Phần mềm "soi thịt" bằng smartphone cho bà nội trợ: "Đã vào siêu thị mua thịt, còn soi làm gì?"
Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo qua điện thoại giai đoạn 1 đã được triển khai nhằm quản lí thịt heo an toàn, thế nhưng người nội trợ ở Sài Gòn thì vẫn tỏ ra thờ ơ, không mấy mặn mà.
Ngày 16-12, Sở Công thương TP.HCM đã chính thức triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smartphone tại nhiều hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn thành phố. Những tưởng người dân, nhất là chị em phụ nữ sẽ háo hức tham gia khi có cho mình một cách quản lý nguồn thực phẩm an toàn hiệu quả, nhưng qua khảo sát ngắn của chúng tôi thì nhiều chị em không đoái hoài, thậm chí còn cho rằng quét thịt phiền phức, bất tiện.
Tò mò là chính
Tại siêu thị Coopmart Quang Trung (quận Gò Vấp. TP.HCM), mỗi chiều có rất nhiều chị em phụ nữ đến mua thịt heo, chiếm số lượng đông đảo nhất là dân văn phòng. Nhưng quan sát nhiều tiếng đồng hồ thì họ chỉ đến quầy lựa thịt rồi cho thẳng vào giỏ đồ, dù trên bịch có dán con tem truy xuất nguồn gốc thịt, gần đó lại có đến 4 máy quét được để sẵn kèm những dòng chữ thông báo to tướng.
Tại những hệ thống siêu thị lớn có lắp nhiều màn hình truy xuất nguồn gốc thịt nhưng ít người đoái hoài.
Chị My (35 tuổi, quê Quảng
Ngãi) cho biết mỗi tuần đến siêu thị mua thịt hai lần. Chị có nghe nói về dự án
"soi thịt" nhưng không quan tâm lắm, bởi thời gian đi chợ gấp rút, lại không
nghe ai hướng dẫn nên cũng xuề xoà cho qua.
Một người phụ nữ tò mò muốn thử quét thịt trên máy.
Đa số người quét đều không nắm kỹ cách sử dụng nên phải nhờ sự trợ giúp của nhân viên bán hàng.
Chị Hạnh (33 tuổi, quê TP.HCM) nói cả tuần vào siêu thị nhưng đây mới là lần quét đầu tiên. Tuy vậy, người phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn khi máy kiểm tra không nhạy, liên tục đưa tem vào quét nhưng vẫn không nổi kết quả lên trên màn hình, phải nhờ nhân viên siêu thị trợ giúp. "Mình quét cho vui vậy thôi, chứ thấy cũng chẳng không ảnh hưởng gì mấy, vì hiện lên nơi tên trang trại sản xuất với phân phối, giết mổ cũng đâu chắc chắn là sạch. Mình chỉ quét một lần này thôi, không quét thêm nữa đâu" – người phụ nữ tiếp lời.
Theo một người trực tiếp
đứng bán tai sạp thịt heo của siêu thị này, mỗi ngày siêu thị sử dụng khoảng
300 tem truy xuất nguồn gốc. Trong ngày đầu tiên lượng khách đến quét rất đông
nhưng chỉ thử bằng tem chứ không mua thịt. Những ngày sau giảm dần, và đến thời
điểm hiện tại gần như chỉ loe ngoe vài người trong ngày.
Chị Linh, quản lý sạp thịt tại một siêu thị cho biết tem sẽ dán lên bọc sau khi khách chọn thịt.
"Họ
đến chủ yếu vì tò mò, muốn thử máy cho vui chứ ít ai cài phần mềm quét thịt vào
điện thoại của mình. Nhiều người thậm chí còn kêu khỏi dán tem, đi liền cho đỡ
mất thời gian" – người bán thịt nói.
Đã vô siêu thị mua, còn "soi " làm gì?
