly người từ vùng dịch về đã có quy định của Bộ Y tế, Hà Nội và các địa phương cũng thực hiện theo quy định này. Tuy nhiên, trong thời điểm này, chúng ta cũng khuyến khích cách ly tại nhà khi đủ điều kiện về phòng ốc và các điều kiện khác theo quy định của Bộ Y tế, nhằm tạo điều kiện cho người dân về tinh thần và vật chất. 

    “Hiện này dịch vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều F0 thì sẽ có nhiều F1, chúng ta cũng phải tính đến phương án cách ly tại nhà mới có thể thích ứng được với điều kiện hiện nay, đồng thời còn tránh lây chéo trong khu cách ly” - ông Phu cho biết.

    Đề cập việc có nên để cho người dân lựa chọn việc cách ly hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, vấn đề này cũng cần phải hài hòa, trong trường hợp đồng ý cho người dân lựa chọn việc cách ly thì phải đảm bảo được yêu cầu của điều kiện cách ly của Bộ Y tế mới xem xét cách ly tại nhà. Nếu không có đủ điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cách ly tại nhà, như phòng ốc chật chội, dễ có nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng thì vẫn cần cách ly tập trung. “Chúng ta phải hết sức hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng và đảm bảo kiểm soát được phòng, chống dịch, không để lây lan cho gia đình và cộng đồng”- ông Phu nêu rõ.

    Hiện nay, cùng với nhiều địa phương trên cả nước, TP Hà Nội cũng xuất hiện nhiều ổ dịch mới với các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, diễn biến phức tạp, khó lường. Ông Phu cảnh báo Hà Nội luôn luôn cần cảnh giác cao độ. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, TP Hà Nội cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, thực hiện thích ứng, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả… để thực hiện mục tiêu kép.

    Luôn luôn xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ; đặc biệt xét nghiệm hàng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, đồng thời đánh giá nguy cơ đúng để có đáp ứng phù hợp.

    Về vấn đề tiêm vaccine, ông cho rằng, Hà Nội phải bao phủ tiêm đủ 2 mũi cho người dân, đặc biệt người già, người bệnh nền. Đồng thời cũng quan tâm lưu ý đến các đối tượng người nhập cư, học sinh, sinh viên ở các tỉnh về Hà Nội học tập và làm việc…Cần có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em.

    Xem xét áp dụng cách ly tại nhà, thu gọn cách ly tập trung. Chuẩn bị cơ sở điều trị để nếu dịch có bùng ra không bị động.

    Trong lúc này, cần tập trung huấn luyện, đào tạo cho y tế cơ sở để đáp ứng với nhu cầu nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.

    Làm tốt công tác truyền thông. Triển khai mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, vì đó là cách giải quyết được nhiều ách tắc, vướng mắc, tồn tại như trong thời gian qua.

    Chuyên gia cũng cho rằng, cần có phương án thích ứng, linh hoạt trong đáp ứng phù hợp với hoạt động, ngành nghề, theo địa bàn để vừa phòng chống dịch tốt và làm kinh tế hiệu quả, có phương án cho học sinh đến trường.

    Ông cũng nhấn mạnh vai trò của người dân rất quan trọng. Vì dịch ở trong dân, mà chỉ có người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch mới có hiệu quả. Trong đó, người dân cần tiếp tục thực hiện thật tốt thông điệp “5K” vì “5K” cắt đứt chuỗi lây nhiễm./.

    Theo VOV

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-08T06:11:00

    Chen chân trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông: Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh

    Hai ngày đầu chính thức đi vào vận hành, hình ảnh ấn tượng của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là dòng người chen chúc giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để trải nghiệm tàu điện trên cao sau hơn một thập kỷ chờ đợi.

    Trong ngày đầu lăn bánh, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã thực hiện 109 lượt chạy tàu phục vụ 25.680 hành khách đi tàu. Ngày thứ 2 vận hành, bên trong các toa tàu cũng là cảnh tượng không còn một chỗ trống.

    Mặc dù tại sân ga luôn có loa tuyên truyền về phòng, chống dịch, yêu cầu hành khách tuân thủ 5K, nhưng không cản được dòng người “tò mò, háo hức trải nghiệm” phương tiện mới. Theo quan sát, lượng người tới ga đông, nên khâu khai báo y tế bị “lãng quên” ngoại trừ việc đo thân nhiệt và sát khuẩn tay được thực hiện ngoài cổng ra vào.

    Dù tất cả hành khách đi tàu đều đeo khẩu trang song không thể đáp ứng về việc giữ khoảng cách. Theo đó, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong không gian kín. Nhất là khi số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng, với nhiều ca mới được phát hiện trong cộng đồng.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 8/11: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi chen chân trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông - Ảnh 1.

    Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, nhiều hoạt động được nới lỏng để trở về trạng thái bình thường mới. Trong đó, nhiều hoạt động đi lại được nới lỏng cũng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh qua giao tiếp giữa người với người, giữa người nhiễm virus với người lành.

    Người nhiễm ở đây có thể là ca mắc đang “lẩn khuất âm thầm trong cộng đồng”, đặc biệt, là người về từ vùng dịch, nơi vừa qua có tỷ lệ nhiễm cao và dịch bùng phát.

    Ông Phu nhận định, trong tuần qua, tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội đã có những diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới và nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, người dân tại Hà Nội vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó gồm phòng bệnh trên các phương tiện giao thông công cộng.

    “Thực tế hiện nay, mầm bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng, do vậy, sẽ không thể biết ai là F0, thậm chí bản thân chúng ta cũng là F0 mà không hay biết, bởi nhiều trường hợp mắc COVID-19 không hề có triệu chứng. Ngành giao thông vận tải của Hà Nội cũng đã có những quy định phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông công cộng. Trên toa tàu cũng giống như trên xe buýt đều là không gian kín và dễ lây nhiễm dịch bệnh”, ông Phu nói.

    Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng cho rằng, trong những ngày qua, nhiều người dân không thực hiện nghiêm túc các quy tắc phòng, chống dịch. Do vậy, nếu có một trường hợp F0 trên một toa tàu thì nguy cơ lây lan và bùng phát dịch là rất cao.

    “Với những người muốn trải nghiệm tàu điện trên cao thì tôi khuyên rằng, không nên đi vào các giờ cao điểm hoặc không nên đi vào thời điểm này, để ưu tiên cho những người đi làm. 

    Đặc biệt, là người già và người có bệnh nền cũng không nên đi tàu vào thời điểm đông người, bởi những trường hợp này và những người chưa tiêm vaccine nếu mắc COVID-19 thường sẽ trở nặng, phải nhập viện và có nguy cơ tử vong”, ông Phu khuyến cáo.

    Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định 1839, ban hành hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong đó, điều kiện đầu tiên đối với hành khách tham gia giao thông vận tải đường sắt là tuân thủ “Thông điệp 5K” và khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.

    Với Hà Nội, trong Kế hoạch số 243/KH-UBND về thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cũng đã quy định, người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, người đi theo phương tiện, hành khách: Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế, quét mã QR theo quy định; Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn trên phương tiện giao thông của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế.

    Đối với cảng hàng không, bến xe, bến tàu, ga đường sắt, các trạm dừng nghỉ: Xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch đón, trả hành khách bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; Bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR.

    Đối với hoạt động vân tải đường sắt tất cả các cá nhân, cơ quan, đơn vị thực hiện theo Quyết định số 1839/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải Ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19./.

    Theo VOV

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