PGS Nguyễn Lân Hiếu và chuyên gia BV Đại học Y Hà Nội "hiến kế" 3 giải pháp giúp Hà Nội chống dịch
Sáng 8/8, PGS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội đã có những chia sẻ ý kiến tổng hợp của các chuyên gia tại BV Đại học Y Hà Nội về các giải pháp giải quyết tình hình dịch bệnh tại Hà Nội.
Đến nay, Hà Nội đã phát hiện thêm 5 ca dương tính với COVID-19 đều có tiền sử đi Đà Nẵng trở về. Trong khi đó, việc xét nghiệm như thế nào vẫn còn đang khó khăn. Test nhanh có tỷ lệ độ nhạy cảm chưa cao. Vì thế, thành phố này đã có cuộc họp với các bệnh viện có năng lực xét nghiệm COVID-19.
Khi Hà Nội họp với các bệnh viện được Bộ Y tế chỉ định hỗ trợ xét nghiệm, PGS Hiếu do bận công tác ở Huế không tham dự. Sau đó, PGS và các cộng sự của ông ở BV đã cùng nhau thảo luận và đưa ra góp ý cho thành phố Hà Nội ngăn chặn COVID-19.
Theo PGS Hiếu hiện tại Hà Nội có 75.000 người đi Đà Nẵng từ 14/7/2020 trở lại đây cần làm xét nghiệm. Với năng lực xét nghiệm hiện có của Hà Nội, đồng thời huy động sự hỗ trợ của các bệnh viện trung ương có thể làm xét nghiệm PCR chẩn đoán COVID- 19 đạt số lượng 5000 mẫu/ngày.
Để thực hiện xét nghiệm PCR với số lượng lớn kể trên thì cần có chiến lược xét nghiệm hiệu quả và đảm bảo chất lượng tốt nhất, số lượng mẫu PCR được làm nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn, đồng thời ưu tiên xét nghiệm cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo nhóm bác sĩ của BV Đại học Y Hà Nội, có 3 giải pháp sau có thể giúp giải quyết được tình thế hiện tại:
Thứ nhất, phương pháp xét nghiệm gộp các pool mẫu (Pooling) có thể là một chiến lược tốt trong điều kiện nguồn lực giới hạn. Một số nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh giá trị của pool mẫu trong đại dịch này, đặc biệt là ở những quần thể có tỉ lệ mắc thấp như ở Việt Nam. Hà Nội cũng nên áp dụng phương pháp này tuy nhiên phải có hướng dẫn cụ thể.
Phương pháp này được đưa ra dựa trên các nghiên cứu đã thực hiện trên thế giới và mang lại hiệu quả nên tôi hy vọng phương pháp này có thể được triển khai sớm nhất có thể. Nếu được có thể triển khai theo nhóm gia đình hoặc nhóm văn phòng, cơ quan có cùng nguồn lây, tiếp xúc.
Tuy nhiên đối với những người có triệu chứng, chúng ta vẫn nên làm xét nghiệm riêng cho từng cá thể để đảm bảo khả năng phát hiện cao nhất vì đây là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Hà Nội ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 từ Đà Nẵng trở về
Thứ hai, do số lượng người cần sàng lọc là rất lớn (trên 75.000 người) nên cần có chiến lược ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm. Người dân cần làm xét nghiệm phải phân chia thành các nhóm: nhóm cần làm ngay lập tức và nhóm làm theo kế hoạch
Nhóm ngay lập tức đó là việc lấy mẫu cần ưu tiên cho nhóm cần làm ngay lập tức: có triệu chứng lâm sàng (sốt, ho, khó thở…) hoặc có tiếp xúc gần với nguồn lây nhiễm.
Tiêu chí ưu tiên cần xác định gồm:
1) Triệu chứng lâm sàng (có hay không có triệu chứng),
2) Yếu tố dịch tễ (có tới 1 trong những khu vực đã được công bố dịch hay không).
3) Thời gian rời khỏi vùng dịch tới thời điểm lấy mẫu.
