"Phim truyền hình Việt không ngoại tình không chịu được sao?"
Khán giả đã chán ngán với câu chuyện ngoại tình lặp đi lặp lại trên sóng truyền hình Việt.
"Phim truyền hình Việt không ngoại tình không chịu được sao?" - Đây là bình luận của một khán giả khi nhận ra bộ phim vốn từng thuộc thể loại thanh xuân chữa lành, Chúng ta của 8 năm sau, nay cũng đi vào lối mòn drama ngoại tình, tiểu tam. Từng là làn gió mới mẻ, mát lành của truyền hình Việt, nay làn gió đó lại khiến khán giả bực dọc và mệt mỏi. Như cách quá nhiều bộ phim truyền hình Việt khác đã làm.
Phim tình cảm, gia đình không ngoại tình không chịu nổi?
Trong khi phim điện ảnh đang dần đa dạng về thể loại thì phim truyền hình Việt vẫn chủ yếu khai thác đề tài tâm lý gia đình với những câu chuyện có màu sắc na ná nhau. Dĩ nhiên cũng không trách cứ gì vì kiểu đề tài này phù hợp với đối tượng khán giả truyền hình cũng dễ tạo sự đồng cảm, càng dễ hơn cho việc kiểm duyệt phát sóng. Thế nhưng việc cứ lặp đi lặp lại một motif cũ để tăng tính drama, tăng mức độ thảo luận trên mạng xã hội thì quả là khiến người xem mệt mỏi.
Chỉ riêng trong năm 2023, trên sóng giờ vàng VTV có liên tiếp hàng loạt bộ phim khai thác yếu tố ngoại tình, bao gồm Hành trình công lý, Đừng làm mẹ cáu, Dưới bóng cây hạnh phúc, Nơi giấc mơ về, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Chúng ta của 8 năm sau,... Đó là chưa kể những bộ phim chiếu ở đài khác hay các nền tảng trực tuyến, như Mặt trời mùa đông hay nổi bật nhất phải kể đến Yêu trước ngày cưới. Chuyện ngoại tình nhiều tới mức cứ thấy phim tình cảm gia đình là khán giả đoán được chuyện gì sẽ xảy ra.
Đã từ rất lâu rồi, đề tài ngoại tình ở phim truyền hình Việt thường xảy ra như cơm bữa. Đến cả bộ phim truyền dân quốc dân Về Nhà Đi Con cũng từng nổi đình đám với từ khóa "Nhã tiểu tam" và câu chuyện giật chồng công khai của cô ấy. Công thức chung là một tay chồng lăng nhăng - một cô tiểu tam trơ tráo, chỉ cần vậy thôi thì ngay cả bộ phim kém tiếng cũng bất thình lình trở nên nổi tiếng vì bị khán giả... ném đá thậm tệ. Đơn cử như trường hợp của Hành trình công lý. Bộ phim này vốn không được đánh giá cao bởi các yếu tố ngành nghề bị khai thác sai lệch nhưng vẫn nổi đình đám vì câu chuyện ngoại tình và nhất là việc trong phim, cặp đôi tiểu tam - chồng tồi có cảnh nóng táo bạo bị chiếu đi chiếu lại. Rõ ràng đây là một công thức đơn giản, dễ làm lại rất dễ câu khách, một miếng mồi béo bở mà các nhà làm phim cứ bất chấp "nhai đi nhai lại" không quan tâm khán giả thích hay không.
Vòng tròn luẩn quẩn, dễ đoán đến phát chán
Đã khai thác đi, khai thác lại câu chuyện ngoại tình thì chớ, những bộ phim này còn thường xuyên có chung một kết thúc. Khán giả phải xem quá nhiều lần thứ vòng tròn luẩn quẩn ngoại tình - ly dị - hàn gắn ở hằng hà sa số bộ phim khác nhau. Như Hành trình công lý đã nói ở trên, không chỉ ngoại tình, người chồng này còn bị lộ clip nóng, điêu đứng cả công danh sự nghiệp. Thế nhưng biên kịch vẫn liên tục lồng ghép những yếu tố cho thấy việc cặp chính sẽ gương vỡ lại lành, ông chồng thay tính đổi nết trở thành hình mẫu người chồng lý tưởng, xứng đáng được tha thứ. Ngay cả Đừng làm mẹ cáu, Dưới bóng cây hạnh phúc,... cũng có chung một motif này. Thậm chí ở Dưới bóng cây hạnh phúc, người vợ còn chịu đựng cuộc sống như tù đày. Cô bị cả gia đình chồng bắt nạt, thế nhưng cuối cùng vẫn chấp nhận hàn gắn, kéo theo đó là việc cả gia đình chồng cũng thay tính đổi nết, trở thành người tốt nhờ quyết định của cô.
