Ông chủ quán bún bò gần 20 năm nuôi hàng chục sinh viên ăn học: "Tôi không có vợ con nên tự do. Tôi muốn giúp ai thì giúp!"

NHÓM PV,
Chia sẻ

Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học.

Căn bếp sáng đèn từ 4g30. Ông chủ đã ngoài 60 vẫn khệ nệ với những cái âu to chứa đầy xương hầm. Sau khoảng 45 phút chuẩn bị, ông bắc một cái ghế tựa và ngồi gần cửa quán.

"Bố ơi, tính tiền cho chú Năm"

"Ông ơi, thối lại cho chị Tư"

"Bố ơi, bố gọi giao thêm rau thơm nhé"

Ông chủ quán bún bò gần 20 năm nuôi hàng chục sinh viên ăn học: Tôi không có vợ con nên tự do. Tôi muốn giúp ai thì giúp! - Ảnh 1.

Ba bốn nhân viên trẻ măng quay ra gọi ông, trong khi tay vẫn thoăn thoắt bê bún, múc nước dùng. Điều này khiến những vị khách mới ghé quán lần đầu thắc mắc: Sao ông chủ lớn tuổi như thế nhưng những đứa con mới vừa trạc đôi mươi. Bởi, mấy ai biết được, tiếng gọi nghe thân thương là thế nhưng họ không chung máu mủ mà vẫn ngày ngày nương tựa nhau như người trong gia đình.

Clip: Quán bún bò của người đàn ông một mình nuôi gần 100 người con

Không có vợ, hơn 20 năm người đàn ông một mình nuôi gần 100 người con

“Tao không có vợ con nên cho tiền tụi bây tiêu xài xả láng đó” câu nói được ông Hùng cười đùa khi nói chuyện cùng những người phụ tá, hay gọi thân thương là những đứa con nuôi của mình. Những tưởng cuộc sống gà trống nuôi con rất khó khăn, thế nhưng hơn 20 năm qua, ông Hùng đã nuôi gần 100 người con nên người. “Tôi không có vợ, con, gia đình nên cuộc sống khá tự do. Tôi muốn giúp ai thì giúp, muốn sống thế nào cũng được”, ông Hùng vui vẻ cho biết.

Ông chủ quán bún bò gần 20 năm nuôi hàng chục sinh viên ăn học: Tôi không có vợ con nên tự do. Tôi muốn giúp ai thì giúp! - Ảnh 2.

May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoản lợi nhuận ấy quá dư dả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đối với ông, việc này không phải là làm thiện nguyện mà chỉ là ông đang trả “nợ đời”. Vì cuộc đời đã cho ông công ăn việc làm, có điều kiện hơn nhiều người nên ông mong muốn san sẻ bớt với những ai khó khăn hơn.

Món “nợ đời” ấy bắt đầu được trả dần vào năm 2002, khi những đứa trẻ đầu tiên được ông lo cho ăn học. Ông Hùng chia sẻ, “Tôi cảm thấy thương cảm và trân quý những đứa trẻ tuy không có gia đình trọn vẹn hoặc hoàn cảnh khó khăn thế nhưng vẫn nỗ lực học tập để thay đổi cuộc sống của mình”. Chính nghị lực của họ là động lực để ông Hùng quyết định giúp đỡ và nhận nuôi những người dưng xa lạ. Tính đến nay, ông chủ này đã giúp đỡ 84 sinh viên nghèo viết tiếp ước mơ đến trường.

Đại gia đình không cùng dòng máu

Ở quán bún bò, ông dành một lầu riêng có 2 căn phòng nhỏ để các con được tự do sinh hoạt và vui chơi. Mọi thứ trong nhà đều do một tay ông chuẩn bị chu đáo.

Anh Minh Tuấn (26 tuổi) cho biết, hầu như các con không tốn chi phí nào trong suốt thời gian sống với ông. Từ các vật dụng như dầu gội, kem đánh răng, bột giặt... đến những món có giá trị cao hơn như điều hoà, máy giặt, tủ lạnh… đều một tay ông lo liệu.

Ông chủ quán bún bò gần 20 năm nuôi hàng chục sinh viên ăn học: Tôi không có vợ con nên tự do. Tôi muốn giúp ai thì giúp! - Ảnh 3.

Không chỉ là tổ ấm cưu mang những bạn sinh viên xa nhà, mà quán bún bò còn là nơi tạo việc làm giúp các bạn kiếm thêm thu nhập. Ông Hùng cho rằng mình có thể lo cho họ chỗ ăn, chỗ ở và trợ cấp cho họ có thể tiếp tục viết tiếp ước mơ giảng đường. Thế nhưng với chi tiêu cá nhân, chính họ phải tự lo lấy để từ đó có ý thức về những đồng tiền mà họ đang được nhận. Nếu ai sau khi được ông nhận nuôi mà dựa dẫm và không có chí cầu tiến thì ông sẽ không nhận nuôi nữa.

