Phán quyết của toà án Mỹ về vụ ly hôn của vợ chồng bác sĩ Chiêm Quốc Thái

PHÚ LỮ,
Chia sẻ

Tòa án ở Mỹ đã ra phán quyết “vô hiệu” đối với hôn thú của bác sĩ Chiêm Quốc Thái với bà Vũ Thụy Hồng Ngọc - người đã thuê giang hồ truy sát ông Chiêm Quốc Thái trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh, gây ồn ào dư luận một thời gian dài... Bản chất của phán quyết từ Tòa án Mỹ ra sao?

“Vô hiệu” vì khai gian

Phán quyết này cùng với các tài liệu, thông tin khác đã được bác sĩ Chiêm Quốc Thái nộp cho Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh và một số cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu đình chỉ vụ án ly hôn và chia tài sản khi ly hôn giữa ông Thái và bà Vũ Thụy Hồng Ngọc. Phán quyết “vô hiệu” hôn thú này do Tòa Thượng thẩm California, quận Cam (Mỹ) công bố ngày 6-7-2018 có nội dung: “Phán quyết được thành lập. Hai bên tuyên bố tình trạng độc thân theo các lý do”.  Nó được đưa ra dựa trên đơn của ông Thái cùng luật sư của mình vào tháng 8-2016 vì cho rằng đây là cuộc hôn nhân có sự gian dối.

Phán quyết của toà án Mỹ về vụ ly hôn của vợ chồng bác sĩ Chiêm Quốc Thái - Ảnh 1.

Bà Vũ Thụy Hồng Ngọc và ông Chiêm Quốc Thái.

Trong quá trình điều tra, luật sư của ông Thái và cơ quan tư pháp của Mỹ đã xác minh kỹ lưỡng, xác nhận trong cuộc hôn nhân với ông Thái, bà Ngọc đã có những gian dối, lừa đảo. Bà Ngọc dùng hôn nhân để trục lợi tiền bạc của chồng.

Cụ thể, gia đình bà Ngọc xuất cảnh sang Mỹ năm 1995, thực tế không phải là đại gia mà ở nhà thuê, làm nghề làm móng (nghề nail). Bà Ngọc kết hôn năm 2002, người chồng cũng là thợ nail. Năm 2007, bà Ngọc ly hôn người chồng đó, được chia tài sản chỉ là một chiếc ô tô cũ.

Tòa Thượng thẩm Califonia đã thụ lý đơn, đã 3 lần đưa ra xét xử nhưng luật sư phía bà Ngọc đều xin hoãn, trước khi tuyên “vô hiệu” hôn thú của bà Ngọc với ông Thái. Theo Tòa án California, Chi nhánh Tư pháp Califorlia diễn giải “sự vô hiệu của cuộc hôn nhân hoặc sự vô hiệu của một mối quan hệ kết đôi chung sống như gia đình” bằng 3 từ ngắn gọn là “sự hủy bỏ”. Nó có hiệu lực là khi tòa án tuyên bố rằng: “cuộc hôn nhân của bạn hoặc mối quan hệ kết đôi chung sống như gia đình không còn giá trị pháp lý nữa. Sau khi tuyên bố hủy, cuộc hôn nhân của bạn hoặc mối quan hệ kết đôi chung sống như gia đình không bao giờ xảy ra vì nó đã không còn hợp pháp”.

Có khá nhiều lý do dẫn đến bản án trong đó có nguyên nhân để đi đến kết luận “gian dối, lừa đảo”. Nguyên nhân này được định nghĩa sơ bộ là “một trong hai bên đã kết hôn hoặc có mối quan hệ kết đôi đã có đăng ký là kết quả của một sự lừa đảo. Gian lận là một vấn đề quan trọng với mối quan hệ mà trực tiếp ảnh hưởng đến lý do tại sao bên bị lừa dối đã đồng ý với cuộc hôn nhân hoặc đối tác kết đôi chung sống. Vài ví dụ là kết hôn để có “thẻ xanh” hoặc che giấu việc không có khả năng sinh con”.

Theo quy định của Mỹ, “sự hủy bỏ” chỉ có thể được đệ trình bởi người bị lừa dối,  phải nộp đơn trong vòng 4 năm khi phát hiện ra sự lừa dối.

