Ông chủ tặng cho người lạ do không có ai thừa kế, thấy gì về số phận của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản?
Dân số già hoá khiến nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản phải đóng cửa, kéo theo đó là sự đi xuống của nền kinh tế.
Ông Hidekazu Yokoyama, 73 tuổi, đã dành 30 năm để gây dựng một doanh nghiệp thịnh vượng ở Hokkaido (Nhật Bản), đây là một doanh nghiệp chuyên cung cấp sữa cho cả nước.
Vào năm ngoái ông đã quyết định nhượng lại toàn bộ doanh nghiệp của mình cho người khác, không phải người quen và nhân viên gắn bó lâu năm với tổ chức, mà là một người xa lạ.
Đây là một giải pháp thức thời và dường như khó tránh khỏi, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm mạnh và tỷ lệ người già tăng cao ở Nhật Bản. Độ tuổi trung bình của chủ doanh nghiệp trong nước đã tăng lên khoảng 62 tuổi. Gần 60% doanh nghiệp của Nhật Bản vẫn chưa lên kế hoạch cụ thể để đối phó với thực trạng này.
Đối với Yokoyama, từ bỏ công ty không phải điều đơn giản, vì công ty của ông nuôi sống rất nhiều hộ gia đình nông dân. Mặt khác, con cái ông hay các công nhân đều không muốn tiếp quản và điều hành doanh nghiệp. Còn người có khả năng thì lại muốn chuyển lên vùng phía Bắc xa xôi.
Để giải quyết vấn đề, ông đã đăng thông báo của mình thông qua một dịch vụ trung gian chuyên giúp chủ doanh nghiệp nhỏ lẻ ở nơi xa xôi tìm được người tiếp quản công ty. Mức giá quảng cáo là 0 yên.
Vào năm 2019, Bộ Thương mại Nhật Bản đã dự đoán rằng đến năm 2025, khoảng 630.000 doanh nghiệp làm ăn tốt sẽ phải đóng cửa, gây thiệt hại 165 tỷ đô (3,9 triệu tỷ VNĐ) và mất khoảng 6,5 triệu việc làm.
Nguyên nhân không thể tìm người tiếp quản
Khó khăn của Yokoyama phản ánh tác động tiêu cực của một xã hội già hóa như Nhật Bản. Nhiều công ty tầm trung, nhỏ lẻ tất yếu phải ngừng hoạt động vì sự sụt giảm dân số. Các công ty khác đang làm ăn phất lên thì chủ doanh nghiệp lại quá già và phải đến tuổi nghỉ hưu.
Văn phòng chính phủ đã lên chiến dịch quảng bá công chúng. Mục đích là hướng dẫn chủ doanh nghiệp lớn tuổi về việc kinh doanh sau độ tuổi nghỉ hưu và giúp họ tìm chủ sở hữu mới. Ngoài ra, chính quyền còn đề xuất các khoản trợ cấp lớn và giảm thuế cho chủ sở hữu mới.
Tsuneo Watanabe, giám đốc của công ty Nihon M&A Center cho rằng một thách thức lớn trong việc tìm kiếm người kế nghiệp chính là truyền thống Nhật Bản. Trong suy nghĩ của phần lớn chủ doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là người điều hành doanh nghiệp lâu đời, con cái hoặc một nhân viên tin cậy mới có thể tiếp quản công việc kinh doanh. Họ không muốn chuyển giao công việc cho người lạ hay đối thủ cạnh tranh. Theo ông Watanabe, việc sáp nhập hay mua lại công ty không được chú trọng. Họ thà đóng cửa công ty chứ không muốn bán cho người khác.
Công ty của Yokoyama nằm ở thành phố Monbetsu. Dân số tại đây khoảng 20.000 người và đang trên đà thu hẹp lại. Chỉ một số ngành công nghiệp còn phát triển như đánh bắt cá và trồng trọt. Mùa đông đến, hoạt động trồng trọt phải dừng lại vì thời tiết không thuận lợi. Một số du khách đến đây vào mùa đông chỉ để thưởng thức cá hồi, sò điệp và ngắm băng trôi.
Vào những năm 1980, Monbetsu từng là khu vực sầm uất, có nhiều quán rượu và nhà hàng. Năm 2001, Monbetsu đã xây dựng một ngôi trường tiểu học gần công ty của Yokoyama. Các lớp học từng chật kín học sinh, đa phần là con cái của những người nông dân địa phương. Nhưng 10 năm sau, trường học đóng cửa do người dân di chuyển lên thành phố tìm việc. Ngày nay khung cảnh thành phố trở nên hoang tàn, dễ dàng bắt gặp nhiều cửa hàng bỏ hoang khi đi dọc khu phố.
Thời kỳ suy thoái kinh tế do đại dịch khiến nhiều trang trại phải đóng cửa. Lợi nhuận sụt giảm cộng thêm tuổi tác ngày một cao, người nông dân địa phương chỉ còn cách trông chờ vào Yokoyama. Ông thường thuê họ làm công việc thu hoạch cỏ khô và dọn tuyết.
Tương lai còn dài, khó khăn còn ở phía trước
Yokoyama đã dự tính nghỉ hưu cách đây 6 năm nhưng lo sợ không biết điều gì sẽ xảy ra với doanh nghiệp của mình. Ông quyết tâm ở lại cho đến khi tìm được một người thay thế phù hợp.
Trong các bài quảng cáo, Yokoyama viết rằng công việc này có thể sẽ rất khó khăn, nhưng ông không cần ứng viên có kinh nghiệm, điều quan trọng nhất là họ còn trẻ và sẵn sàng làm việc. Bất cứ ai được chọn sẽ thừa kế tất cả các trang thiết bị của doanh nghiệp cùng gần 150 mẫu đất nông nghiệp và rừng nguyên sinh. Con của ông sẽ không được thừa hưởng tài sản nào trong số này.
Trước lời quảng cáo hấp dẫn của Yokoyama, chỉ có hơn 30 đơn xin ứng tuyển được gửi đến. Trong số đó, ông đã lựa chọn chàng trai Fujisawa 26 tuổi vì thấy được sức trẻ nhiệt huyết trong con người anh.
Tuy nhiên, quá trình chuyển giao không thực sự thuận lợi. Ông Yokoyama vẫn không tin rằng Fujisawa là người phù hợp với công việc vì anh gặp nhiều khó khăn trong quá trình học việc. Chính những nhân viên lão làng của ông cũng nghi ngờ liệu Fujisawa có thể tiếp quản vai trò và làm tốt hơn người chủ cũ của họ hay không.
Trong số 17 nhân viên hiện tại của công ty, đa phần đều đã ở độ tuổi 50 và 60, tóc họ đã điểm sương và cơ thể không còn nhanh nhạy. Và việc có tìm được người thay thế sau khi họ nghỉ hay không vẫn còn là một ẩn số.
Fujisawa cảm nhận: “Thực sự có rất nhiều áp lực. Nhưng tôi xác định rằng mình sẽ gắn bó với công việc này cả đời”.