Phim cung đấu bị cấm phát sóng, người vui nhất hẳn là những vị hoàng đế Trung Hoa sau
Trong khi các fan phim cung đấu thất vọng với lệnh cấm phim, thì các vị hoàng đế Trung Hoa nếu có biết được tin này thì hẳn sẽ rất vui mừng vì họ sẽ thôi bị hậu thế cho đổ vỏ, bị cắm sừng hay cưỡng ép biến thành soái ca ngôn tình.
Trước làn sóng phản đối vì phim cung đấu tràn ngập màn ảnh nhỏ và gây tác động xấu với giới trẻ, thể laoị phim này đang bị cấm lên sóng tại trung quốc, ngay cả hot như Diên Hi Công Lược hay Như Ý Truyện cũng phải ngừng phát sóng. Đây là tin buồn với các fan nhưng chắc chắn sẽ là tin vui nếu như các vị vua Trung Hoa biết được rằng họ sẽ thôi bị bôi xấu hay xuyên tạc trên màn ảnh.
Tần Thuỷ Hoàng
Là vị vua nổi tiếng tham vọng, độc đoán, có lẽ Tần Thủy Hoàng chẳng thể ngờ rằng ngàn năm sau hậu thế lại có thể "ngôn tình hoá" khi tái hiện lại ông trong những bộ phim cổ trang. Trong bộ phim Lệ Cơ Truyện phát sóng vào năm ngoái, người xem vô cùng bất mãn vì Tần Vương chẳng khác gì soái ca ngôn tình. Còn đâu người đàn ông tài giỏi thống nhất lục quốc khi mà trong khi những nước lân cận đều đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh thì vị vua nước Tần lại mải mê theo đuổi tình yêu của mình. Anh còn chấp nhận làm mọi thứ để có được Lệ Cơ, ngay cả khi biết Lệ Cơ đã mang thai trước khi vào cung thì vẫn chấp nhận xem đó như con ruột của mình.
Tần Vương thống lĩnh thiên hạ biến thành soái ca ngôn tình.
Nếu như Thắng Thiên Hạ (Ba Thanh Truyện) của Phạm Băng Băng may mắn được phát sóng thì chúng ta sẽ được thấy một Tần Vương phiên bản "nô lệ tình yêu". Theo như những gì trong trailer được tung ra, Ba Thanh bị vua Tần cưỡng bức, ông bị các nhà làm phim biến thành một vị hôn quân dâm loạn. Trong khi trong thực tế, Tần Thủy Hoàng vô cùng kính trọng Ba Thanh và xem bà như là một người chị, hai người còn chưa từng có một chút tình cảm nào vượt trên mức giới hạn. Chưa hết, Thắng Thiên Hạ hoàn toàn làm lu mờ tài năng của vị hoàng đế nhà Tần để góp phần nâng tầm nữ chính.
Chắc chắn Tần Thuỷ Hoàng sẽ tức hộc mấu khi bị hậu thế gán cho tội cưỡng bức.
Võ Tắc Thiên
Là vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử nên Võ Tắc Thiên cũng thường xuyên ưu ái được hậu thế làm phim, thế nhưng lại có rất ít bộ phim khắc họ đúng vị nữ hoàng đế này. Nổi tiếng nhất trong các bộ phim về bà là Võ Mị Nương truyền kỳ do Phạm Băng Băng đóng vai chính. Vốn là một người rất bản lĩnh, tài giỏi, lẫn mưu trí nhưng các nhà làm phim đã ngôn tình hóa nhân vật Võ Mị Nương khi biến bà thành một thiếu nữ hiền lành, ngây thơ, theo chuẩn mô típ nữ chính ngôn tình, và tăng độ ác cho các phi tần xung quanh để lấy được lòng thương cảm từ người xem.
Sợ Võ Mị Nương không được người xem thương, các nhà làm phim đã giảm độ ác biến bà thành thiếu nữ ngây thơ.
Càn Long
Ngày xưa tình yêu hôn nhân là do phụ mẫu quyết định, còn ngày nay hoàng đế yêu ai là do các nhà làm phim quyết định. Rất nhiều lần, Càn Long bị cưỡng ép phải yêu say đắm những người mà ông không thực sự yêu hoặc có khi còn chẳng tồn tại trong lịch sử.
