Phát hiện ca phẫu thuật mổ sọ kỳ lạ cách đây 2.700 năm, trước cả thời danh y Hoa Đà

Minh Hằng,
Chia sẻ

Danh y Hoa Đà hiến kế “mổ sọ” cho Tào Tháo để chữa bệnh đau đầu cho Tào Tháo hóa ra là có thật. Kỳ thực ca phẫu thuật có độ nguy hiểm cao này được thực hiện cách ngày nay khoảng 2.700 năm.

Hoa Đà (145 - 208), biểu tự Nguyên Hóa, là thầy thuốc nổi tiếng vào cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam Quốc. Ông được xưng tụng là 4 vị đại danh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Hoa Đà còn được cho là đã biết áp dụng kỹ thuật gây mê bằng cách dùng hỗn hợp gồm rượu và thảo dược, được gọi là Ma phí tán. Điều đáng kinh ngạc là 1.600 năm sau, người phương Tây mới biết dùng kỹ thuật này trong phẫu thuật.

Phát hiện ca phẫu thuật mổ sọ kỳ lạ cách đây 2.700 năm, trước cả thời danh y Hoa Đà - Ảnh 1.

Hoa Đà được coi là một trong những đại danh y nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ảnh minh họa

Lúc sinh thời, một trong những bệnh nhân nổi tiếng nhất của Hoa Đà chính là Tào Tháo. Theo đó, Tào Tháo mắc bệnh đau đầu trong nhiều năm nên sai người triệu Hoa Đà đến để chữa trị. Vì thuốc của Hoa Đà hiệu nghiệm nên ông được giữ lại dưới trướng của Tào Tháo một thời gian. Nhờ được Hoa Đà châm cứu nên bệnh đau đầu của Tào Tháo cũng đỡ đi nhiều. Thế nhưng, căn bệnh này lại không chữa được tận gốc.

Phát hiện ca phẫu thuật mổ sọ kỳ lạ cách đây 2.700 năm, trước cả thời danh y Hoa Đà - Ảnh 2.

Hoa Đà hiến kế "mổ sọ" cho Tào Tháo để trị tận gốc căn bệnh đau đầu kinh niên. Tuy nhiên, Tào Tháo không nghe theo và đã bắt giam, giết chết vị danh y này. Ảnh minh họa

Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Hoa Đà đã hiến kế mổ sọ để cạo chất độc nhưng Tào Tháo nghi vị "thần y" này muốn giết mình nên đã tống ông vào ngục và giết chết.

Đến khi con trai yêu của Tào Tháo là Tào Xung qua đời sớm vì bệnh năm 208, Tào Tháo hối hận vì đã giết chết Hoa Đà, hậu quả là hại con cũng chết theo.

Đến năm 220, Tào Tháo lại tái phát bệnh đau đầu và không có ai chữa được. Cuối cùng, vị quân chủ của Tào Ngụy đã qua đời ở tuổi 66.

Vậy, trước Hoa Đà, có ai từng thực hiện ca phẫu thuật mổ sọ chưa?

Câu trả lời là có. Ca phẫu thuật có khả năng rủi ro cao này đã được thực hiện cách ngày nay khoảng 2.700 năm, tức là trước cả khi Hoa Đà đưa ra đề nghị chữa bệnh cho Tào Tháo rất nhiều năm.

Phát hiện ca phẫu thuật mổ sọ cách đây 2.700 năm

Phát hiện ca phẫu thuật mổ sọ kỳ lạ cách đây 2.700 năm, trước cả thời danh y Hoa Đà - Ảnh 3.

Các nhà khoa học bất ngờ vì phát hiện hộp sọ có dấu vết "mổ sọ" cách đây 2.700 năm. Ảnh: Interestingengineering

Các nhà khoa học vô cùng ngạc nghiên khi phát hiện hộp sọ ở Tân Cương (Trung Quốc) vẫn còn nguyên vẹn sau hàng nghìn năm có dấu hiệu phục hồi từ ca phẫu thuật phức tạp. Ca phẫu thuật này được thực hiện vào cuối thời Đồ Đồng.

Cụ thể, các nhà khoa học đến từ ĐH Texas A&M mới đây công bố rằng, họ khai quật được bằng chứng về một ca phẫu thuật não phức tạp ở Tân Cương (Trung Quốc). Hộp sọ này có các dấu vết của quá trình phẫu thuật, bao gồm khoan mở lỗ ở sọ. Ca phẫu thuật cách đây 2.700 năm được thực hiện để điều trị vết thương ở đầu của bệnh nhân.

Nhóm các chuyên gia nghiên cứu suy đoán rằng, người thực hiện ca phẫu thuật này có thể là một pháp sư. Bằng chứng từ hộp sọ chỉ ra bệnh nhân đã sống khoảng 8 tuần sau ca mổ nguy hiểm.

Phát hiện ca phẫu thuật mổ sọ kỳ lạ cách đây 2.700 năm, trước cả thời danh y Hoa Đà - Ảnh 4.

Ca phẫu thuật phức tạp này được pháp sư cuối thời Đồ Đồng thực hiện. Ảnh: ĐH Texas A&M

Các chuyên gia cho biết, hộp sọ này được tìm thấy trong một nghĩa trang cổ ở Tân Cương (Trung Quốc), nơi có các pháp sư phổ biến vào cuối thời Đồ Đồng (năm 800 TCN - 750 TCN). Hộp sọ thuộc về một người đàn ông trong độ tuổi từ 30 - 35.

Sau khi tiến hành nghiên cứu và tìm hiểu về các vết thương khác thường và quá trình phẫu thuật trên hộp sọ của người đàn ông sống cách đây 2.700 năm, nhóm nghiên cứu xác định ca mổ được tiến hành cho nhiều mục đích. Theo đó, ca phẫu thuật để giúp điều trị thương tích ở đầu, đồng thời giảm bớt áp lực nội sọ hoặc xử lý về một số hội chứng.

Kết quả kiểm tra và nghiên cứu tiết lộ, bệnh nhân nam này bị thương tích do vật tác động mạnh ở bên trái đầu. Người pháp sư đã thực hiện phẫu thuật não, bao gồm tiến hành khoan sọ, tạo nắp xuống để giúp điều trị ổ tụ máu. Đây chính là tình trạng máu bị tràn ra ngoài mạch máu, từ đó tạo thành một cục máu đông...

Điều đáng kinh ngạc là vị trí phẫu thuật có dấu hiệu phục hồi. Điều này cho thấy bệnh nhân này đã sống sót ít nhất khoảng 8 tuần sau ca mổ nguy hiểm. Ca phẫu thuật mổ sọ phức tạp này cho thấy năng lực của pháp sư thời cổ đại.

Phát hiện bất ngờ này không chỉ cung cấp bằng chứng khảo cổ quan trọng về phẫu thuật thần kinh phức tạp mà còn làm sáng tỏ cách tiếp cận y học của các pháp sư thời cổ đại, nhất là cuối thời Đồ Đồng.

Phát hiện này được công bố trên tạp chí Archaeological and Anthropological Sciences.

Nguồn: Interesting Engineering, Baidu, Springer

Chia sẻ