Ông nội bệnh nặng tôi không kịp về chăm sóc, nhận được túi vải cũ ông để lại trước lúc mất tôi bật khóc nức nở
Về thăm ông nội lần cuối, tôi bật khóc khi nhận được món quà mà ông để lại cho mình.
Bài viết là lời tâm sự của tác giả Aqi đang sinh sống tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) được chia sẻ trên trang 163
Hồi nhỏ, bố mẹ tôi đi làm xa nhà. Mỗi năm chỉ về thăm tôi đôi ba lần. Nên vậy, phần lớn thời gian tôi ở với ông bà nội. Ông bà là người chơi với tôi, là người nuôi tôi ăn học và cũng là người yêu tôi nhất. Hồi đấy, gia đình tôi rất nghèo, được ăn một bữa thịt là điều xa xỉ. Ông bà thương tôi, họ thường tranh thủ lúc rảnh đi ra ngoài đồng bắt vài con cá, con tép, mang về nhà để nấu cho tôi bát canh, ăn cho đầy đủ chất dinh dưỡng.
Quãng thời gian ấy, mặc dù thật sự khó khăn. Bố mẹ không ở cạnh, cuộc sống thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng với tôi, đó là lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.
Tốt nghiệp cấp 1, do thành tích ở diện khá ổn nên tôi được lên thành phố để tiếp tục đi học. Từ đó, một tháng tôi chỉ về quê một lần. Mỗi lần , ông bà nấu toàn món ngon cho tôi, luôn dặn tôi ăn nhiều vào để có sức học tập. Trước khi tôi đi lên thành phố, ông bà luôn gói ghém đủ thứ đồ để tôi mang đi. Họ sợ rằng tôi lên đó sống thiếu thốn.
Thời gian thoáng chốc trôi qua, cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành chương trình đại học. Để thuận tiện phát triển công việc, tôi làm việc ở một thành phố khác, thế nên thời gian về thăm ông bà cũng ít đi. Đi làm được một thời gian tôi quyết định kết hôn. Chồng tôi là một người bạn học cùng đại học. Lúc biết chuyện, bố mẹ gia đình hai bên vui mừng cho hai chúng tôi.
Sau khi tốt kết hôn một năm, tôi sinh được một bé gái. Hiện tại, con gái đã được 3 tuổi rồi. Trong quãng thời gian này, tôi không về thăm ông bà thường xuyên lúc thì bận việc gia đình, lúc thì do công việc. Mỗi lần về, tôi chỉ biết mua nhiều quà và biếu ông bà chút tiền.
Tháng 7 năm nay, ông nội tôi bị bệnh rất nặng. Biết tin, tôi vô cùng lo lắng, liền xin nghỉ phép một tháng để về chăm sóc ông. Điều mà tôi không ngờ được rằng, ông ra đi nhanh quá. Tôi về được hai ngày thì ông mất. Trước khi ông qua đời, ông đưa tôi một chiếc túi vải. Tôi mở ra, bên trong là những viên kẹo đủ màu sắc. Bà tôi nói rằng, mỗi lần ông đi ăn cỗ ở đâu, ông thường không ăn để dành mà mang về cho tôi. Tôi đưa chiếc túi cho con gái. Lòng tôi đau như thắt lại, không kìm được nước mắt mà bật khóc. Tuy nó chỉ là việc nhỏ, nhưng đối với tôi là tình cảm ấm nóng ông dành cho tôi.
Trước lúc ra đi, ông gầy hẳn đi so với trước. Bà nội nói là ông không ăn được. Mỗi ngày chỉ ăn được chút cháo. Biết chuyện, tôi càng đau lòng hơn.
Sau chuyện này, tôi nhận ra bất luận có bận như thế nào chăng nữa, nhất định tôi sẽ về thăm bố mẹ nhiều hơn. Họ đã dành cả cuộc đời để cho tôi những điều tốt đẹp nhất.
Ở mỗi giai đoạn cuộc đời, chúng ta lại phải đối mặt với nhiều mối bận tâm hơn. Ai cũng có sự nghiệp, có bạn bè, có người yêu, rồi có một gia đình riêng, có những người thân yêu khác nữa. Vì thế, tình cảm dành cho đấng sinh thành ngày một lùi xa về phía sau. Biết bao lần bạn tự nhủ: "Ngày mai rảnh rỗi mình sẽ gọi điện về cho cha mẹ. Ngày nào đó mình nsẽ về quê thăm cha me”... Rất nhiều cái “ngày nào đó", bởi chúng ta lầm tưởng cha mẹ sẽ mãi ở đó đợi chúng ta về.
Thế giới của người trẻ muôn màu sắc, nhiều điều thú vị. Nhưng với người già, thế giới của họ chỉ còn gói gọn lại ở con cháu. Không có nhiều người con có thể kề cận, chăm lo cho đấng sinh thành từng miếng ăn, giấc ngủ giống như cách cha mẹ đã làm khi chúng ta còn thơ bé.
Thời gian thấm thoắt, một ngày nào đó, cha mẹ cũng sẽ rời bỏ chúng ta mà đi. Đó là một thực tế không thể tránh khỏi. Đừng đợi đến ngày tàn nhẫn ấy mới hối hận vì thời gian thực sự còn lại chỉ có thể đong đếm trên từng đầu ngón tay. Khi đấng sinh thành vẫn còn ở nhà đợi bạn mỗi ngày, hãy dành cho họ nhiều thời gian hơn.