Rõ ràng là những bộ phim này đều hướng đến một mục đích chung, là rao giảng bài ca gia đình là số 1, rằng dù có tổn thương, đổ vỡ đến đâu thì cuối cùng cái kết cũng là hàn gắn và rũ bỏ mọi hận thù. Bài ca này nghe thì có vẻ nhân văn nhưng nó đã nhàm chán đến phát ngán, khiến khán giả dễ dàng đoán biết được kết phim. Rằng sau khi người vợ bị phản bội, cô có những đối tượng mới tốt đẹp hơn, cuộc sống thay đổi tích hơn nhưng cuối cùng vẫn sẽ về bên người đã làm tổn thương mình. Chẳng biết vô tình hay cố ý khi người tổn thương và phải chịu đựng sau cùng vẫn cứ là phụ nữ.
"Đặc sản VFC là chồng ngoại tình nhưng sau vẫn về với nhau", "Motif này tôi thấy hạ thấp giá trị hôn nhân lắm luôn ấy. Không bàn đến chuyện nữ quyền gì ở đây mà chỉ nói về cách cư xử của người với người, làm sao mà ở thế kỉ 21 rồi mà vẫn cổ xúy cho việc bất chấp mọi thứ để tha thứ chỉ để bảo toàn gia đình. Nhưng cái gia đình đó có đáng đâu?", "Sao phim Việt lúc nào cũng ngoại tình vậy nhỉ? Xong chồng ngoại tình bao giờ cũng được vợ tha thứ. Trong khi đó xem số liệu thực tế, không nhầm thì cứ 4 cặp kết hôn là có 1 cặp ra toà. Lý do ngoại tình chiếm hơn 20% trên tổng nguyên nhân ly hôn, nhưng phim Việt thì gần như phim nào cũng có ngoại tình, chỉ thích đưa vào để tạo drama chứ không quan tâm xây dựng kịch bản.", "Ngoại tình tùm lum xong đến cuối ngồi tâm sự với nhau năm phút là quay lại bên nhau", "Cứ ngoại tình xong được tẩy trắng, các ông chồng tồi ngoài đời xem được thì thích phải biết", ... Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều những bình luận của khán giả bày tỏ sự chán ngán với kiểu motif muôn phim như một, cứ ngoại tình rồi lại hàn gắn của phim truyền hình Việt.
Phim tâm lý gia đình tạo cảm giác tiêu cực, khán giả dần mất kiên nhẫn rồi!
Quay lại với câu chuyện của bộ phim Chúng ta của 8 năm sau đã nói ở trên, đây vốn dĩ là một bộ phim thanh xuân tình cảm chữa lành nhận được nhiều sự tán dương của khán giả bởi mang tới câu chuyện nhẹ nhàng dung dị vô cùng dễ chịu. Thế nhưng từ khi phần 2 lên sóng bộ phim này sa đà vào drama với những câu chuyện cũ kỹ, thiếu sáng tạo và khiến người xem cảm thấy mệt mỏi, tiêu cực. Đây dường như cũng là bệnh chung của rất nhiều bộ phim truyền hình Việt khi cứ chăm chăm câu kéo khán giả bằng những mâu thuẫn phức tạp nặng nề. Đồng ý là những câu chuyện như vậy dễ dàng khiến phim được thảo luận nhiều hơn nhưng tác dụng phụ của nó là tạo ra bầu không khí tiêu cực mệt mỏi và khán giả thì phải tự hỏi, các biên kịch có đang nhìn nhận cuộc sống theo một cách khá phiến diện?
Xem truyền hình Việt khai thác chủ đề tình cảm gia đình, hiếm lắm khán giả mới được thấy một câu chuyện tích cực. Khán giả nhìn đâu cũng thấy mẹ chồng độc ác, bố chồng bảo thủ, em chồng ăn hại, còn con dâu thì nhu nhược, bị đày đọa đến mức quên luôn khái niệm hạnh phúc. Nếu giải thích rằng những câu chuyện này "rất đời", rất gần gũi thì phải lật ngược vấn đề, bởi cuộc đời vốn muôn hình vạn trạng, đâu chỉ có bi quan, tiêu cực như vậy? Và cũng có nhiều cách để tiếp cận câu chuyện cũng như chinh phục khán giả, đâu có cần cứ chăm chăm "chọc tức" người xem khiến họ thật sự mất kiên nhẫn!
Nguồn ảnh: VTV