Phát huy giá trị đô thị di sản thời Pháp gắn với du lịch văn hóa tại Hải Phòng

Phương Thúy,
Chia sẻ

"Với vai trò là một đô thị lớn ở miền Bắc, Hải Phòng có nhiều khả năng phát triển tiếp nối trong chuỗi lịch sử phát triển tự nhiên một đô thị, dựa vào quỹ di sản đô thị, quỹ tài nguyên hình thái học đô thị để phát triển một cách có trình tự, trung chuyển, mềm mại giữa cái cũ và cái mới"...

Hải Phòng là một trong không nhiều đô thị ở nước ta giữ được một cách khá nguyên vẹn, đầy đủ tài nguyên di sản đô thị thời cận đại. Vì thế khu trung tâm thành phố Hải Phòng đủ tiềm năng để trở thành di sản đô thị đặc biệt, là quỹ tài nguyên lịch sử vật chất và phi vật chất, để Hải Phòng có thể phát huy giá trị của một đô thị di sản với những nét đặc sắc riêng có”- đó là nhận định của GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính, chuyên gia về di sản và trùng tu tại hội thảo khoa học “Phát huy giá trị đô thị di sản thời Pháp thuộc gắn với phát triển du lịch văn hóa, trường hợp nghiên cứu: khu phố Pháp tại Thành phố Hải Phòng” do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Phương Đông và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Phát huy giá trị đô thị di sản thời Pháp gắn với du lịch văn hóa tại Hải Phòng - Ảnh 1.

Nhà hát Thành phố Hải Phòng.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu: khu phố Pháp tại Hải Phòng đã “ngủ yên” trong rất nhiều năm. Và khi Hải Phòng “bừng tỉnh dậy”, khu phố Pháp trở thành đối tượng mà nhiều cá nhân, tổ chức hướng đến với những lợi ích đầu tư dự án. Tuy vậy, chính điều này đã và đang phá vỡ cấu trúc nguyên vẹn của khu phố này bằng cách xen cấy rất nhiều công trình cao tầng, ví dụ: khách sạn Hoàng Long, Central powers ,Hilton Hải Phòng… Nếu như không có những cảnh báo sớm sẽ mất đi tính toàn vẹn của một khu phố Pháp. Trong khi đó, Hải Phòng cũng là một minh chứng lớn, có giá trị tham khảo trong phát triển đô thị, có thể nhân rộng mô hình, cấu trúc của một khu phố bền vững ra các khu vực đô thị lân cận.

“Nếu chúng ta tiếp tục xen cấy, phá vỡ cấu trúc thì nó sẽ bị quá tải: quá tải về hạ tầng, không gian, vi khí hậu… Với một khu phố đã phát triển ổn định qua hơn 100 năm, chúng ta cần giữ gìn nó, để có được một đô thị đáng sống hơn, chất lượng sống tốt hơn”- TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân, Chủ nhiệm khoa Kiến trúc- Công trình, Trường Đại học Phương Đông, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nói.

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính, chuyên gia về di sản và trùng tu khẳng định: Với vai trò là một đô thị lớn ở miền Bắc, Hải Phòng có nhiều khả năng phát triển tiếp nối trong chuỗi lịch sử phát triển tự nhiên một đô thị, dựa vào quỹ di sản đô thị, quỹ tài nguyên hình thái học đô thị để phát triển một cách có trình tự, trung chuyển, mềm mại giữa cái cũ và cái mới. Còn Hà Nội, khả năng ấy mong manh hơn nhiều do đã bị “băm”, “chọc” bởi những tòa nhà cao tầng, không có nhiều cơ may phát triển đô thị theo hướng bền vững- hài hòa trong sự chuyển hóa mềm các không gian đô thị, có sự kế tục nhuần nhuyễn như một “cơ thể” tồn tại lâu đời trong lịch sử.

Do vậy, cần khảo sát đầy đủ để có cơ sở đánh giá khu phố Tây ở Hải Phòng là một di sản đô thị. “Di sản đô thị nếu chỉ đánh giá bằng điểm, bằng công trình thì chưa phải là di sản. Đô thị là cấu trúc mềm mà nếu chỉ gọi tên, phân loại công trình thì mới chỉ là đong đếm về mặt cơ học. Trong khi đó, giá trị di sản không thể đếm được mà phải nhận ra nó, cảm thấy nó”- GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính nói.

