Phận người trên chiếc võng đêm
“Bão” COVID-19 không chỉ “cuốn” công ăn, việc làm của nhiều người lao động mà mái nhà trọ cũng bị kéo phăng theo dịch. Những chỗ ngủ thuê dần trở thành nơi đi về quen thuộc hằng đêm của dân lao động tứ xứ ở đất Sài thành.
Võng ngủ 15.000 đồng
22h đêm, quốc lộ 1A, đoạn thuộc Q.Bình Tân (TPHCM), gần xí nghiệp Pouyuen lấp lóe ánh điện từ các bảng hiệu cho thuê võng. “Võng đây, võng đây” - cái thanh âm rè rè phát ra từ chiếc loa cũ kỹ, bạc thếch vang trong đêm. Cạnh đó là những tiệm sửa xe, vá vỏ 24/24.
Vừa tấp vào một quán võng Hoàng Long bên quốc lộ, chưa kịp quen với bóng tối nhập nhòe trong quán, người thanh niên liền chào mời: “Anh chị muốn uống nước hay thuê võng ngủ?”. “Thuê võng giá bao nhiêu?” - tôi hỏi. “15.000 đồng/chiếc thôi chị, còn kêu nước thì nằm võng miễn phí” - người này cho hay.
Quán có hàng chục chiếc võng mắc san sát nhau trên hàng cột đen sì, mùi ngai ngái từ những chiếc võng nhiều người ngả lưng, ít được giặt giũ. Bên ngoài mưa lâm thâm làm không gian thêm tĩnh mịch, chỉ có tiếng muỗi vo ve và tiếng ngáy đều đều từ những người khách cuộn tròn trên mỗi chiếc võng.
Bắt chuyện với chủ quán võng tên Huỳnh (tầm 55 tuổi), anh cởi mở nhưng nói: “Quê tui ở Quảng Ngãi, nhà nghèo nên vào Sài Gòn làm thuê cũng được hơn chục năm rồi. Đang làm phụ hồ, té giàn giáo, chân thành tật và không ai thuê mướn nữa. Dạt ra khu ngoại thành này, thấy nhiều người cũng không có chỗ ngủ nên tui mua võng, thuê đất rồi mở quán cà phê võng”.
Nhấp ngụm trà đậm đặc, anh Huỳnh nén tiếng thở dài: “Lúc trước, cánh thuê võng ngủ đêm đa số là đàn ông, người ở quê ra thành phố, người không gia đình, bạ đâu ngủ đó để có sức ngày mai kiếm việc mưa sinh. Từ ngày có dịch bệnh, quán tôi đón thêm nhiều khách là các gia đình, có cả trẻ em, phụ nữ… Nhiều người mất việc, không có tiền thuê nhà trọ nữa nên thuê chỗ này ngủ qua đêm”.
Phía sau quán võng còn có khu vực vệ sinh, nơi tắm giặt với quần áo còn sũng nước treo thành lớp. Vừa giặt xong bộ đồ công nhân, anh Hồ Văn Huy (35 tuổi, quê Nghệ An) bộc bạch:
“Tôi thuê võng ngủ hàng đêm cũng gần được một tháng nay. Chỗ này còn cho tắm giặt miễn phí nên đỡ được ít tiền. Lang bạt ở Sài Gòn hơn ba năm nhưng đồ đạc không có gì ngoài chiếc balo với vài bộ đồ cũ, ít đồ dùng cá nhân. Với tôi, có nơi ngả lưng mỗi đêm, đó là nhà”.
Phận người đong đưa
Hơn 23h đêm, các chiếc võng gần như đã đầy người, bỗng có tiếng xe máy rề rề chạy thẳng vào quán. Nhận ra người quen, một phụ nữ gương mặt khắc khổ, khẽ khàng để mẹt cóc ổi, bánh phồng xuống đất. Phía sau, thằng con trai 8 tuổi ngủ, ngật ngưỡng nhưng vẫn ôm mẹ chặt cứng. Đưa con vào chiếc võng mắc kẹt ở góc trong cùng, chị cho biết, mình tên Loan (quê An Giang), vợ chồng đều thất nghiệp, không có tiền thuê nhà trọ nên mướn võng ngủ mỗi đêm.
“Gần đây, tôi vay mượn được chút tiền, sáng sớm ra chợ Bình Điền (Q.8, TPHCM) mua ít cóc xoài, đậu phộng, bánh tráng… rồi tối tối đến mấy quán nhậu bán. Lúc trước đi bộ, bán vòng vòng quanh khu công nghiệp Tân Tạo, nhưng từ khi có dịch, quán nhậu vắng khách nên phải đi xa, đi nhiều quán hơn. Bán từ chiều đến gần sáng, có lúc kiếm được 50.000-100.000 đồng, cũng có bữa ế chỏng chơ. Ông chủ quán võng thương tình cho mượn chiếc cúp cũ, hôm nào có tiền đổ xăng thì chạy, hết tiền dắt bộ” - chị Loan trần tình.
