Phan Ý Ly: Lạt mềm buộc chặt!
"Ba tôi nói câu này khi tôi 14 tuổi, rằng chả cần phải nịnh nọt chiều chuộng hay chăm sóc sắc đẹp gì hết, con cứ đối xử với người yêu như với một con người là người ta đã hạnh phúc rồi."
Phan Ý Ly, chuyên gia phát triển cộng đồng
Phan Ý Ly không phải là một “người lạ” với báo giới và những người làm nghệ thuật: Giám đốc Trung tâm Sáng tạo & Phát triển cộng đồng Life Art, đạo diễn kiêm diễn viên của vỡ diễn “Người lạ”, một người đàn bà quyến rũ với vũ điệu sasla bốc lửa, một người mẹ trẻ hiện đại...
Vào một ngày đẹp trời năm 32 tuổi, người đàn bà mạnh mẽ, có phần hoang dã và nổi loạn này thỏ thẻ một status trên facebook: “Bây giờ mình mới hiểu “lạt mềm buộc chặt”, điều mà bà đã dạy mình từ hồi.... 8 tuổi.” Phan Ý Ly cũng thú nhận, ở ngoài tuổi 30, mới thấm những lời ba dạy về tình yêu lúc 14 tuổi.
Sức mạnh từ sự yếu mềm
Có vẻ như đó là cả một hành trình dài để một người phụ nữ 32 tuổi, đã đi khắp đó đây, đã trải nghiệm nhiều mối quan hệ - một ngày nhận ra sức mạnh của “lạt mềm”?
Đúng vậy. Trước đây, nếu đi chơi với đàn ông đến một quán nước, tôi sẽ chủ động sắp xếp bàn ghế để anh ta thấy thoải mái. Tôi cũng không bao giờ để người đàn ông nào xách đồ giúp vì tôi có thể tự làm được.
Đi đâu, làm gì, như thế nào.. tôi luôn chủ động trong kế hoạch và trình bày rõ ràng, nếu người đàn ông muốn tôi theo ý anh ta, anh cần phải thuyết phục tôi với lập luận sắc bén.
Tương tự, trong mối quan hệ, nếu có điều gì làm tôi phân vân, tôi sẽ phải làm cho rõ đến cùng mới thôi, không chấp nhận những gì nửa vời hoặc không thuyết phục.
Trước đây tôi coi những cô gái yếu mềm là những cô kém cỏi, không có năng lực hoặc sự tự tin cần thiết, tôi cũng không ưa sự uỷ mị dịu dàng và cho rằng đó là mồi nhử đàn ông ngu ngốc hay tự ti. Những chàng trai thông minh và có năng lực sẽ “đỡ” được những cô gái mạnh mẽ, tôi nghĩ vậy.
Vậy trải nghiệm nào đã giúp chị thay đổi cách nhìn của mình về đàn bà yếu mềm?
Khó để có thể nói riêng một trải nghiệm nào khiến tôi nhận ra sức mạnh của “lạt mềm”. Có lẽ mong muốn được làm người đàn ông của mình hạnh phúc, một vài khoảnh khắc bất lực, buông xuôi, một chút thử nghiệm, đôi ba lần trao đổi với những người bạn cả đàn ông lẫn đàn bà... dần dần tôi nhận ra sự cứng đầu và chủ động kiểm soát tuyệt đối mọi thứ của mình được xã hội tôn vinh nhưng những người đàn bà khác lại cho là “dại”.
Chị từng nhắc đến cuốn sách của triết gia Ấn Độ về nghệ thuật làm tình như nguồn cảm hứng của vở diễn Người lạ. Cuốn sách này nói với chị điều gì về sức mạnh của sự yếu mềm mà chúng ta đang thảo luận?
