Philippines ‘phong tỏa’ thủ đô để chống dịch Covid-19

Thanh Huyền,
Chia sẻ

Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố áp đặt các biện pháp cách ly cộng đồng mà ông gọi là "phong tỏa" thủ đô nhằm ngăn sự lây lan của dịch Covid-19.

Hôm 12/3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ngừng các hoạt động đi lại trên đất liền, trên biển và trên không đến và đi từ thủ đô Manila, đồng thời đưa ra các biện pháp cách ly cộng đồng mà ông gọi là “phong tỏa” thủ đô nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Cụ thể, cấm các cuộc tụ họp đông người, đóng cửa trường học một tháng, cách ly những cộng đồng đã phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 và ngừng hoạt động ra vào thủ đô Manila.

THẾ GIỚI 24H: Philippines ‘phong tỏa’ thủ đô để chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tự cách ly sau khi vợ của ông, bà Sophie Gregoire Trudeau bị nghi nhiễm Covid-19. Ông Justin Trudeau chưa có triệu chứng Covid-19 nhưng vẫn tự cách ly, làm việc ở nhà ít nhất tới khi có kết quả xét nghiệm của vợ. Thủ tướng Canada sẽ chủ trì cuộc họp quan trọng qua điện thoại.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ sẽ đóng cửa tạm thời với công chúng từ lúc 17h chiều 12/3 (giờ miền Đông, Bắc Mỹ) và kéo dài cho đến ngày 1/4. Chỉ có các nhà lập pháp, nhân viên Quốc hội, phóng viên chuyên trách và khách đến làm việc mới được phép tiếp cận đồi Capitol. Theo lý giải của các quan chức phụ trách tòa nhà Quốc hội Mỹ, động thái tạm thời này được đưa ra vì có những lo lắng đối với sức khỏe và sự an toàn của các nhân viên Quốc hội cũng như công chúng.

Ngày 11/3, Nga thông báo đã gửi tổng cộng 800 bộ thử virus SARS-CoV-2 cho một số nước trong đó có Iran, Triều Tiên, Mông Cổ và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Uzbekistan và Azerbaijan, nhằm giúp các nước này tiến hành các xét nghiệm phát hiện người nhiễm virus. Riêng Iran nhận được 500 bộ, theo đó có thể xét nghiệm được 50.000 lần.

Ngân hàng Trung ương Iran đã yêu cầu một khoản vay khẩn cấp trị giá 5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm đối phó với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nước này. Số liệu của chính phủ Iran về dịch Covid-19 cho thấy đã có hơn 10.000 người dân nước này nhiễm virus, với 429 trường hợp tử vong, khiến Iran trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Italy. Một loạt các quan chức chính phủ của nước này cũng nhiễm virus.

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Chính phủ Séc tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong 30 ngày, có hiệu lực từ 14h00, ngày 12/3 (giờ địa phương), do lo ngại nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2. Theo đó, từ 6h00 sáng 13/3, người dân không được đến các cơ sở thể thao, phòng tập thể dục, bể bơi, cơ sở chăm sóc sức khỏe, câu lạc bộ âm nhạc, thư viện hoặc phòng trưng bày…, cấm các dịch vụ ăn uống hoạt động từ 20h tối đến 6h sáng, trong trung tâm thương mại, nơi có diện tích trên 5.000 m2; cấm các hoạt động văn hoá, tôn giáo, thể thao... với sự tham gia trên 30 người. Chỉnh phủ Séc cũng cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từ 13 quốc gia.

Ông Fabio Wajngarten, Thư ký của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Một ngày trước khi phát hiện nhiễm Covid-19, ông Wajngarten tháp tùng Tổng thống Bolsonaro tới Florida gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 11/3 tuyên bố tiếp tục duy trì việc mở cửa biên giới cho người tị nạn cho đến khi Liên minh châu Âu (EU) đáp ứng mọi yêu cầu của nước này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, khoảng 150.000 người di cư đã tìm đường tới Hy Lạp sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mở cửa biên giới. Nhà lãnh đạo Ankara đồng thời cảnh báo, do thời tiết mùa xuân đang ấm lên, dòng người di cư tới châu Âu sẽ không chỉ hạn chế ở Hy Lạp mà sẽ trải rộng ra toàn bộ khu vực Địa Trung Hải.


Cuộc sống tạm bợ, tăm tối và mắc nhiều bệnh nền khiến hơn 550.000 người vô gia cư Mỹ bị đẩy tới bờ vực thảm họa trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 7.
Chia sẻ