Ngoài bảo bọc, yêu thương, ông dần nghiêm khắc hơn với các con để có thể giúp họ nên người. Ông luôn dạy những đứa con của mình không được chửi thề, nói tục, tranh cãi lớn tiếng hay nhuộm tóc xanh, tóc đỏ khi còn đi học. Anh Tú (21 tuổi), một người con đang được ông nuôi dạy chia sẻ: “Vào đây thì không có rượu, bia, thuốc lá, đi chơi, nghỉ ngơi đúng giờ đúng giấc, dậy đúng giờ, làm việc thì phải nghiêm túc”. Đôi lúc, chính nhờ sự nghiêm khắc và tận tâm ấy, nhiều bạn sinh viên có thể ăn học thành tài.

Ông chủ quán bún bò gần 20 năm nuôi hàng chục sinh viên ăn học: Tôi không có vợ con nên tự do. Tôi muốn giúp ai thì giúp! - Ảnh 4.

Các con của ông có người lập nghiệp trong nước, có người bôn ba nơi xứ người nhưng, dù ở đâu, họ vẫn luôn nhớ về người cha nuôi đã giúp họ có được thành công. Hàng năm, vào ngày sinh nhật của ông Hùng hay những dịp lễ tết, những người con xa thường trở về cùng ông quây quần. Cả cuộc đời dù chưa từng nghĩ đến việc lấy vợ, nhưng hiện tại, ông đang có một đại gia đình với những người con nuôi ở khắp mọi nơi, với ông vậy là hạnh phúc rồi.

Ông chủ quán bún bò gần 20 năm nuôi hàng chục sinh viên ăn học: Tôi không có vợ con nên tự do. Tôi muốn giúp ai thì giúp! - Ảnh 5.

"Nếu tôi dừng lại, có thể nhiều đứa trẻ ham học ngoài kia sẽ mất đi cơ hội"

Một đại gia đình không thể có những đứa trẻ chưa ngoan, làm ơn cũng có ngày mắc oán. Ông Hùng tâm sự, hơn ba năm trước, ông có nhận nuôi một thanh niên quê Nghệ An vì thấy cậu chăm chỉ, chịu khó làm việc. Nhưng sống trong nhà một thời gian, cậu thanh niên đem chiếc xe máy của ông Hùng đi cá độ đá banh và thua sạch tiền. Mỗi lần thua độ, người này đều đến để cầu cứu ông. Vì còn thương nên ông vẫn nhiều lần giúp đỡ.

Ông chủ quán bún bò gần 20 năm nuôi hàng chục sinh viên ăn học: Tôi không có vợ con nên tự do. Tôi muốn giúp ai thì giúp! - Ảnh 6.

Nhưng, cậu thanh niên ấy đã tái phạm đến lần thứ 9, khiến ông phải từ chối thẳng. “Lần nào giúp, tôi cũng tâm niệm rằng có thể đây là lần cuối. Nếu lần cuối cùng này mình không giúp thì người ta không còn cơ hội quay lại. Nhưng đến lần thứ 9 thì tôi dứt hẳn, cái tính này đã ngấm vào người nên không thể bỏ. Tôi để tiền giúp những người khác xứng đáng hơn”, ông Hùng cho biết.

Những lần làm ơn mắc oán khiến ông từng nghĩ đến việc dừng lại, không mở lòng và giúp người khác nữa. Nhưng sau đó, ông Hùng xem là một bài học cho mình. Ông tâm niệm: “Nếu đêm về suy nghĩ đến số tiền đã mất, so đo tính toán sợ giúp lầm người thì mình sẽ không thể nào giúp ai khác được nữa. Trời lấy một số tiền này nhưng lại giúp quán bún của tôi đông khách hơn. Tôi có thu nhập, tiền tôi có thể kiếm lại được nên không tiếc. Nhưng nếu dừng lại, có thể nhiều đứa trẻ ham học ngoài kia thật sự cần giúp đỡ sẽ mất đi cơ hội”.

Ông chủ quán bún bò gần 20 năm nuôi hàng chục sinh viên ăn học: Tôi không có vợ con nên tự do. Tôi muốn giúp ai thì giúp! - Ảnh 7.

Nhóm tác giả thực hiện

Quỳnh Hương, Hồng Ánh, Minh Anh, Thu Hà, Vân An, Thanh Trúc, Kim Xuyến

"Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị mà Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm: Tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động và tính lan tỏa.

Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage:https://www.facebook.com/HumanActPrize

Ông chủ quán bún bò gần 20 năm nuôi hàng chục sinh viên ăn học: Tôi không có vợ con nên tự do. Tôi muốn giúp ai thì giúp! - Ảnh 9.

Chia sẻ