Tại một cửa hàng tiện lợi trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), số tem sử dụng trong ngày chỉ là 100 cái. Nơi đây không được cấp màn hình lớn quét thịt tại chỗ, nên dù có dán bản thông báo "điểm bán thịt heo truy xuất nguồn gốc" rất lớn phía ngoài cổng nhưng không hiệu quả.
Tại những cửa hàng tiện lợi không có màn hình lớn nên việc truy xuất nguồn gốc thịt gần như bế tắc.
Khảo sát một số phụ nữ mua hàng tại đây đều nói rằng không biết phần mềm Te-food (phần mềm truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công Thương TP.HCM xây dựng) là gì cũng như cách sử dụng cụ thể. Các nhân viên tại cửa hàng cũng chỉ bán thịt mà không hướng dẫn cho họ biết.
Chị Phương Anh, một người mua thịt nói có biết đầy đủ chương trình này nhưng không quan tâm, vì cho rằng đằng nào cũng chỉ mua thịt ở siêu thị, "soi" hay không "soi" cũng không thành vấn đề, quét chỉ thêm phiền phức, tốn thời gian. Hơn nữa, việc dán tem điện tử vào cũng khiến giá thịt bị đội lên. "Quét làm gì khi chúng tôi không hiểu rõ quy trình nhập vào cụ thể, lỡ lấy thịt không chất lượng rồi dán tem vào thì tính sao".
Rất ít người mua thịt tự tay truy xuất nguồn gốc bằng smartphone của mình.
Chị Duy, quản lý cửa
hàng tiện lợi này chia sẻ: "3 ngày đầu hệ
thống truy xuất bị lỗi, không hoạt động được nên lượng người truy xuất thịt heo
sạch không nhiều. Nhân viên thì dành thời gian bán là chủ yếu, không có thời
gian để giới thiệu cho khách. Hơn nữa, người dân khi vào siêu thị cũng đã một
phần đặt niềm tin vào chất lượng sản phẩm ở đây rồi".
Để lý giải thắc mắc của những bà nội trợ, chúng tôi đã hỏi một số người bán thịt về quy trình nhập thịt heo tại siêu thị. Theo đó, heo tại các trang trại chăn nuôi được đeo một vòng nhận diện để trực tiếp theo dõi chế độ dinh dưỡng đạt chuẩn. Đến khi xuất chuồng đến lò mổ, heo được kiểm dịch bằng cách đóng mọc và tem điện tử.
Các vòng mã số để kiểm soát thịt đầu vào.
Đến siêu thị, nhân viên
kiểm dịch sẽ dùng máy chuyên dụng để kiểm tra thịt bằng một vòng đeo có ghi mã
số. Mỗi ngày, sẽ có một mã hàng khác nhau và duy nhất một mã đó mới có thể nhận
diện thịt. Sau đó thịt sẽ bán khi người tiêu dùng có nhu cầu và dán tem trực tiếp
trên bao bì.
Khác với sạp thịt cân ký, thịt đóng sẵn vào bao sẽ dán tem sẵn bên trên.
Riêng với các chợ, để
tránh thịt không rõ nguồn gốc bị tiểu thương trà trộn vào, cơ quan chức năng sẽ
lắp đặt camera tại quầy cũng như tăng cuờng giám sát.
Một cán bộ quản lý đang kiểm tra hệ thống truy xuất tại một siêu thị.
Được biết mỗi con tem
có giá 60 đồng. Chi phí truy xuất nguồn gốc cho một con heo tổng cộng mất 9.800
đồng. Trung bình mỗi ký thịt sẽ cao hơn giá thông thường khoảng 200 đồng.
Đề án truy xuất thịt heo với mục tiêu giải quyết nhu cầu thực phẩm sạch bước đầu đã thu hút sự quan tâm của chị em nội trợ. Tuy nhiên cách thức này có được các mẹ bỉm sữa "nằm lòng" và tin tưởng tuyệt đối hay không thì còn phải chờ xem.