Bên cạnh đó, Tòa Thượng thẩm California còn phán quyết về hàng loạt danh mục thuộc tài sản riêng, duy nhất của ông Thái. Tòa cũng xác định, trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2014, ông Thái có chuyển cho bà Ngọc và gia đình bà số tiền hơn 1,5 triệu USD, để bà Ngọc cùng gia đình mua các tài sản khác trong thỏa thuận ly hôn nhưng bà Ngọc không thực hiện theo cam kết... Do đó, tòa buộc bà Ngọc phải trả lại cho ông Thái số tiền này.

Ông Thái đã chứng thực các giấy tờ trong phán quyết này ở các đơn vị tại Việt Nam như: Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh, Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh... và nộp cho Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị đình chỉ vụ án ly hôn và đòi phân chia tài sản do bà Ngọc đứng tên nguyên đơn.

Phán quyết của toà án Mỹ về vụ ly hôn của vợ chồng bác sĩ Chiêm Quốc Thái - Ảnh 2.

Bản sao trích lục ghi chú hủy hôn thú của UBND quận 2 cấp.

Ông Thái khẳng định, đến nay giữa ông và bà Ngọc không tồn tại bất kỳ quan hệ hôn nhân nào, theo phán quyết của tòa án Mỹ. Việc hủy kết hôn đã được giải quyết, không tồn tại tài sản chung vợ - chồng như đơn khởi kiện của bà Ngọc.


Trước đó, ông Thái bị bà Ngọc kiện yêu cầu ly hôn và chia tài sản. Bà Ngọc đã yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa 1/2 số tiền có trong các tài khoản ngân hàng do ông Thái đứng tên và áp dụng biện pháp tạm thời đối với khối tài sản khác...

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết với phán quyết “vô hiệu” hôn thú có nghĩa là mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng ông Thái - bà Ngọc (đăng ký kết hôn bên Mỹ) đã không còn giá trị pháp lý. Tuy nhiên, phán quyết này còn phải được công nhận và có hiệu lực tại Việt Nam.

Cũng theo luật sư Trần Minh Hùng, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định, bất kỳ một bản án hay quyết định (dân sự) của cơ quan tài phán nước ngoài muốn có hiệu lực tại Việt Nam thì phải được tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành. Tòa án Việt Nam sẽ tiến hành việc công nhận trong trường hợp bản án, quyết định của tòa án của nước mà Việt Nam và nước đó đã ký Hiệp định Tương trợ tư pháp (HĐTTTP). Ngoài ra, việc công nhận cũng có thể được xem xét trên cơ sở có đi có lại mà không đòi hỏi nước đó đã ký HĐTTTP hay chưa. Hiện nay, giữa Việt Nam và Mỹ chưa ký HĐTTTP. Do đó, bản án ly hôn liên quan đến tài sản tại Việt Nam giữa các cặp vợ chồng của tòa án Mỹ muốn được công nhận sẽ phải được xem xét trên cơ sở có đi có lại.

Những câu hỏi trong vụ truy sát chồng

Trước đó, ngày 23-7-2018, UBND quận 2 đã cấp Bản sao trích lục ghi chú hủy hôn thú, công nhận tình trạng độc thân của ông Thái và bà Ngọc. Tòa Gia đình và Người chưa thành niên thuộc TAND TP Hồ Chí Minh cũng đã nhận được đơn yêu cầu đình chỉ vụ án ly hôn và chia tài sản khi ly hôn của ông Thái.

Phán quyết của toà án Mỹ về vụ ly hôn của vợ chồng bác sĩ Chiêm Quốc Thái - Ảnh 3.

Thương tích của ông Thái sau khi bị truy sát.

Đồng thời, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố bà Ngọc cùng đồng phạm tội “Cố ý gây thương tích”.


Vụ truy sát bác sĩ Thái xảy ra hồi cuối tháng 3-2018. Bà Ngọc được xác định là chủ mưu, thuê Phan Nguyễn Duy Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ và vệ sĩ Song Thanh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, chuyên đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn hay theo dõi chuyện ngoại tình) tổ chức cùng các đối tượng khác chém chồng mình là bác sĩ Thái với giá 1 tỷ đồng. Bà Ngọc và Thanh đều xác nhận bà Ngọc mới chỉ trả cho Thanh 500 triệu đồng thông qua bà Trần Hoa Sen (bác sĩ, là bạn của ông Thái và bà Ngọc).

