Phản ứng của "đấng mày râu" khi có quy định có thể "ủy quyền" cho vợ nhận lương!

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Những ngày qua, thông tin về việc "tiền lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản của vợ" thu hút được sự quan tâm của các chị em. Vậy những người trong cuộc có ý kiến như thế nào về quy định mới này và các chị em đã hiểu đúng bản chất của quy định này hay chưa?

Theo quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có thể chuyển lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Như vậy, nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì có thể ủy quyền cho cha mẹ, vợ chồng, con... để nhận lương thay. Đây là một trong những điểm mới về nguyên tắc trả lương và hình thức trả lương cho người lao động tại Bộ Luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội khóa XIV vừa chính thức thông qua, thay thế cho Bộ Luật Lao động 2012 hiện nay. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Ý kiến từ những người trong cuộc

Khoản 1 Điều 94 Bộ luật lao động 2019 quy định, “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.

Như vậy, theo quy định nêu trên, vợ có thể là người được ủy quyền hợp pháp để nhận lương của chồng. Và tiền lương của chồng có thể được chuyển thẳng vào tài khoản vợ.

Quy định này đưa ra nhằm đảm bảo quyền lợi trả lương của người lao động. Vậy những người trong cuộc có ý kiến như thế nào về quy định mới này!

Anh H. trú tại quận Bình Thạnh, TP. HCM không đồng ý với quy định này. Theo anh, vậy tại sao không phải là lương vợ chuyển vào tài khoản chồng. Hơn nữa anh cho rằng, việc chuyển hết tiền lương cho vợ cũng gây ra những khó khăn trong việc chi tiêu của người chuyển lương.

"Đàn ông mà, chẳng lẽ sáng nào cũng xin tiền vợ. Hơn nữa, mình là đàn ông cũng phải chi tiêu. Nhiều lúc muốn mua gì cho con cái cũng phải xin tiền vợ", anh H. chia sẻ. 

CLIP: Đấng mày râu phản ứng thế nào nếu ủy quyền cho vợ nhận lương.

Đồng ý với ý kiến của anh H., cô H., quận Bình Thạnh cho rằng, quy định này khó có thể thực hiện được ở các cặp vợ chồng trẻ hiện nay.

"Giới trẻ bây giờ không như thời chúng tôi hồi trước, lương của vợ vợ giữ, lương của chồng chồng giữ, chồng đóng góp bao nhiêu, vợ đóng góp bấy nhiêu". 

Trái ngược với anh H, anh T. trú tại quận 4, TP. HCM cho biết, quy định này có điểm hợp lý nhưng vẫn có một số bất tiện trong việc chi tiêu của người chồng. 

"Mỗi lần chi tiêu, mình phải rút ra, rút vào có hơi bất tiện. Còn việc tiền lương của chồng được chuyển vào tài khoản của vợ cũng không có vấn đề gì".

Cũng đồng ý với ý kiến trên, anh K. trú tại huyện Hóc Môn, TP. HCM cho rằng, quy định này hợp lý, "Nếu mình tin tưởng vợ, thì đưa tiền vợ giữ tốt hơn, tại vì đàn ông hay tiêu xài, dễ mất kiểm soát". 

Phản ứng của "đấng mày râu" khi có quy định có thể "ủy quyền" cho vợ nhận lương! - Ảnh 2.

Một số đồng ý với quy định và cho rằng đây là quy định hợp lý. Ảnh cắt từ clip.

Vậy chị em có ý kiến như thế nào về quy định này!

Một số chị em cho rằng, quy định này cũng không ảnh hưởng nhiều, vì quy định này không bắt buộc, người chồng có quyền lựa chọn chứ không phải bắt buộc. 

Chị T., trú tại Bình Dương cho rằng, "Nếu người đàn ông tin tưởng vợ, người ta sẵn sàng chuyển lương cho vợ và quy định này cũng không bắt buộc nên người chồng có thể lựa chọn".

