Phim 18+ "Chiếc điều khiển từ xa của mẹ" và lời cam kết sẽ đậu trường tốt, không làm mẹ thất vọng đã đẩy cuộc đời 1 cậu bé vào bi kịch
Chiếc điều khiển của mẹ có thể hoàn hảo đến mức giúp con cái sửa chữa tất cả những "sai lầm", nhưng nếu được lựa chọn, những đứa trẻ đôi khi vẫn muốn được sẵn sàng lãnh chịu hậu quả từ việc làm được bố mẹ cho là sai trái đó.
Rất nhiều phụ huynh không chấp nhận được việc con mình thua kém bạn bè. Một số cha mẹ tự cho mình quyền hạn can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái từ học tập cho đến những hoạt động thể thao, giải trí...
Cha mẹ không hiểu con cái, bắt ép chúng lao vào học tập để đạt điểm thật cao. Con cái chẳng thể sẻ chia với cha mẹ mình mà dần dần lao vào bóng tối. Và kết thúc nhận về, đôi khi là những bi kịch không thể có "phép màu" nào cứu vãn.
"Chiếc điều khiển từ xa của mẹ" – một tập phim thuộc series "Con của bạn không phải là con của bạn" đang chiếu trên Netflix với những dằn vặt, đau khổ, những kìm nén... một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này.
Trong tập phim, mối quan hệ mẹ - con bị bóp méo bởi hệ thống bài kiểm tra chạy theo điểm số, phụ huynh xem đó là giá trị duy nhất của thành công mà phớt lờ sự khác biệt của cá nhân.
Đôi khi, phim không chỉ là phim, đây là những vấn đề đã và đang tồn tại thực sự và ai cũng dễ dàng nhận thấy xung quanh mình.
"Mẹ ơi, con còn phải chết bao nhiêu lần nữa?"
Thoạt nhìn, Pei-wei có một cuộc sống bao nhiêu bạn nhỏ mơ ước. Dù thiếu cha nhưng bà Chen, mẹ Pei-wei chưa bao giờ để con thiếu thốn bất cứ thứ gì.
Sai lầm đến từ một lần, khi để có thể tham gia chuyến tốt du lịch tốt nghiệp, Pei-wei đã sưu tập cả bộ dấu mộc từ các thầy cô trong trường để làm giả bảng điểm cao. Phát hiện ra việc làm của con, bà Chen cảm thấy suy sụp. Và rồi, cuộc gặp gỡ "định mệnh" với người đàn ông bí ẩn cùng chiếc điều khiển từ xa đã cuốn bà Chen vào những mộng tưởng về việc "điều khiển" cuộc sống con trai đi theo kỳ vọng của bản thân mình.
Những ngày sau đó, Pei-wei bàng hoàng nhận ra ngày nào của mình cũng là thứ 4, ngày 7/6. Cuộc sống của Pei-wei, thì ra, đã bị mẹ dùng chiếc điều khiển "tua đi tua lại" chỉ để cậu bé phải nói sự thật về các dấu mộc.
Bà Chen tin rằng chỉ cần cho con cơ hội sửa sai, Pei-wei có thể học cách trung thực; chỉ cần liên tục lặp lại số ngày học 1 bài học, điểm của Pei-wei có thể ngày càng nâng cao. Bà từ chối cho con tham gia chuyến đi tốt nghiệp 3 ngày chỉ có 1 lần trong đời để con tập trung học.
Mọi chuyện dần đi quá xa để rồi khi bà Chen không chấp nhận mối tình đầu của Pei-wei cùng Tiểu Lan và quyết định bấm nút xóa cô bé khỏi cuộc sống con trai mình mãi mãi, Pei-wei đã suy sụp và tìm đến cái chết nhiều lần. Tuy nhiên, chiếc điều khiển ấy lại giúp mẹ cậu "sửa sai" và cứu cậu trở về cuộc sống. Pei-wei từng tuyệt vọng thốt lên: "Mẹ ơi, con còn phải chết bao nhiêu lần nữa?".