Trong cả hai bộ phim hot nhất năm vừa rồi là Như Ý Truyện và và Diên Hi Công Lược, các nhà làm phim đều ra sức chứng minh nữ chính của họ mới là người phụ nữ mà Càn Long yêu nhất, nhưng thực tế thì chưa chắc như thế. Ở Như Ý Truyện, Càn Long và Nhàn Phi là một đôi trai tài gái sắc, từ khi còn là thân vương đã nhắm vị trí Đích phúc tấn cho Nhàn Phi nhưng bị vua cha ngăn cản. Sau này, khi Nhàn Phi phải vào lãnh cung 3 năm, Càn Long ngày nhớ đêm mong, chờ đợi thời cơ mang cô quay trở lại bên mình. Trong lịch sử, Ô Lạp Na Lạp thị được ban hôn nên mới nhập cung và khi đó Càn Long đã có Đích phúc tấn của mình. Vì tình cảm với người vợ của mình đang tốt đẹp nên ông không quan tâm gì đến Nhàn Phi. Sau này, Nhàn Phi cũng phải chăn đơn gối chiếc, cô đơn đến lúc chết.
Nhàn Phi mà sống dậy chắc cũng mơ ước được Càn Long yêu thương như trong phim.
Với Diên Hi Công Lược, chuyện Càn Long có thực sự yêu Lệnh Phi Nguỵ Anh Lạc hay không vẫn còn là dấu hỏi. Khác với một Càn Long si tình bất chấp trong phim, Càn Long của lịch sử đã không cho Lệnh Phi được một lễ sắc phong đàng hoàng. Sau này, ngay cả khi Hoàng Hậu cũ đã qua đời, Lệnh Phi vẫn phải mang danh Hoàng quý phi suốt 10 năm và chỉ đến khi qua đời, con trai lên ngôi vua mới được truy phong làm Hiếu Nghi Tuần Hoàng hậu. Ngay cả khi đã được sắc phong ngôi hậu, Càn Long vẫn nhất quyết đặt thần vị của Hiếu Nghi Thuần hoàng hậu ở điện Phụng Tiên, mà không đưa vào Thái miếu đúng như ân điển của một Hoàng hậu.
Càn Long có thực sự yêu Lệnh Phi hay không vẫn còn là ẩn số.
Ngược dòng thời gian trở về với Hoàn Châu Cách Cách, bộ phim này đã khắc hoạ về mối tình đoản mệnh giữa Càn Long và Hàm Hương nhưng theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV4 cho biết trong ghi chép hậu phi Càn Long thậm chí không có tên Hương Phi. Nếu miễn cưỡng xem Hàm Hương là Dung Phi - một vị phi tần có xuất thân Hồi Cương thì sự tương đồng giữa sử và phim cũng chỉ là 2%.
Lịch sử nói rằng không có ai là Hương Phi.
Ung Chính
Nếu Càn Long bị các nhà làm phim đặt đâu phải ngồi đó thì Ung Chíng còn "bi đát" hơn khi bị hậu thế biến thành ông hoàng đổ vỏ và chúa tể của những chiếc sừng. Dưới con mắt sáng tạo vô hạn của các biên kịch, vị vua này hết lần này đến lần khác bị các phi tần của mình cắm sừng. Trong Chân Hoàn Truyện, Chân Hoàn sau khi phát hiện ra rằng Ung Chính chỉ sủng ái cô do có dung mạo giống với Thuần Nguyên hoàng hậu đã quá cố, cô đã dứt tình với Ung Chính và dành tình cảm cho em trai của vua là Doãn Lễ. Cặp song sinh của Chân Hoàn là con của Doãn Lễ chứ không phải của Ung Chính.
Chân Hoàn cho Ung Chính "đổ vỏ" khi sinh con với em vua.
Một chị em khác của Chân Hoàn là Thẩm My Trang cũng khiến nhà vua phải đổ vỏ khi hạ sinh đứa con của mình và Ôn thái ý. Sau này, Chân Hoàn công khai sự thật này trước mặt Ung Chính, ông vì thế mà tức chết.
Không chỉ Chân Hoàn mà chị em tốt của cô cũng cắm cho vua một cái sừng.
Trong một bộ phim khác cũng ở thời Ung Chính là Cung Toả Châu Liêm, Vân tần từng được Ung Chính yêu mến nhưng do quá kiêu ngạo, độc ác, cô bị thất sủng và đày vào lãnh cũng. Khi cô đơn, cô đã phải lòng và ngoại tình với một vị quan.
Lệnh cấm phim cung đấu ở một khía cạnh nào đó sẽ mang lại tác động tích cực đó chính là cảnh báo các nhà làm phim thôi xuyên tạc lịch sử và bôi bác những bậc tiền nhân. Ngoài ra lệnh cấm này cũng là một lời cảnh tỉnh cho giới trẻ đừng quá mê đắm vào những ảo tưởng mà phim cung đấu vẽ ra về một thời quá khứ phong kiến đẹp đẽ. Vì thực chất những gì mà các nhà làm phim mang lại phần lớn đều không chính xác với thực sự lịch sử và để hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của xứ Hoa ngữ mà chúng ta yêu mến, thay vì ngồi "luyện" phim cung đấu thì thà chúng ta giở quyển sách Sử nước bạn ra đọc còn hơn.