Một số chị em ủng hộ và đồng ý với quy định này. Họ cho rằng, không phải người đàn ông nào cũng biết chi tiêu hợp lý, việc chuyển lương cho vợ còn là cách để người vợ có thể kiểm soát chi tiêu của người chồng một cách hợp lý hơn. Mặt khác, việc người chồng thường không phải quan tâm nhiều đến các khoản chi tiêu trong gia đình như tiền học con cái, tiền chăm lo gia đình bên nội, ngoại nên sẽ không biết chi tiêu hợp lý như các chị em.

Phản ứng của "đấng mày râu" khi có quy định có thể "ủy quyền" cho vợ nhận lương! - Ảnh 3.

Các chị em cho rằng đây là điều hợp lý và không bắt buộc nên không ảnh hưởng nhiều. Ảnh cắt từ clip.

Chị T, quận Bình Thạnh, TP. HCM cho rằng, "Việc lương chồng chuyển cho vợ mình sẽ kiểm soát được mọi thứ tốt hơn. Nhưng không phải không chia cho chồng mà sẽ chia cho chồng một khoản hợp lý để tiêu". 

Như vậy, những người trong cuộc đã có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nhưng chung quy lại, những người đã có gia đình sẽ nhìn nhận quy định này như một phương án để xây dựng gia đình tốt hơn. 

Các chị em đã hiểu đúng về bản chất của quy định này?

Ngay sau khi quy định này được ban hành, không ít các trang mạng xã hội đưa ra thông tin gây hiểu lầm cho không ít người. Vậy quy định này phải hiểu như thế nào cho đúng?

Khoản 1 Điều 94 Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), cụ thể: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.

Sau đây là cách hiểu đúng về quy định nêu trên:

Thứ nhất, người lao động không thể nhận lương trực tiếp, có nghĩa là chỉ khi nào người lao động không thể nhận lương trực tiếp, như là bị bệnh, nằm viện… không thể đến công ty nhận lương được mà phải cần người nhận thay thì mới được ủy quyền (đây là điều kiện cần).

Nếu chồng khỏe mạnh, đủ khả năng để đến công ty nhận lương, nhưng vợ khuyên chồng không đến công ty nhận lương mà ủy quyền cho vợ, yêu cầu công ty chuyển tiền lương của chồng qua tài khoản của mình thì không thỏa điều kiện cần này.

Phản ứng của "đấng mày râu" khi có quy định có thể "ủy quyền" cho vợ nhận lương! - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp, có nghĩa là cho dù đáp ứng điều kiện cần nêu trên nhưng người sử dụng lao động từ chối trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp thì cũng không được nhận lương thay; vì luật quy định là có thể chứ không quy định bắt buộc; chỉ khi nào người sử dụng lao động đồng ý trả lương cho người nhận thay theo ủy quyền thì mới được nhận thay (đây là điều kiện đủ).

Thực tế, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi chính đáng của người lao động, tránh bị kẻ gian lừa đảo thì nhiều công ty không cho người khác nhận thay tiền lương của người lao động; nếu người lao động bị bệnh không thể đến công ty nhận lương thì công ty cử người đến phát lương tận tay người lao động. Trong trường hợp này, các công ty từ chối trả lương cho người nhận thay là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật.

Vậy có phải đến 01/01/2021, thì người được người lao động ủy quyền hợp pháp mới được nhận lương thay người lao động hay không? Câu trả lời là: Không phải vậy. Thông tin “Từ 2021, lương của chồng có thể chuyển về tài khoản vợ” chỉ là sự hiểu nhầm.

Bởi lẽ, ở thời điểm hiện tại, nếu người lao động không thể đến công ty nhận lương trực tiếp và công ty đồng ý để người được người lao động ủy quyền nhận lương thay thì công ty vẫn chuyển lương cho người nhận thay một cách bình thường mà không phải đợi đến năm 2021 mới thực hiện được. Đồng thời hợp đồng ủy quyền được lập dựa trên quy định tại Mục 13 Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015. 


Chia sẻ