Pei-wei lớn lên trong tuyệt vọng, và như mẹ mình mong muốn, có một sự nghiệp thành công và một người bạn gái, nhưng bà Chen đã giúp anh sắp xếp một bữa mai mối khác. Pei-wei không thể thoát khỏi bóng ma quá khứ. Cậu phá vỡ chiếc điều khiển và kết thúc cuộc đời bị kiểm soát đầy nặng nề của mình.
Hãy cho con tự định nghĩa về Hạnh phúc
Motif phim như "Chiếc điều khiển từ xa của mẹ" ít được khai thác triệt để trên màn ảnh. Tuy nhiên, kỳ thực vấn đề nhức nhối ấy chẳng xa lạ ở đời thực, đặc biệt các nước châu Á, nơi những định kiến vẫn còn gay gắt và áp lực thành tích vẫn như một thứ ám ảnh.
Chỉ bằng cách hoàn thành tâm nguyện bên trong của người mẹ, cuộc sống của cậu con trai mới có thể "viên mãn". Rốt cuộc, có phải một số bà mẹ cũng đã làm điều tương tự ngay cả khi họ không có điều khiển từ xa?
Chúng ta muôn đời vin vào lý do muốn con thành đạt, hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc của mỗi người vốn dĩ mang một màu sắc khác, không phải cứ làm bác sĩ, kỹ sư... vật chất dư dả, được người khác ngưỡng vọng mới là hạnh phúc.
Hạnh phúc của bà Chen là con chỉ tập trung hoàn toàn vào việc học, bất chấp một bài học con phải học đến 15 lần. Hạnh phúc của Pei-wei lại là được đi du lịch tốt nghiệp với bạn, được biết tất cả về hội họa hay đi đá bóng lúc rảnh rỗi, như cậu nói trong lần gặp gỡ đầu tiên và cũng là duy nhất ở nhà Tiểu Lan: "Tớ thật ghen tỵ với cậu. Cậu được làm những gì mình muốn".
Pei-wei không được quyền lựa chọn: Từ việc học gì, yêu ai, chơi cùng ai, ước mơ gì cho đến việc đơn giản như lựa một chiếc áo cho ngày đầu đến trung tâm học thêm. Cuộc sống của cậu hoàn toàn bị kiểm soát và kìm hãm nhưng không đủ dũng khí để thoát ra. Ở đây, gông cùm của tình cảm gia đình được hiện thân như một chiếc điều khiển từ xa ma thuật, điều khiển cuộc đời của Pei-wei, là nguồn cơn dẫn đến bi kịch.
Cha mẹ không bỏ mặc, nhưng chỉ nên đóng vai trò là người đồng hành, gợi mở, thảo luận để con có thể tự nhận ra được năng lực, thế mạnh và sở thích của mình. Hãy sẵn sàng trao quyền quyết định và quyền tự chịu trách nhiệm để con nhận ra lựa chọn là của con, tương lai của con ra sao là do con chọn.
Bi kịch của Pei-wei, với những lần bức bối đến cùng cực hay cái chết ở cuối phim là lời cảnh tỉnh, để người lớn thấy rằng: Hãy lùi lại để trẻ con được sống thế giới của mình, rằng con trẻ không phải là nơi, là thứ để phụ huynh trưng bày "thành tựu".
Sau cùng, chúng ta cần con hạnh phúc, nhưng liệu có ích gì không khi đó là thứ hạnh phúc bề ngoài được vay mượn từ chính kỳ vọng nặng nề của cha mẹ mình?
"Con của bạn không phải là con của bạn" là loạt phim của đạo diễn Trần Huệ Linh dựa trên tiểu thuyết của Ngô Hiểu Lạc. Bộ phim truyền hình này tách khỏi sự nhẹ nhàng của các chủ đề giáo dục thông thường và bổ sung thêm các yếu tố khoa học viễn tưởng. Phim gắn nhãn 18+ vì có hành vi cực đoan (tấn công/ tự tử).
Với óc quan sát nhạy bén, tác giả đã nhìn sâu vào vực thẳm tình cảm của mỗi gia đình, nơi tình yêu của cha mẹ là lời nguyền mà con cái không thể thoát ra được. Đây là một câu chuyện viết cho cha mẹ và con cái, mỗi người sẽ tìm thấy bóng dáng của sự trưởng thành của chính mình.