Đối với người đi từ Đà Nẵng về >14 ngày thì cần làm thêm xét nghiệm phát hiện kháng thể để tăng độ nhạy cho việc sàng lọc vì các nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng phát hiện ca bệnh COVID-19 bằng xét nghiệm PCR giảm dần theo thời gian. Việc xét nghiệm kháng thể có thể đánh giá tình trạng miễn dịch phơi nhiễm của bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân có bằng chứng đã từng nhiễm SARS-CoV-2 thì cần ngay lập tức khoanh vùng và rà soát những người đã tiếp xúc với bệnh nhân. Do các xét nghiệm kháng thể có độ nhạy dao động, phụ thuộc vào loại kháng nguyên hay sinh phẩm sử dụng nên nhất thiết phải chọn các xét nghiệm kháng thể có độ nhạy cao, chất lượng tốt được FDA và/hoặc CE chứng nhận.
Nhóm làm theo kế hoạch có thể phân chia:
1) Theo thời gian đi từ vùng dịch Đà Nẵng: Người về từ Đà Nẵng mới nhất sẽ được làm sớm nhất.
Tương tự như trên, với người đi từ Đà Nẵng về >14 ngày thì cần làm thêm xét nghiệm kháng thể để tăng độ nhạy chẩn đoán và có thể đánh giá tình trạng miễn dịch của bệnh nhân nếu bệnh nhân đã từng nhiễm,từ đó có thông tin để khoanh vùng các đối tượng đã từng nhiễm của bệnh nhân này.
Tuy nhiên cần chọn các xét nghiệm kháng thể có chất lượng cao, được FDA và/hoặc CE chứng nhận.
2) Theo địa điểm dịch đã được bộ y tế công bố: người đã đi qua một hay nhiều những vùng dịch được bộ y tế công bố sẽ được ưu tiên làm xét nghiệm trước.
Lúc này chúng ta rất cần chậm lại một chút để có chiến lược rõ ràng phù hợp với nguồn lực hiện có.
Thứ ba, do việc lấy mẫu trên diện rộng có thể làm chậm việc tiếp cận xét nghiệm PCR COVID-19 của những người có triệu chứng. Thông thường người có triệu chứng và yếu tố dịch tễ sẽ lo sợ việc nhiễm SARS-CoV-2 nên họ thường chủ động tới bệnh viện để được xét nghiệm, điển hình là bệnh nhân 714 tại Hà Nội.
Do đó chúng ta cần thiết lập 1 cơ chế để bệnh nhân có triệu chứng được xét nghiệm PCR ngay tại bệnh viện họ đến khám lần đầu. Để thực hiện điều đó, chúng ta cần cho các bệnh viện cơ chế để xét nghiệm PCR tại chỗ nếu bệnh viện đủ năng lực xét nghiệm.
Nhiều bệnh nhân có khả năng tự chi trả xét nghiệm hoặc đồng chi trả với bảo hiểm, chúng ta cần ủng hộ điều đó và cho phép xã hội hóa xét nghiệm này nhằm mục đích số người phơi nhiễm SARS-CoV-2 được xét nghiệm nhanh nhất.
Một vấn đề quan trọng để xét nghiệm PCR chẩn đoán COVID19 được làm nhanh với số lượng lớn đó là cần phải có cơ chế thanh toán và thực hiện dịch vụ thông thoáng hơn nữa đồng thời cần tăng cường số lượng bệnh viện được xét nghiệm PCR chẩn đoán COVID-19.
Một số bệnh nhân trong đợt dịch vừa qua phải di chuyển qua rất nhiều bệnh viện mới được làm xét nghiệm PCR, khi đó các triệu chứng đã quá rõ ràng như viêm phổi hoặc nặng như suy hô hấp.
Nguyên nhân do chưa có thông tư hướng dẫn cách thu phí và chi trả bảo hiểm y tế cho xét nghiệm này nên các bệnh viện rất lúng túng trong triển khai và kết quả là nhiều bệnh viện dừng thực hiện khi dịch tạm lắng.
Hiện nay, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhận thấy điều này, PGS Hiếu cho biết ông tin trong thời gian tới sẽ khắc phục được để thật nhiều bệnh viện công và tư có thể triển khai được xét nghiệm có tính chất chìa khóa trong chống COVID-19.