Phát hiện 3 cơ sở sản xuất kinh doanh ô mai, thịt bò khô không rõ nguồn gốc
Ngày 22-12, Đội Quản lý thị trường số 24, Cục QLTT Hà Nội cho biết, đơn vị đã phối hợp với CAH Hoài Đức kiểm tra và phát hiện 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc...
Hơn 2 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc bị thu giữ
Trước đó, thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm, Đội QLTT số 24, Hà Nội phối hợp với BCĐ 389 huyện Hoài Đức tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, phát hiện hơn 2 tấn thành phẩm và nguyên liệu sản xuất các loại thực phẩm như ô mai, mứt hoa quả, thịt bò khô... không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm ô mai có dấu hiệu giả thương hiệu
Qua kiểm tra 3 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm là Tuấn Quỳnh, Hưng Lộc Phát và gia đình ông Nguyễn Hữu Hoàng tại thôn Đội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, lực lượng chức năng phát hiện gần 4.000 sản phẩm thực phẩm đóng gói các loại như ô mai, hạt hạnh nhân, bim bim, mứt hoa quả, thịt bò khô các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
2.500 hộp ô mai thành phẩm có thương hiệu Ô mai Phố Cổ nghi làm giả
Đáng chú ý, tại cơ sở Tuấn Quỳnh do bà Phạm Thị Lan làm chủ, cơ quan chức năng phát hiện hơn 2.500 hộp ô mai mang thương hiệu Ô mai Phố Cổ đã được bảo hộ, có địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng, nhiều bao tải dứa chứa ô mai các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ cùng hàng nghìn bao bì, hộp đựng và các loại công cụ đóng gói.
Các loại mứt, bò khô, hạnh nhân bên ngoài bao bì có in chữ Trung Quốc
Chủ cơ sở trình bày, do thấy thương hiệu ô mai Phố Cổ bán chạy nên đã đặt làm giả nhãn mác sản phẩm, sau đó thu mua ô mai trôi nổi trên thị trường đóng gói vào hộp và mang bán ra thị trường cả nước để kiếm lời.
Ô mai được đựng trong các bao tải dứa
Căn cứ hành vi vi phạm sản xuất hàng giả là lương thực - thực phẩm, cơ quan QLTT đã chuyển vụ việc này cho CAH Hoài Đức tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.