Ông cụ 95 tuổi đến ngân hàng rút 1 tỷ đồng từ tài khoản của người vợ quá cố nhưng bị nhân viên từ chối, vài ngày sau bỗng nhận được giấy triệu tập của tòa án
Với trường hợp mà ông cụ Trung Quốc này gặp phải, tòa án phải vào cuộc mới giải quyết được vấn đề.
Ông Vương, 95 tuổi, ở Bắc Kinh, Trung Quốc vốn là cán bộ đã về hưu. Vì tuổi cao sức yếu lại không có con cái, ông lo lắng sau khi qua đời, vợ mình sẽ không có ai chăm sóc. Do đó, ông đã chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) vào tài khoản ngân hàng của bà với hy vọng số tiền này sẽ giúp cứu cánh cho bà những năm cuối đời.
Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Vợ của ông Vương lâm bệnh nặng rồi qua đời, để lại ông cụ một mình ở tuổi xế chiều. Sau khi lo tang lễ cho vợ, ông Vương quyết định đến ngân hàng rút số tiền 300.000 NDT đã gửi vào tài khoản của vợ để lo liệu cho tuổi già của mình. Thế nhưng, điều ông Vương không ngờ tới là việc này lại gây ra tranh chấp kéo dài hơn 2 năm giữa ông với phía ngân hàng.
Hôm đi rút tiền, ông Vương mang theo giấy tờ liên quan. Do tuổi cao, trí nhớ đã kém đi nhiều, ông cụ mắc 2 lỗi liên tiếp khi cố gắng nhập mật khẩu khiến thẻ ngân hàng của vợ ông bị khóa. Nhân viên ngân hàng sau khi biết sự việc liền cho biết vì vợ ông Vương đã mất nên số tiền trong thẻ của bà được coi là tài sản thừa kế. Do đó, việc rút tiền của ông Vương cũng không được thực hiện như bình thường mà phải xử lý theo thủ tục thừa kế.
Cứ thế, ông Vương phải đi khắp các phòng ban liên quan để làm một số giấy tờ chứng minh mình là người thừa kế hợp pháp duy nhất đối với tài sản thừa kế của vợ. Ngay khi ông thu thập đầy đủ tài liệu và chuẩn bị đến ngân hàng lần nữa thì một vấn đề bất ngờ khác lại nảy sinh.
Thì ra, trong quá trình xác minh tại phòng công chứng, các cán bộ địa phương phát hiện vợ chồng ông Vương đã từng nhận một người con nuôi. Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, điều này có nghĩa là ông Vương không phải là người thừa kế hợp pháp duy nhất của khối tài sản thừa kế này.
Biết được tin này, ông Vương cảm thấy vô cùng bất lực. Ông giải thích rằng mối quan hệ giữa ông và con nuôi đã chấm dứt và hai bên cũng đã ký thỏa thuận rõ ràng. Tuy nhiên, văn phòng công chứng cho biết họ không thể xác minh tính xác thực của thỏa thuận và cần ông Vương ra tòa để làm rõ.
Sau khi được tòa án xác minh kỹ lưỡng, ông Vương thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng mọi chuyện cuối cùng cũng đã được giải quyết. Tuy nhiên, khi đến ngân hàng lần nữa, ông lại nhận được thông báo: “Trong phán quyết của tòa phải ghi rõ tiền sẽ để lại cho ai”. Trước yêu cầu quá đáng này của phía ngân hàng, ông Vương quyết định kiện đơn vị này ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trước tòa, ông cụ kiên quyết khẳng định: “ Số tiền 300.000 NDT trong tài khoản vợ tôi vốn dĩ thuộc về tôi. Hiện bà ấy đã qua đời nên tôi vẫn sẽ là chủ nhân của số tiền đó.”
Luật sư bào chữa của ngân hàng trả lời: “Theo quy định liên quan, trong trường hợp không có di chúc, những khoản tiền gửi lớn cần phải có công chứng hoặc phán quyết của tòa án mới có thể rút ra”.
Hai bên đều nhất quyết giữ quan điểm của mình, không khí trong phiên xét xử rất căng thẳng. Sau hàng loạt tranh luận nảy lửa, cuối cùng tòa án đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Theo đó, sau khi đã xác minh kỹ càng, tòa án công nhận ông Vương là người thừa kế hợp pháp duy nhất về số tài sản trong thẻ ngân hàng của vợ. Vì vậy, phía ngân hàng cũng phải trả lại toàn bộ số tiền 300.000 NDT kia, đồng thời trả thêm 10.000 NDT(khoảng 35 triệu đồng) tiền lãi cho ông cụ.
Khoảnh khắc nhận được phán quyết, ông Vương vô cùng xúc động. Rắc rối kéo dài hơn 2 năm cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết. Cùng với thẩm phán, ông cụ này đến ngân hàng và rút tiền thành công.
Có thể thấy trong câu chuyện này, hành động của phía ngân hàng là không sai. Tuy nhiên, vì những thủ tục liên quan đến thừa kế khá nhiều, bản thân ông Vương đã lớn tuổi nên dẫn đến nhiều khó khăn không đáng có.
(Theo 163.com)