Ông trùm giáo dục Trung Quốc: Biết đối mặt với 3 nỗi sợ này mới có thể thoát nghèo, xoay chuyển vận mệnh chỉ trong lòng bàn tay
Hành trình từ cậu bé làng chài nghèo khó đến tỷ phú giáo dục của Du Mẫn Hồng vẫn luôn là câu chuyện truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ. Ít ai biết suốt nhiều năm, có 3 nỗi sợ luôn đeo bám Du Mẫn Hồng, và cũng thúc đẩy anh có được ngày hôm nay.
Du Mẫn Hồng sinh ra ở một làng chài nhỏ, lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó. Anh thi trượt đại học 2 lần, lần thứ 3 trúng tuyển đại học Bắc Kinh danh giá hàng đầu Trung Quốc. Du Mẫn Hồng khởi nghiệp từ một ngôi nhà gỗ dột nát, thành lập New Oriental Education - Tập đoàn giáo dục tư nhân lớn nhất đất nước tỷ dân, giúp đỡ hơn 30 triệu học sinh và thay đổi số phận của vô số người.
Trong một cuộc phỏng vấn, Du Mẫn Hồng chia sẻ: "Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ thoát khỏi nỗi đau do sợ hãi: sợ nghèo, sợ tụt hậu và sợ bản thân quá dễ dàng thoả mãn. Chính nhờ những nỗi sợ ấy mà tôi có được ngày hôm nay". Du Mẫn Hồng không bất lực trước nỗi sợ, anh chọn cách đối mặt và vượt qua chúng một cách ngoạn mục.
1. Sợ nghèo suốt đời
Du Mẫn Hồng từng nói: "Từ khi hiểu chuyện, trong lòng tôi luôn sợ sẽ phải ở quê cả đời".
Gia đình Du Mẫn Hồng vô cùng nghèo khó. Năm lên 6, mẹ mua cho anh một đôi giày bằng đúng số tiền bà dành dụm hơn nửa năm. Thế nhưng Du Mẫn Hồng lại đánh mất đôi giày ngay trong ngày đầu tiên đi. Trở về nhà, cậu bé bị mẹ đánh đến gãy cả một cây sào tre. Nếu không vì tài chính eo hẹp, sao người mẹ có thể phạt con mình nặng đến như vậy?
Mẹ Du hi vọng con trai sẽ trở thành giáo viên trong thị trấn nhưng anh lại thi trượt đại học đến 2 lần. Đã có lúc bản thân Du Mẫn Hồng muốn bỏ cuộc nhưng mẹ anh thì không. Khi tìm được cho Du Mẫn Hồng thầy luyện thi nổi tiếng từng dạy nhiều học sinh đỗ đại học Bắc Kinh, bà vui mừng đến mức đi thẳng từ thành phố về nhà bất kể trời mưa như trút nước.
Khoảnh khắc đó Du Mẫn Hồng nhận ra mình không còn sự lựa chọn nào ngoài cố gắng hết sức đê không phụ lòng mẹ và vì tương lai của chính mình. Anh học từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, khi mọi người trong nhà đi ngủ thì đọc sách dưới chăn bằng đèn pin, mệt quá không học nổi liền tát cho mình tỉnh táo. Kết quả thế nào chúng ta đều đã rõ, Du Mẫn Hồng thành công nhập học ngôi trường Top 1 Trung Quốc, có thứ hạng cao trên BXH thế giới.
Với những người có xuất thân bình thường, thậm chí nghèo khó như Du Mẫn Hồng, càng sợ nghèo, càng có động lực lội ngược dòng, tự tay mở ra cánh cửa thoát nghèo.
2. Sợ tụt hậu
Khi vào Đại học Bắc Kinh, nỗi sợ hãi của Du Mẫn Hồng vẫn chưa biến mất. Xung quanh ông khi đó là những bạn học con cán bộ cao cấp, thế hệ thứ 2 trong những gia đình giàu có, không thì cũng sông trong gia đình trung lưu.
Du Mẫn Hồng tự nhìn lại bản thân, dân quê 100%, tiếng phổ thông cơ bản còn chưa nói được, nói tiếng Anh còn tệ hơn, cũng chưa thấy được tài năng gì của bản thân. Đặt bản thân trong hoàn cảnh như vậy, ai cũng sẽ chìm trong nỗi sợ bị người khác coi thường.
