Lạm dụng kit test nhanh COVID-19: Lợi bất cập hại

Hải Yến,
Chia sẻ

Tâm lý lo lắng khi số ca mắc COVID-19 tăng cao đã khiến cho không ít người tìm mua, tích trữ các loại kit test nhanh để sử dụng thường xuyên.

Lạm dụng kit test nhanh COVID-19: Lợi bất cập hại - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Đều đặn hàng ngày, cứ về đến nhà thì việc đầu tiên chị Vũ Hải Yến (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm là tự test nhanh COVID-19. Công việc tiếp xúc quá nhiều khách hàng khiến chị không khỏi lo lắng cho gia đình nhỏ của mình, đặc biệt là trẻ em trong nhà.

Chị Yến chia sẻ: "Ngày nào khi trở về nhà, tôi cũng đều test để bảo vệ sức khỏe cho gia đình. Khi chồng tôi ra ngoài mà gặp những người có nguy cơ, thì tôi sẽ thực hiện test cho cả nhà, cho cả 2 cháu luôn".

Không chỉ những gia đình có con nhỏ như chị Yến, tâm lý xung quanh mình quá nhiều F0 cũng khiến nhiều người khác dễ hoang mang và sử dụng test nhanh thường xuyên.

Anh Nguyễn Minh Hùng (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Công ty tôi tỷ lệ nhiễm COVID-19 tương đối cao, ở nhà, bố mẹ cao tuổi, lại có bệnh nền nữa, mặc dù biết việc test này khá lãng phí nhưng tôi vẫn lo...".

Chính bởi tâm lý lo lắng và "hiệu ứng đám đông" ai ai cũng tích trữ đã đẩy giá các mặt hàng kit test lên cao và khiến chúng trở nên khan hiếm.

Theo các chuyên gia, người dân cần hiểu đúng về thời điểm sử dụng kit test nhanh và đặc thù kết quả của test nhanh khi xét nghiệm ở từng giai đoạn bệnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: "Test kháng nguyên nhanh nó chỉ có tính chính xác cao khi bạn đang có những triệu chứng ví dụ sốt, khi nồng độ virus ở họng thải ra cao nhất, nhiễm sau từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7".

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Chúng ta đang hơi lạm dụng test nhanh, có những gia đình mua về tích trữ là hoàn toàn sai lầm. Đặc biệt, có những gia đình xét nghiệm cho nhau hằng ngày xem mắc COVID-19 chưa, điều này không chỉ sai lầm mà còn gây lãng phí. Khi có những biểu hiện triệu chứng của bệnh thì chúng ta mới nên test, hoặc trong nhà phát hiện người dương tính thì mới test để sàng lọc. Với người có xét nghiệm dương tính thì cần tuân thủ theo hướng dẫn ngành y tế là ngày thứ 5, thứ 7 mới làm test lại".

Không phủ nhận những công dụng của kit test nhanh trong việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh nhưng việc sử dụng đúng thời điểm, đúng đối tượng, đúng triệu chứng mới có thể phát huy công dụng này.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng kit test cũng ảnh hưởng đến hiệu quả chung của công tác phòng chống dịch. Khi kit test trở nên khan hiếm, không ít nơi thực sự cần xét nghiệm nhanh thì lại không có đủ để mà dùng.

Ngoài ra, đặc thù dễ cho kết quả âm tính giả vốn khá phổ biến ở kit test nhanh còn có thể dẫn tới tâm lý chủ quan, không áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khiến dịch càng dễ lây lan hơn trong cộng đồng.

Chia sẻ