Phẫu thuật, cứu sống sư cô bị ung thư trực tràng bằng… robot

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Sư cô phát hiện mình bị ung thư trực tràng khi đang đi tu nghiệp ở Ấn Độ. Tính mạng của sư cô bị đe dọa, bởi bệnh đã ở vào giai đoạn 3, trong khi chi phí điều trị ở nước ngoài là vô cùng đắt đỏ…

Đó là trường hợp của sư cô Trần Thị Thuý Hằng (35 tuổi, trụ trì chùa Phước Long, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, pháp danh Thích An Hương).

Theo lời kể của sư cô Trần Thị Thúy Hằng, khi đang đi tu nghiệp tại nước ngoài, vào đầu tháng 1-2017, sư cô bất ngờ đại tiện ra máu liên tục. Đến một BV tại Ấn Độ, các BS chẩn đoán sư cô bị bệnh về đường ruột và cấp thuốc điều trị.

Phẫu thuật, cứu sống sư cô bị ung thư trực tràng bằng… robot - Ảnh 1.

Sư cô Trần Thị Thuý Hằng đã khoẻ lại sau nửa tháng phẫu thuật.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian uống thuốc, bệnh tình của sư cô không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng hơn, bụng đau dữ dội. Trở về Việt Nam vào tháng 2, sư cô đến khám tại BV Bình Dân. Tại đây, sau các xét nghiệm, thăm khám, các BS chẩn đoán, sư cô mắc bệnh ung thư đại trực tràng, bệnh đã ở vào giai đoạn 3, phải tiến hành phẫu thuật gấp.

Sư cô nói: "Khi ấy, tôi rất lo ngại bởi bệnh tình mình diễn tiến quá nhanh. BS Nguyễn Phú Hữu, khoa Tiêu hoá BV đưa ra cho tôi 3 giải pháp: Một là mổ hở, hai là mổ nội soi, ba là mổ bằng robot. Qua tìm hiểu cũng như sự tư vấn của BS, tôi biết phẫu thuật bằng robot thì độ an toàn cũng như quá trình hồi phục cao hơn, tuy nhiên chi phí là rất cao. Ở Mỹ sẽ tốn khoảng 40.000 USD cho một ca mổ, ở Thái Lan là 30.000 USD. Còn tại BV Bình Dân chỉ 5.000 USD, nhưng với tôi, con số ấy nằm ngoài tầm với".

Phẫu thuật, cứu sống sư cô bị ung thư trực tràng bằng… robot - Ảnh 2.

BS Nguyễn Phú Hữu, người đã tìm cách thuyết phục lãnh đạo bệnh viện giảm một nửa chi phí phẫu thuật bằng robot cho sư cô Hằng.

Biết mình không đủ tiền, nên ban đầu sư cô chần chừ, chỉ xin được mổ nội soi. Tuy nhiên thấy trường hợp của bệnh nhân đã ở vào giai đoạn nặng, cần phải chữa trị bằng giải pháp tối ưu nhất là phẫu thuật bằng robot, BS Nguyễn Phú Hữu đã động viên sư cô hãy an tâm trị bệnh, đồng thời tự mình đề xuất với ban giám đốc bệnh viện giảm một nửa chi phí cho bệnh nhân.

Phẫu thuật, cứu sống sư cô bị ung thư trực tràng bằng… robot - Ảnh 3.

Sư cô cho biết, bệnh viện đã giảm 40 triệu đồng tiền phẫu thuật bằng robot cho mình, nhờ vậy sư cô mới có cơ hội được sống.

Ngay sau khi lãnh đạo bệnh viện chấp thuận, ngày 24-2, sư cô Trần Thị Thuý Hằng được tiến hành phẫu thuật ung thư đại trực tràng sử dụng robot. Ca phẫu thuật thành công mỹ mãn, ngày 3-3, sư cô được xuất viện. Đến ngày 9-3, bệnh nhân đến BV tái khám khi đã khoẻ mạnh, các chức năng tiêu hoá hoạt động trở lại bình thường.

Có mặt tại buổi tư vấn sức khoẻ, tìm hiểu về phẫu thuật robot trong điều trị ung thư của BV Bình Dân, sư cô hạnh phúc chia sẻ: "Trong suốt thời gian phẫu thuật và nằm viện, tổng chi phí điều trị của tôi là 120 triệu đồng, bao gồm 80 triệu đồng tiền phẫu thuật bằng robot và 40 triệu đồng tiền thuốc men, giường bệnh. Bệnh viện đã giảm cho tôi 40 triệu đồng tiền phẫu thuật, nếu không, tôi khó mà lo nổi. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và rất xúc động trước sự tận tâm, y đức của đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện".

Phẫu thuật, cứu sống sư cô bị ung thư trực tràng bằng… robot - Ảnh 4.

Các BS BV Bình Dân tư vấn về phẫu thuật bằng robot cho nhiều bệnh nhân đến tham dự.

Dự kiến vào tháng 4 tới, sư cô sẽ được tiến hành hoá trị trước khi tiếp tục sang Ấn Độ theo học chương trình tiến sĩ Phật học.

ThS BS Nguyễn Phú Hữu, khoa Tiêu hóa BV Bình Dân cho biết, sư cô Trần Thị Thuý Hằng là bệnh nhân thứ 66 mắc bệnh ung thư được phẫu thuật bằng robot kể từ khi phương pháp này áp dụng tại BV.

Phẫu thuật, cứu sống sư cô bị ung thư trực tràng bằng… robot - Ảnh 5.

Đến nay đã có 66 ca ung thư được phẫu thuật bằng robot thành công tại BV Bình Dân.

"Ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ hai tại Việt Nam, sau ung thư dạ dày. Độ tuổi mắc bệnh này thường dao động từ 40-60 tuổi, nhưng xu hướng ngày càng trẻ hoá. Sử dụng mổ bằng robot có thể bóc tách tốt, lấy triệt để tế bào ung thư đại trực tràng. Phương pháp này cho phép phẫu thuật chính xác trong những không gian chật hẹp, cánh tay robot có độ linh động vượt trội hơn rất nhiều lần so với những phương pháp nội soi thông thường" – BS Hữu cho biết.

Phẫu thuật, cứu sống sư cô bị ung thư trực tràng bằng… robot - Ảnh 6.

Phẫu thuật bằng robot được xem là bước tiến mới trong việc bảo đảm an toàn và hiệu quả chữa trị cho bệnh nhân ung thư.

Ngoài trường hợp của sư cô Thuý Hằng, trong buổi tư vấn sức khoẻ diễn ra vào ngày 18-3 tại BV Bình Dân, nhiều bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt cũng đến tham dự, đặt ra những câu hỏi cũng như bày tỏ mong muốn được tiếp cận với công nghệ phẫu thuật bằng robot trong điều trị ung thư.

Dự kiến trong tuần tới, BV sẽ tiến hành điều trị cho 2 bệnh nhân ung thư bằng phương pháp này, trong đó có 1 trường hợp ung thư dạ dày đầu tiên được phẫu thuật bằng robot.

Chia sẻ