Đó là cuốn sách tôi tìm thấy khi đi Ấn Độ năm 2011. Cuốn sách này của triết gia viết cách đây cả ngàn năm, dạy các kỹ nữ cách quyến rũ và vứt bỏ người đàn ông/ khách hàng của mình.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất về cuốn sách chính là tư tưởng “Phụ nữ cái gì cũng phải biết” nhưng lại “không thể hiện mình biết nhiều”. Tôi bị ngợp khi đọc 4 trang sách liệt kê những thứ phụ nữ hấp dẫn cần biết, nào toán lý hoá, đông tây y, khoa học kỹ thuật, điều chế nước hoa, thêu thùa may vá, chính trị, thể thao.. cái gì cũng phải biết, khác hẳn với những gì tôi từng được nghe từ mọi người trước đây là “học ít thôi kẻo không lấy được chồng”.
Tuy nhiên trang tiếp theo của quyển sách lại dạy rằng đừng có thể hiện hết những điều mình biết, hãy quan tâm tới điều anh ta đang nói với mình...
Tôi đọc và bàng hoàng nhận ra cuốn sách dạy các cô kỹ nữ cả 2 giá trị mà tôi tưởng chừng như không thể tồn tại song song: Sự độc lập mạnh mẽ từ bên trong và khả năng thể hiện sự yếu mềm ở bên ngoài.
Dần dần, cùng với những điều tôi trải nghiệm từ vỡ diễn cũng như các mối quan hệ của chính mình, tôi đã xem xét lại các quan niệm của mình và rút ra nhiều bài học quý.
Những bài học quý về “lạt mềm buộc chặt”, đó là?
Thứ nhất, người phụ nữ khôn ngoan không phải là người phải luôn tỏ ra mình thắng, mình đúng. Người khôn ngoan nói chung (không chỉ là phụ nữ) biết trí khôn của mình, biết cái “dại”, cái “yếu” của đối phương, nhưng không cứ phải nói toạc nó ra mà biết cách dung hoà và làm cho mọi thứ được nhẹ nhàng. Đây là một cách hiểu của “lạt mềm”.
Thứ hai, “lạt mềm” cũng có nghĩa là sự uyển chuyển, mềm dẻo trong cách cảm thụ, nhìn nhận, giải quyết vấn đề. Có nhiều sự việc chưa thể tròn vành rõ chữ được vì chưa đủ các yếu tố thiên thời địa lợi nhân hoà, nếu cứ khăng khăng một mất một còn ngay và luôn thì dễ hỏng chuyện.
Có những cái mình cho là nếu ngược lại với chân lý của mình thì chắc chắn sai, tư duy phân biệt như vậy cũng tự dồn mình và mọi người vào đường cùng. Sự uyển chuyển là mình biết cái mình muốn và cái lý lẽ của mình, nhưng mình cũng cởi mở với những lý lẽ khác, nếu chưa hiểu chưa thấy hợp lý thì cũng khoan vội kết luận là sai mà để đó chờ thời gian rồi mình sẽ hiểu.
Từ sự thay đổi trong quan niệm “đúng-sai” mà cách hành xử tự nhiên nó cũng nhẹ nhàng hơn, kiên nhẫn hơn, không phản ứng gay gắt trước những gì mình không thấy giống mình. Sự kiên nhẫn và chấp nhận đó hoàn toàn không phải vì mình ngu dốt, mà là vì mình sẵn sàng để được hiểu biết.
Làm sao để quyến rũ tuyệt đối một người đàn ông?
Khi công chiếu vở diễn Người lạ với chủ đề xoay quanh mối quan hệ đàn ông, đàn bà, Phan Ý Ly từng thú nhận chị luôn đau đáu và ám ảnh với câu hỏi: Làm thế nào người đàn bà quyến rũ tuyệt đối một người đàn ông?!
Ấp ủ một chủ đề cho vở diễn suốt 2 năm trời, lại trải qua nhiều mối quan hệ tình cảm với đàn ông phương Tây lẫn đàn ông Việt, quan điểm về đàn ông, đàn bà của chị đã thay đổi như thế nào?
2 chủ đề quá rộng. Thôi túm gọn lại, đàn ông và đàn bà thực ra cũng không vượt được khỏi những khái niệm về cái tôi ảo và cái tôi chân thực của mình. Tuy khác nhau mà đều là con người cả thôi, có sự tổn thương, có tính sỹ diện, có cơ chế phòng vệ... Đến giờ tôi lại thấy lời dạy của ba tôi rất đúng: “Hãy đối xử với bạn đời như đối xử với một con người”.