Theo đó, ứng xử với khu phố Tây tại Hải Phòng với tư cách là một quỹ tài nguyên di sản, trước hết cần đánh giá đầy đủ giá trị về niên đại, công năng, loại hình kiến trúc, giá trị tài nguyên di sản đô thị và hoạch định kế hoạch bảo tồn cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, hiện đại hóa, đặc biệt chú ý vấn đề chuyển hóa mềm không gian hạt nhân sang khu vực mới, sao cho hạt nhân cũ ấy vẫn tồn tại, không bị lu mờ. Vấn đề này được đặt ra khá cấp thiết khi chỉ còn vài năm nữa các công sở, cơ quan hành chính sẽ được chuyển sang vị trí mới tại bờ Bắc sông Cấm.

Với quan điểm “Bảo tồn đô thị lịch sử chính là xây dựng nồi cơm di sản cho tương lại”, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục đưa ra định hướng phát triển đối với khu phố Pháp tại Hải Phòng và phụ cận là trung tâm cấp thành phố, được khoanh vùng bảo vệ và duy trì cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan; bảo tồn kiến trúc di sản đô thị; thúc đẩy hoạt động văn hóa sáng tạo, nghệ thật, thương mại; kiểm soát công trình cao tầng và mật độ xây dựng ảnh hưởng đến cấu trúc di sản đô thị. Bà cũng đề nghị, khi các cơ quan hành chính chuyển sang khu vực mới, không nên vội đặt cho các công trình kiến trúc Pháp chức năng này, chức năng kia mà cần có quy chế bảo tồn nguyên vẹn quỹ kiến trúc này, sau đó là quy hoạch bảo tồn cẩn trọng; Tuyệt đối không chính trị hóa khu phố Pháp mà cần ứng xử với nó là một giá trị di sản, được công nhận là di tích.

Phát huy giá trị đô thị di sản thời Pháp gắn với du lịch văn hóa tại Hải Phòng - Ảnh 2.

Công viên Kim Đồng.

Phát huy giá trị đô thị di sản thời Pháp gắn với du lịch văn hóa tại Hải Phòng - Ảnh 3.

Ga Hải Phòng.

Việc hình thành các sản phẩm du lịch, văn hóa tại khu phố di sản thời Pháp thuộc tại Hải Phòng, cần làm rõ tài nguyên di sản đô thị ấy có giá trị đặc biệt gì về phương diện du lịch, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách. Di sản kiến trúc phố Tây Hải Phòng khác biệt so với Hà Nội. Nếu như Hà Nội không có những quần thể kiến trúc nhưng vẫn tạo ra những cụm, nhóm công trình tiêu biểu, có sức hút về phương diện kiến trúc, thẩm mỹ. Còn tại Hải Phòng, các công trình kiến trúc có giá trị là điểm đặt trong khu phố. Do vậy, để khai thác du lịch, cần tạo dựng những khu phố nối kết, đời sống phố, tạo bầu không khí, không gian cho du lịch.

TS Đặng Thị Phương Anh, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý: cần có những nghiên cứu tiếp cận thị trường, tính hấp dẫn của tài nguyên du lịch cũng như nhu cầu khách tham quan khi xây dựng các sản phẩm du lịch tại Hải Phòng. “Nếu như chúng ta lấy giá trị khu phố Pháp trở thành điểm nhấn, tạo sức hút trong du lịch thì chúng ta nên có những sản phẩm mang tính kết nối, có thể giữa Hà Nội và Hải Phòng. Đó là sự kết nối liên tỉnh, liên ngành”.

Di sản đô thị thời Pháp thuộc ở Hải Phòng cần được nhìn nhận bằng tư duy nhân văn. Tài nguyên di sản đô thị không chỉ là những viên gạch, những ngôi nhà mà là không gian bao chứa và dung dưỡng cuộc sống đô thị. Nói như TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu thì: “sức sống lâu bền của một đô thị nằm trong kí ức của những thế hệ dân cư. Di sản đô thị không thể và không chỉ tồn tại trong hồ sơ kiểm đếm để quản lý, mà cần được hiện diện rất giản dị trong những câu chuyện của cư dân đô thị về những con sông, cây cầu, ngôi chợ cũ, tên nhà hát, tên vườn hoa, một hiệu kem, một gánh phở… Những tên phố, tên đường dù cũ hay đã đổi thay, dù còn hay mất- cũng đều là một phần của kí ức”.

Chia sẻ