Vì sống ở làng chài từ khi còn nhỏ nên điều duy nhất Du Mẫn Hồng tự tin là bơi lội. Trong giờ học bơi lội, anh xung phong xuống nước đầu tiên. Kết quả là cô giáo lại chỉ vào anh và cười: "Tôi chưa từng thấy ai bơi chó nhanh như em".
Du Mẫn Hồng lúc này chỉ biết cách lao vào học tập điên cuồng để không bị người khác cười nhạo. Thế nhưng lần này việc "cố gắng hết sức" cũng không giúp được Du Mẫn Hồng. Năm cuối đại học, anh không chỉ xếp cuối danh sách mà còn mắc bệnh phổi, phải bỏ học 1 năm.
Một năm bình tâm lại đã giúp anh hiểu ra so sánh với người khác là việc vô nghĩa. Chỉ cần anh không ngừng nỗ lực và tiến bộ so với chính mình quá khứ, thế là đủ. Du Mẫn Hồng lấy lại được tự tin, đọc hơn 300 cuốn sách trong 1 năm, dường như trở thành một con người khác.
Anh ấy không còn lo lắng về việc bị bạn cùng lớp cười nhạo và bị người khác coi thường, mà thay vào đó, anh ấy tập trung vào việc so sánh bản thân với chính mình: Hôm nay mình có tiến bộ gì không?
Chính sự tự tin của anh đã thu hút những người bạn thân và cũng cộng sự sau này về nước giúp anh thành lập công ty.
3. Sợ dễ dàng thoả mãn với thực tại
Năm 1985, Du Mẫn Hồng tốt nghiệp. Lớp 50 sinh viên thì 49 người đi du học, còn lại là anh. Du Mẫn Hồng cũng muốn ra nước ngoài nhưng anh nghĩ mình không thể tiếp tục xin tiền gia đình nữa. Vậy nên anh ở lại Đại học Bắc Kinh làm giảng viên.
Du Mẫn Hồng đi dạy 8 lớp 1 tuần, nhận lương 200 NDT/tháng, mức không tệ với một sinh viên mới ra trường khi đó. Nhưng trong lòng anh vẫn đầy sự sợ hãi. Anh sợ khi sống trong sự thỏa mãn với thực tại, anh sẽ không thể tiến bộ và với sự đào thải nhanh chóng của thị trường lao động tại đất nước tỷ dân, Du Mẫn Hồng có thể thất nghiệp bất kỳ lúc nào.
Vì vậy, Du Mẫn Hồng thôi thúc bản thân vừa phải kiếm tiền, vừa không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ. Anh lén mở lớp dạy ngoài trường, thu nhập một buổi dạy bằng cả tháng trong trường. Cảm giác vui mừng khi nhận khoản tiền này làm dịu nỗi sợ hãi của anh đi một chút.
Tuy nhiên khi nhà trường phát hiện ra, Du Mẫn Hồng bị sa thải. Trở lại căn phòng thuê dưới tầng hầm, anh nhìn vào mắt vợ, muốn khóc mà không ra nước mắt. Số phận bị dồn đến chân tường, Du Mẫn Hồng không vì thế mà nản chí, tiếp tục tìm cách tiến lên. Anh đi khắp Bắc Kinh cẩn thận dán từng tờ giấy quảng cáo lớp dạy tiếng Anh lên các cột điện, các bức tường bất kể thời tiết gió rét thế nào.
Từ một vài người đến hàng trăm người biết đến lớp dạy của Du Mẫn Hồng, dần dần cho đến khi ông mở được trung tâm và sau này là cả một tập đoàn giáo dục hàng đầu Trung Quốc. Du Mẫn Hồng khi đó chưa từng ra nước ngoài nhưng vẫn giúp đỡ hàng nghìn người thực hiện “giấc mơ Mỹ” bằng cách trang bị cho họ vốn ngoại ngữ.
Kết lại
Nhiều người vẫn luôn phàn nàn rằng họ sinh ra trong một gia đình có điều kiện không tốt. Nhưng trên thực tế, không phải tất cả mọi người đến thế giới này để ngồi yên và tận hưởng những lợi ích. Dù là nhà nghèo hay nhà giàu, nếu bạn sống không có mục tiêu, bạn sẽ chỉ có một cuộc sống tầm thường. Chỉ bằng cách tập trung nỗ lực vào mỗi ngày và dốc hết sức để thực hiện ước mơ của mình, thành công mới đến gần với chúng ta.