Phận đời éo le của người phụ nữ nhiễm HIV vẫn bị chị họ lừa bán lấy... 2 triệu đồng
Sống trong niềm vui hạnh phúc gia đình chưa lâu, chị Bạch Thị Phượng (SN 1983, ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đau đớn khi phải tiễn đưa người chồng về cõi vĩnh hằng, để lại chị cùng đứa con trai mới tròn 1 tuổi bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời.
Bất hạnh hơn, sau ngày anh mất, chị bị đẩy vào đường cùng của nỗi tuyệt vọng khi biết nguyên nhân cái chết của chồng mình. Anh chết vì căn bệnh thế kỷ AIDS. Nỗi đau khổ nhân lên gấp bội khi chính chị và đứa con trai duy nhất cũng bị lây nhiễm. Ấy thế mà, bi kịch cuộc đời của Phượng không dừng lại ở đó. Khi biết được hoàn cảnh khó khăn của người em họ, Định Thị Xen (trú ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã tìm về quê, lập mưu bán Phượng vào ổ mại dâm ở Trung Quốc, đẩy Phượng và gia đình vào nỗi đau mới...
Mắc bệnh cũng không được buông tha
Chồng chết, hai mẹ con lại phát hiện ra mình mắc phải căn bệnh thế kỷ từ chồng truyền qua, người phụ nữ bất hạnh chỉ biết ôm chặt đứa con trai bé nhỏ vào lòng nấc nghẹn. Không ai ngờ, người con gái xinh đẹp ấy lại gặp nhiều trắc trở trong cuộc đời như vậy. Mọi người vẫn bảo, có lẽ kiếp “hồng nhan đa truân” vận vào nên cuộc đời Phượng mới bất hạnh như vậy. Tủi cực hơn, vành khăn tang còn chưa buông khỏi đầu, chị Phượng phải bồng con nhỏ về nhà cha mẹ đẻ. Bởi khi biết chị và đứa con trai bị mắc bệnh thế kỷ, gia đình chồng nhất định ruồng bỏ hai mẹ con, buộc chị phải rời khỏi căn nhà đầy ắp kỷ niệm vui buồn.
Tâm sự với chúng tôi về cô con gái bất hạnh, bà Quý buồn buồn: “Là con gái thứ hai trong gia đình, ngay từ nhỏ con bé luôn ngoan ngoãn, hiếu thảo. Thế nhưng, cuộc đời con bé thật sự rẽ sang một hướng khác khi quen và trở thành vợ của thằng Vững (người cùng làng)”. Theo chia sẻ của bà Quý, vào năm 2002, Bạch Thị Phượng đã đồng ý lấy anh Vũ Văn Vững (SN 1981) làm chồng. Những ngày đầu cuộc sống vợ chồng khó khăn, Vững đành theo đám trai làng lên tận Cao Bằng làm thuê, làm mướn. Chính trong thời gian lang bạt này, Vững bập vào ma túy và mắc phải căn bệnh thế kỷ lúc nào không hay. Vì vậy, khi Phượng sinh cho Vững đứa con trai đầu lòng, cả gia đình vẫn không hề hay biết anh nhiễm HIV. Mãi cuối năm 2003, khi Vững đột nhiên mắc bệnh và qua đời, bác sĩ thông báo nguyên nhân thì cả gia đình mới ngã ngửa. Đau đớn hơn, trước khi ra đi, Vững đã “kịp” để lại căn bệnh quái ác cho chính vợ con mình.
“Chồng chết chưa lâu thì con Phượng bế đứa con nhỏ về nhà tôi, nước mắt ngắn dài. Không thể ngờ, gia đình bên chồng khi biết tin cháu bị bệnh đã ruồng rẫy và hắt hủi hai mẹ con nó. Làm mẹ, làm cha ai nỡ nhìn con gái mình bơ vơ như thế được”, bà Quý nghẹn ngào. Bất hạnh là vậy nhưng Phượng tự nhủ, mình không được phép gục ngã, chị còn có gia đình, có bố mẹ và đặc biệt là đứa con thơ dại đang khát sữa. Cuộc đời chị đã vướng quá nhiều khổ đau, con trai chị còn bất hạnh hơn. Đứa trẻ sinh ra còn chưa hiểu hết sự đời, đã phải mang trong mình căn bệnh quái ác bởi chính sự sa ngã của người cha. Thương con, chị Phượng đành bỏ lại sau lưng những dị nghị, gièm pha của xóm làng. Chị lao vào công việc, ai thuê gì làm ấy, thậm chí chị ra tận Hà Nội xin làm giúp việc nhà, chỉ mong sao sẽ dành dụm được thật nhiều tiền, để có thể chăm sóc và bù đắp cho đứa con tội nghiệp.
Trong lúc Phượng quyết tâm tìm việc làm và dành dụm tiền cho con thì cũng là lúc tình mẫu tử của chị bị lợi dụng. Khi biết Phượng cần tiền, người chị họ của Phượng là Đinh Thị X. (SN 1979, trú tại thị trấn Xuân Mai), đã cấu kết với Hoàng Thị Nhâm (SN 1985, ở xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), dụ dỗ Phượng sang Trung Quốc làm thuê cho quán ăn rồi bán vào ổ mại dâm, với giá 2 triệu đồng. Khi lừa Phượng qua Trung Quốc, X. đã dặn không được cho ai biết, khi nào sang đến nơi, công việc ổn định thì mới gọi điện về nhà thông báo cho gia đình. Tin tưởng tuyệt đối vào người chị họ, Phượng lặng im làm theo lời chỉ dẫn của X., để rồi khi phát hiện ra mình bị bán vào động mại dâm thì X. và Nhâm đã cao chạy xa bay.
