Phát hiện nhiều người nhiễm biến thể lai Deltacron ở Mỹ và châu Âu
Các nhà nghiên cứu cho biết đã phát hiện ít nhất 17 bệnh nhân ở Mỹ và châu Âu nhiễm biến thể lai giữa Delta và Omicron - còn gọi là Deltacron.
Philippe Colson (Marseille, Pháp) - tác giả chính của một nghiên cứu được đăng tải trên medRxiv cho biết “vì có quá ít trường hợp nhiễm Deltacron được ghi nhận nên hiện còn quá sớm để xác định liệu biến thể Deltacron có lây lan nhanh hơn hay gây bệnh nặng hơn hay không”.
Nhóm của Colson trước đó đã phát hiện 3 bệnh nhân ở Pháp nhiễm một phiên bản SARS-CoV-2 “có protein gai của Omicron gắn trên “cơ thể” Delta”.
Ngoài Pháp, 2 ca nhiễm Deltacron đã được phát hiện ở Mỹ. Cùng lúc đó, một số nhóm nghiên cứu khác cũng phát hiện thêm 12 trường hợp nhiễm Deltacron ở châu Âu từ tháng 1, tất cả đều có đặc điểm “gai Omicron gắn trên Delta”.
Sự tái tổ hợp di truyền của virus SARS-CoV-2 xảy ra khi 2 biến thể cùng lúc xâm nhập một tế bào chủ. “Trong đại dịch COVID-19, từng xảy ra trường hợp 2 hoặc nhiều biến thể cùng nhau lưu hành trong một khoảng thời gian và ở cùng một khu vực địa lý. Điều này tạo cơ hội cho sự tái tổ hợp giữa các biến thể này”, Colson cho biết, và nói thêm rằng nhóm của ông đã phát triển một loại xét nghiệm PCR “có thể giúp nhanh chóng phát hiện các mẫu dương tính với biến thể này”.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 9/3, bà Maria Van Kerkhove - trưởng nhóm chuyên gia về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ở những nơi đã xuất hiện Deltacron, biến thể này cũng rất hiếm gặp. “Hiện chúng tôi chưa nhận thấy bất cứ sự thay đổi nào về mức độ nghiêm trọng của biến thể Deltacron, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu", bà Van Kerkhove nói.
Ngày 11/2, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) đã đưa biến thể lai giữa Omicron và Delta (Deltacron) vào danh sách biến thể cần theo dõi sau khi phát hiện ít nhất một bệnh nhân nhiễm chủng virus này.
Hồi tháng 1, chuyên gia dịch tễ học Leondios Kostrikis (CH Síp) cho biết ông đã xác định được Deltacron, nhưng phát hiện này bị nhiều chuyên gia bác bỏ vì cho rằng đây là kết quả của sơ suất trong phòng thí nghiệm.
Cả Delta và Omicron đều đã được chứng minh là rất dễ lây lan, nhưng hiện chưa rõ biến thể lai có tăng khả năng lây truyền hoặc tăng nguy cơ gây bệnh nặng hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn với MailOnline, Giáo sư Paul Hunter, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học East Anglia, cho biết biến thể Deltacron không gây quá nhiều lo ngại.
"Vì hiện tại cả Delta và hầu hết các phiên bản của Omicron... đều đang suy yếu nhanh chóng, và Delta gần như tuyệt chủng ở Anh", Giáo sư Hunter nói. “Deltacron có các đặc điểm của cả Delta và Omicron, và chúng tôi đã có mức độ miễn dịch cao với 2 biến thể này."
Theo Reuters, USA Today