Chẳng ai nghĩ người phụ nữ này mới ngoài 40, bị tật một bên mắt, chồng làm hồ, rày đây mai đó bữa có bữa không. Rớm nước mắt, chị Loan nghèn nghẹn: “Đứa con 8 tuổi vẫn chưa được đi học. Tôi đi bán hàng rong ở quán nhậu cũng dắt con theo. Hôm nào về quán võng, có tiền thì thuê 2 chiếc 30.000 đồng, không có tiền thì thuê 1 chiếc, con nằm mẹ ngồi đến hết đêm”.
Từ khi “Cô Vy” ghé ngang, anh Đào Văn Dũng (45 tuổi, quê Bình Định) bán vé số dạo cũng dạt ra quán võng vì cuộc sống khó khăn.
“Trước tôi lấy vỉa hè làm nhà, bạ đâu ngủ đó. Lúc có dịch, người ta không cho ngủ vỉa hè nữa nên tìm gầm cầu, hầm chui… Từ khi biết được mấy quán võng, mình tấp vào mỗi khi mệt.
Tính ra, mỗi ngày tốn 15.000 đồng; mỗi tháng khoảng 450.000 đồng. Được cái có cả nơi tắm rửa, giặt đồ, phơi đồ và cả sạc điện thoại. Tuy nhiên bất tiện là ngủ chung tập thể, sợ lây COVID-19 lắm vì không ai đeo khẩu trang; nhưng kệ thôi...” - anh Dũng tâm sự.
Đa số khách thuê võng đều là dân lao động tự do, toàn người nghèo khổ - anh Huy Hoàng (chủ một quán cà phê võng P.An Lạc, Q.Bình Tân) nói. Theo anh Hoàng, nhiều người cũng có khả năng thuê nhà nhưng họ muốn dành dụm thêm chút tiền để gửi về quê. Một thân một mình, chỗ ngủ không quan trọng, có nơi yên tâm để ngả lưng là mừng.
Chỉ tay bên đường, anh Hoàng tiếp, bên đó có những quán “lộ thiên” đến mức giăng võng dưới cây trứng cá để khách nếm mùi... sương gió.
Giấc ngủ không trọn
Đêm đêm, dưới ánh đèn đường Sài Gòn, hàng trăm phận người buôn gánh bán bưng kết thúc một ngày mưu sinh vất vả. Không chốn về, thế nên những chiếc võng thuê hàng đêm giúp họ chợp mắt vài tiếng đồng hồ càng thêm quý.
Bươn chải gần 20 năm ở Sài Gòn, bà Trần Thị Hà (65 tuổi, quê Nam Định) gửi giấc ngủ ở quán võng gần 4-5 năm nay.
“Tôi còn nhớ đêm đầu thuê võng ngủ, không tài nào chợp mắt được vì nó cứ đung đưa, muỗi cắn, lạ chỗ, lại sợ bị mất cái túi vé số là coi như trắng tay. Dần dần rồi quen thôi, giờ đặt mình xuống là ngủ liền” - bà Hà móm mém kể.
Ông Trịnh Văn Thủy (55 tuổi, chạy xe ôm ở khu vực Bà Hom, Q.Bình Tân, TPHCM) ngáp ngắn ngáp dài kể, ông hay ngủ dưới gầm cầu, có khi ngủ luôn vỉa hè Đại lộ Đông Tây, gần bến Chương Dương (Q.1, TPHCM). Nhưng gần đây công an hay đi kiểm tra, nên ông phải đi xa để kiếm chỗ trú thân qua đêm.
“Chạy xe ôm dạo này hẻo lắm, khách ít, lại phải cạnh tranh với cánh tài xế công nghệ nên cả ngày có khi chỉ chạy được 1-2 cuốc. Tiền thuê võng với tiền mua chai nước suối là sạch túi” - ông Thủy thở dài. “Tài sản” người đàn ông này luôn giữ khư khư bên mình là chiếc điện thoại di động “thời kỳ đồ đá”. Bao nhiêu mối mang làm ăn nằm hết trong này. Nó là phương tiện “hành nghề” quan trọng chẳng kém gì chiếc xe cà tàng của ông.
Cũng như ông Thủy, đa số người thuê võng ngủ đêm đều đem toàn bộ “tài sản” theo bên mình. Nằm ngủ nhưng họ ôm khư khư cái túi, và một đêm giật mình mấy lần vì nỗi lo mất của.
Đêm khuya, khi những người thuê võng đã say ngủ, chủ quán vẫn thức để canh chừng xe cộ và đồ đạc cho họ. Anh Huỳnh cho biết, gần như chưa có vụ trộm cắp nào xảy ra gần đây nhưng anh rất đề phòng. Khu vực giữ xe phía sau quán được rào chắn, có người thức canh xe. Phía trước quán cũng vậy.
“Họ chỉ có tài sản là chiếc xe với ít tiền, giấy tờ tùy thân. Mất là tiêu luôn nên mình phải canh chừng chớ” - anh Huỳnh nói.