Ba tôi nói câu này khi tôi mười bốn tuổi, ba bảo chả cần phải nịnh nọt chiều chuộng hay chăm sóc sắc đẹp gì hết, con cứ đối xử với người yêu như với một con người là người ta đã hạnh phúc rồi. Lúc đó tôi còn chưa hiểu gì nhiều.
Nhưng giờ tôi nghiệm thấy đối xử với người yêu mình như một con người là khó nhất: không sở hữu, không đặt điều kiện, không cưỡng ép, không kiểm soát.., tôn trọng tự do cá nhân, tôn trọng cảm xúc, rung động, mong muốn của người ta... như là quyền tất yếu của một con người, chứ không phải như một nô lệ.
Có vẻ như cách nhìn mới này khiến quan niệm về tình yêu của chị cũng thay đổi?
Đúng vậy. Trước đây tôi nghĩ tình yêu là thứ gì đó tư hữu lắm, chỉ được phép xảy ra giữa hai người nào đó, tình yêu đồng nghĩa với việc đòi hỏi được đáp đền tương xứng. Còn bây giờ, tôi cảm nhận và hiểu hơn về tình yêu là sự yêu thương vô điều kiện. Sự yêu thương này không dành riêng cho một cá nhân nào và cũng không phải là công cụ để sở hữu riêng ai. Cứ có tình yêu là có sự thanh bình, tình cảm đẹp đẽ, năng lượng tích cực, bao dung, và muốn san sẻ.
Trước đây tôi hay nghe người ta nói “Yêu là khổ”, giờ tôi hiểu “Yêu là bình an”, “Sở hữu, ghen tuông, trừng phạt.. là khổ”.
Nói chung những gì trước đây tôi cho rằng đó chính là yêu, thì bây giờ tôi hiểu rằng đó là cái bản ngã của mình đang đòi hỏi và làm mờ đi sự yêu thương bên trong mình. Những gì trước đây tôi cho rằng là “minh chứng của tình yêu” như sự ghen tuông hờn giận chẳng hạn, thì bây giờ tôi nhận ra đó chỉ là minh chứng của “cái tôi” rất lớn thôi, còn tình yêu đang bị dẹp sang một bên.
Trên facebook chị thường chia sẻ về việc thực hành thiền. Thiền đã ảnh hưởng đến con người đàn bà trong chị và tình yêu của chị cho đàn ông, cho những người xung quanh... như thế nào?
Thiền giúp tôi ý thức về những gì ở đây và bây giờ thay vì suy diễn hay lo sợ, tính toán. Khi đầu óc được đơn giản và thanh bình như vậy, người đàn bà trong tôi bớt suy nghĩ phức tạp đi, trở nên dễ yêu, dễ chấp nhận, ngây thơ và dại khờ hơn.
Và khi như vậy tôi cũng thấy đàn ông đáng yêu và đơn giản hơn chứ không... nham hiểm như mình từng được các bà các chị dạy.
Trong mối quan hệ với một người đàn ông, một người phụ nữ bớt tọc mạch, bớt suy diễn, bớt những câu hỏi vặn vẹo thăm dò, bớt lo xa, bớt giận hờn vu vơ .. là đã thấy dễ yêu rồi. Tôi nghĩ những người xung quanh tôi cảm nhận được năng lượng tích cực từ tôi nhiều hơn vì tôi kiên nhẫn hơn với mọi thứ và không dễ để bị cuốn theo những dòng suy nghĩ tiêu cực.
Rốt cuộc, làm thế nào đàn bà quyến rũ tuyệt đối được một người đàn ông? Sau thời gian dài ám ảnh, tìm tòi và thử nghiệm chủ đề này, câu trả lời của chị là gì?
Người đàn bà quyến rũ - quan niệm này của tôi chưa thay đổi mà vẫn vậy: cô ta tự tin và độc lập. Một người đàn bà đủ tự tin còn có thể uyển chuyển và mềm dẻo mà không sợ mất đi cá tính của mình.