Phản ứng bất ngờ của chồng khi nàng dâu cự cãi vì mẹ chồng có đến 2 lần muốn "hỏi vay" bằng hết số vàng hồi môn
Đến bao giờ những người làm bố mẹ chồng mới thôi “nhòm ngó” đến vàng hồi môn của con dâu đây?
Mỗi nàng dâu khi về nhà chồng đều ít nhiều được bố mẹ để cho chút vàng làm vốn. Nói là làm vốn nhưng thực ra có nàng dâu nào nỡ tiêu vào chỗ vàng ấy. Bởi nó không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa chan giá trị tinh thần. Nó là quà kỉ niệm của cha mẹ mà bất cứ cô gái nào cũng muốn nâng niu, giữ gìn, thậm chí truyền cho con cháu mình. Trừ phi bần cùng, nếu không chẳng ai muốn dùng đến.
Song nàng dâu trong câu chuyện dưới đây lại vấp phải nhiều khó khăn khi muốn giữ lại số vàng hồi môn bố mẹ cho lúc về nhà chồng. Quá mệt mỏi và buồn, cô đã phải lên mạng tâm sự với “hội chị em”.
Nguyên văn những dòng chia sẻ ấy như sau:
“Mình đang mang bầu 4 tháng mà ngày nào cũng mệt mỏi và buồn. Mới cưới mẹ đẻ mình cho 7 chỉ vàng làm hồi môn, mẹ chồng cho 2 vợ chồng 1 chỉ, hôm vừa rồi mẹ chồng mình có nói là cho mẹ mượn 1 chỉ vàng sau này mẹ mua trả. Mình đưa mẹ chồng với suy nghĩ là đưa luôn không đòi.
Hôm nay chồng mình lại hỏi đến vàng bảo đưa bố mẹ mua con trâu để mẹ ở nhà cắt cỏ nuôi, mình không đưa và để dành, chồng mắng mình là ngốc, để dành vàng không có lãi.
Mình mới nói là: “Thế cả nước Việt Nam này ngốc cả, ai chả mua vàng để dành mà anh bảo thế??? Tôi có chút vàng để dành lúc đẻ, con ốm có cái mà lo”. Anh ta mới bảo: “Đẻ cô tự lo, từ tháng sau lương đưa mẹ cầm”.
Đến chút vốn cuối cùng cũng muốn lấy, chán quá”.
Con cái dựng vợ gả chồng, bố mẹ sẽ tùy theo điều kiện của mình mà tặng con cái chút vốn để chúng xây dựng gia đình mới. Bố mẹ đẻ nàng dâu cho cô 7 chỉ, còn bố mẹ chồng cho vợ chồng cô 1 chỉ. Nhiều ít nàng dâu cũng không kêu than, nhưng mẹ chồng đã cho con cái rồi sau đó vay lại mà không có lí do. Rồi lời hứa “sau này mẹ mua trả” bà còn chưa thực hiện được thì chồng cô lại muốn cô dùng nốt 7 chỉ vàng bố mẹ đẻ cho để đầu tư cho bố mẹ chồng làm kinh tế. Không biết chồng cô tự mình nghĩ ra ý tưởng ấy, hay được mẹ chồng thì thầm to nhỏ cũng nên. Bởi nếu mẹ chồng muốn mua trâu, sao chồng cô không lấy lương của mình mua cho bố mẹ, lại khăng khăng muốn vợ phải bỏ vàng hồi môn ra?
Trong trường hợp ấy, cô gái có cự tuyệt cũng là điều có thể thông cảm. Vẫn biết, lúc này cô gái đã là một thành viên trong gia đình nhà chồng, không nên quá tính toán thiệt hơn. Nhưng trừ phi lâm vào đường cùng không thể xoay sở ở đâu khác, hãy nghĩ tới vàng hồi môn con dâu được nhà đẻ cho chứ? Ở đây rõ ràng nhà chồng cô không hề khó khăn tới mức như vậy, thêm chuyện 1 chỉ mẹ chồng chưa trả đã muốn cô dốc túi nốt số vàng còn lại, cô có nghĩ không hay về nhà chồng “đến chút vốn cuối cùng cũng muốn lấy” là điều có thể hiểu được.
Ảnh minh họa
Khách quan mà nói, cách từ chối của cô gái chưa được khéo léo. Nhưng phản ứng của chồng cô sau đó càng đáng lên án gấp bội. Anh ta tuyên bố với vợ, khi nào đẻ cô tự lo, từ tháng sau lương sẽ đưa mẹ mình cầm hết khi cô nói vàng đó để ít nữa đi sinh, con cái ốm đau. Mục đích để lại vàng của cô cũng là vì gia đình, nhưng anh ta lại làm như thể cô đã phạm lỗi gì ghê gớm lắm. Và rằng, có vẻ nếu cô không dâng sạch những gì mình có cho nhà chồng, thì cô thật đáng bị trừng phạt nặng! Vâng, con cũng là con của anh ta mà anh ta tuyên bố “xanh rờn” như vậy, thật chẳng hiểu trong đầu anh ta nghĩ gì?
Đến bao giờ những người làm bố mẹ chồng mới thôi “nhòm ngó” đến vàng hồi môn của con dâu đây? Minh chứng rõ nét nhất là trên MXH không khó để bắt gặp những dòng tâm sự kiểu “mẹ chồng muốn giữ hộ vàng cưới của em, em có nên đồng ý không?”. Kể cả là với người chồng, nếu tâm lí và thương vợ, họ thà phải đi vay bên ngoài sau đó trả nợ còn hơn là bắt vợ bán đi vàng hồi môn. Bởi họ sẽ hiểu, số vàng ấy có ý nghĩa thế nào đối với vợ mình, không chỉ đơn giản là tiền…