Bà Ngọc và ông Thái kết hôn ở Mỹ năm 2011, sau đó trở về Việt Nam sinh sống nhưng chỉ 3 năm sau, hai người xảy ra mẫu thuẫn nên thống nhất sẽ ly hôn với điều kiện bà Ngọc phải trở về Mỹ và làm các thủ tục để đơn phương ly hôn cùng chồng. Đổi lại, ông Thái sẽ cho bà Ngọc căn nhà 170 Đinh Tiên Hoàng (quận 1) và khoảng 1,5 triệu USD (hơn 40 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bà Ngọc đã không thực hiện thỏa thuận mà nói dối với ông Thái là đã nộp đơn xin ly hôn ở Mỹ, sau 3 tháng sẽ có phán quyết. Bất ngờ, đầu năm 2016, bà Ngọc đem hôn thú và hồ sơ nộp tại TAND quận 1, TP Hồ Chí Minh xin ly hôn, đòi phân chia tài sản. Đáng nói là bà Ngọc yêu cầu, ngoài chia tài sản còn buộc ông Thái phải trả lại cho bà 200 tỷ đồng. Số tiền này, theo bà Ngọc là bà có được trước khi chung sống với ông Thái.

Bà Ngọc cho rằng gia đình mình là đại gia tại Mỹ, chồng cũ vốn là đại gia bất động sản và sau ly hôn có chia cho bà 10 triệu USD. Sau này khi kết hôn với ông Thái, bà đã mang số tiền này về Việt Nam để đầu tư cho ông Thái làm ăn. Sau đó, TAND quận 1 đã ra quyết định phong tỏa toàn bộ tài sản trong các ngân hàng của ông Thái cho đến tận hôm nay.

Trở lại vụ mưu sát, sau khi thỏa thuận với bà Ngọc, Phan Nguyễn Duy Thanh đã cùng các đối tượng Chống Thín Sáng, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Trần Thanh Tuấn, Phạm Văn Ngôn, Tiến và Tú “chùa” bàn mưu để ra tay. Thanh giao cho mỗi tên một chiếc điện thoại cùng sim “rác”, yêu cầu chỉ liên lạc khi làm nhiệm vụ, khi xong thì vứt bỏ ngay. Ngoài ra, Thanh còn cung cấp tiền cho các đối tượng để mua hung khí gây án.

Nhóm đối tượng còn chuẩn bị trước “kịch bản”. Nếu bị công an bắt, chúng sẽ cùng khai rằng vì một thành viên trong nhóm có bạn gái trước đây làm phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện của bác sĩ Thái đã có quan hệ tình ái với bác sĩ này nên ghen tuông, nhờ chúng trả thù.

Tối 28-3, 5 đối tượng Phong, Tuấn, Ngôn, Tiến và Tú “chùa” dùng mã tấu truy sát, chém vào tay, vai ông Thái trên đường Nguyễn Huệ, quận 1. May mắn, ông Thái đã kịp nhảy vào ô tô, thoát thân, bị thương tích 5%. Sau khi gây án, nhóm giang hồ đã được Thanh chi 150 triệu đồng trả tiền công.

Khi khám xét trụ sở Công ty Song Thanh và nhà riêng của đối tượng Thanh ở quận Bình Tân, Cơ quan công an thu giữ được 3 khẩu súng cùng hàng chục viên đạn; 24 dao, mã tấu các loại, 4 roi điện, 5 bình xịt hơi cay... Vai trò chủ mưu của bà Ngọc đã được Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh làm rõ. Bà Ngọc đã bị bắt giữ.

Có thể bà Ngọc biết trước tòa án ở Mỹ sẽ ra phán quyết “vô hiệu” hôn thú do gian lận hôn nhân, cũng biết không thể trì hoãn tiếp được nữa nên đã về Việt Nam thuê người truy sát ông Thái? Mục đích là để ông Thái không thể sang Mỹ dự phiên tòa? Có giả thuyết rằng nếu ông Thái chết thì toàn bộ tài sản sẽ thuộc về bà Ngọc do bà này vẫn đang là vợ trên giấy tờ của ông Thái (!?).

Dư luận vẫn đặt một dấu hỏi lớn khi bản kết luận điều tra hầu như không đề cập đến vai trò hay trách nhiệm pháp lý của bà Trần Hoa Sen trong vụ việc.

Chia sẻ