Ngày trở về đầy bất ngờ
“Mất 3 ngày không liên lạc được với con bé, tôi lo lắng vô cùng. Gọi điện thì thuê bao không liên lạc được. Tôi đang nghĩ cách lên Hà Nội một chuyến xem sao thì bất ngờ một hôm, khi tôi đang bán hàng ngoài chợ, có một số điện thoại gọi vào số máy của tôi. Vừa bắt máy, đầu dây bên kia là giọng con Phượng kêu lên thất thanh: “Mẹ ơi, con bị chúng nó lừa bán qua Trung Quốc rồi. Cha mẹ cứu con với, con sợ lắm...” Vừa nghe vậy, chân tay tôi rụng rời, miệng lắp bắp. Chưa kịp hỏi con xem ở đâu thì giọng một người phụ nữ khác cất lên: “Bác cứ yên tâm, em nó bị bán qua đây nhưng đã chạy trốn được rồi. Giờ đang ở nhà cháu, gia đình sắp xếp qua bên này ngay đón em về nhé”. Sau đó, họ cho địa chỉ và chỉ dẫn đường đi tận tình lắm”, bà Quý kể lại.
Bà Quý cho biết thêm, chị Phượng đã kể lại rằng, khi qua của khẩu Trung Quốc, Phượng được đưa đến làm việc ở một quán cơm. Hai ngày sau, Nhâm tìm đến và bảo đưa Phượng sang một quán khác làm việc, lương sẽ cao hơn. Khi theo Nhâm lên xe, chị Phượng thấy có một cô gái khác đang khóc lóc, nói mình bị lừa bán và bắt làm gái mại dâm. Nghĩ mình bị rơi vào bẫy của bọn buôn người, Phượng van xin Nhâm và đồng bọn đi cùng thì bị họ dọa sẽ giết người diệt khẩu. Khi bị bán vào động mại dâm, chị bị một đội ngũ bảo vệ canh giữ rất nghiêm ngặt. Họ bắt Phượng và người phụ nữ đi cùng phải tiếp khách. Khi không đồng ý, họ bị đánh đập dã man. Sau nhiều ngày bị giam cầm, lợi dụng sơ hở của đám bảo kê, Phượng chạy trốn vào nhà dân và được mọi người giúp đỡ. May mắn hôm đó, Phượng chạy đúng vào nhà người một người Việt Nam tên Bích, trước đây cũng từng là nạn nhân của bọn buôn người. Hiểu được hoàn cảnh và nỗi đau của Phượng, Bích đã đồng ý giúp đỡ và cưu mang Phượng những ngày cô lẩn trốn trên xứ người.
Giữa tháng 12/2013, khi nhận được tin con gái trốn thoát khỏi “động quỷ” Trung Quốc, bà Quý vội vàng vay mượn hàng xóm được 5 triệu đồng và bán đi 5 chỉ vàng đưa cho chồng - ông Bạch Văn Mùi - làm lộ phí và chuộc con gái về. Thế nhưng, hành trình vượt qua biên giới Trung Quốc với gia đình ông Mùi vô cùng khó khăn. Đoàn đi có đến ba người, ngoài ông Mùi còn có thêm cậu em và cậu con trai. Khi lên đến cửa khẩu Tà Lùng, ông Mùi bố trí người em cùng con trai mình chờ sẵn ở cửa khẩu Việt Nam, còn ông trà trộn vào dòng người kéo xe thồ chở hàng để vào được nước bạn. Ông mừng vui khôn tả khi gặp lại đứa con gái nơi đất khách, gặp được những người Việt Nam tốt bụng. Họ không những không nhận bất kỳ một sự báo đáp nào từ phía gia đình ông Mùi mà còn tình nguyện dẫn đường để cho cha con ông trở về Việt Nam được thuận lợi.
“Cả làng hay tin Phượng trở về đã kéo đến chật kín cả nhà, người cười, người khóc. Tất cả đều chúc mừng cho gia đình tôi vì đã tìm được con gái trở về. Đúng là số nó vất vả nhưng cũng may mắn, nếu không thì giờ đây biết nó ở phương trời nào mà tìm. Con Phượng có thể trở về được, đó là một điều quá bất ngờ và hạnh phúc”, ông Mùi chia sẻ.
Kẻ nhẫn tâm phải trả giá cho tội ác
Trao đổi với chúng tôi, đại diện chính quyền xã An Phú xác nhận, ngày Phượng trở về, người phụ nữ tên X. còn trơ trẽn tìm đến nhà để hỏi thăm và chúc mừng. Nhưng khi X. vừa đặt chân vào nhà, Phượng đã tố cáo tội ác của thị đến cơ quan chức năng. Rất nhanh chóng sau đó, X. bị gia đình Phượng bắt giao lại cho chính quyền địa phương. Qua đấu tranh, đối tượng Nhâm cũng đã nhanh chóng được xác định và bị cơ quan công an bắt giữ. Đứng trước mặt những người trong gia đình, ả lí nhí nói không nên lời, khóc lóc vì biết rằng phía trước không chỉ là một bản án tù thích đáng mà còn là một bản án lương tâm dành cho kẻ mất hết nhân tính, khi đã lừa bán cả người em họ bệnh tật chỉ vì chút bạc lẻ.
* Tên nhân vật đã được thay đổi