Ông chồng bạc tỷ và bí quyết thành công khi đội "nóc nhà lên đầu": Lãi lớn không ngờ sau gần 3 thập kỉ vợ chồng sống xa nhau
Không phải ngẫu nhiên mà chú khiêm tốn dồn hết thành tựu cho vợ, bởi đằng sau cơ ngơi bạc tỷ của lão nông hôm nay là cả một câu chuyện đáng ngưỡng mộ.
Được biết đến với rất nhiều cái tên: Thủy quái Cần Thơ, Ông mụ của những loài cá, Lão nông tiền tỷ... thế nhưng khi nói về mình chú Bảy Bon tự giới thiệu: "Tôi chỉ là chồng của bà chủ bè cá". Không phải ngẫu nhiên mà chú khiêm tốn dồn hết thành tựu cho vợ, bởi đằng sau cơ ngơi bạc tỷ của lão nông hôm nay là cả một câu chuyện đáng ngưỡng mộ.
Ông Bảy Bon tên đầy đủ là Lý Văn Bon, quê Cà Mau, ngụ cồn Sơn, Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ông hiện có hơn 30 lồng nuôi cá bè các loại; mỗi năm xuất hàng ngàn tấn cá, tạo việc làm thường xuyên cho 30 người. Ông còn tham gia làm du lịch cộng đồng, đón hơn chục ngàn du khách mỗi năm. Với thành tích nổi bật đó, mới đây ông Bảy Bon vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen tại Đại hội nông dân thi đua yêu nước.
Chàng trai thôn quê nhờ người tỏ tình thu về kết quả bất ngờ
Câu chuyện đặc biệt của 2 con người đặc biệt, xa nhau đến 3 thập kỉ nhưng vẫn một lòng hướng về nhau, yêu thương và tin tưởng.
Dì Bảy nhớ đến khoảng thời gian ấy, mắt vẫn luôn hướng về chồng, thi thoảng lại cười tủm tỉm có chút ngại ngùng như ngày họ mới quen nhau.
Hồi đó vợ chồng chú Bảy cùng ở Cà Mau, 2 nhà cách nhau 60km. Chàng thanh niên thôn quê mới ngoài 20 nhưng nổi bật nhất xã vì học giỏi, đá bóng hay lại nhiều tài lẻ. Còn nàng cũng xinh xắn dễ thương không kém khi có bao "vệ tinh" vây quanh.
"Ông ấy là bạn của đứa em tui, thi thoảng qua chơi nhưng cũng không có biểu hiện gì là tán tỉnh hay bộc lộ tình cảm ra bên ngoài. Rồi một lần ông ấy nhờ người nói là thích tui, tui bất ngờ lắm. Lúc ấy cũng suy nghĩ rồi bỏ lên cân, xem hết 1 loạt các tiêu chuẩn thì ổng nặng ký hơn cả. Mình thích nông dân chứ không thích mấy anh công tử ngoài phố, họ không hợp với cuộc sống của mình", dì Bảy tâm sự.
Chàng thanh niên Bảy Bon dùng chiến lược rất cẩn trọng không ngờ lại có được vợ hiền: "Tôi không trực tiếp nói ra tình cảm vì tính bà ấy rất nghiêm túc. Chúng tôi đang làm bạn mà nhỡ tỏ tình xong không thành làm bạn cũng nhìn nhau ngại ngùng. Thế nên tôi nhờ người đánh tiếng, biết ý của bà ấy rồi tôi mới dám tiến tới. Hồi đó bà ấy cũng nhiều người đeo đuổi lắm mà không hiểu sao lại chọn mình".
Lớn lên từ thôn quê, cùng chung cảnh nghèo lại hiếu học, họ cảm mến nhau từ những kỉ niệm gắn bó với ao bèo, những lần đi bẻ thù lù, chăm chỉ trồng trọt chăn nuôi. Rồi tình yêu ấy cứ thế lớn dần theo năm tháng, giản dị và mộc mạc như chính con người họ.
Ở cái tuổi lục tuần, chú Bảy luôn dành cho vợ sự yêu thương trân trọng: "Thương nhau rồi thì thấy gì của nhau cũng đẹp. Thế nên tôi đưa ra ý kiến gì cũng được vợ ủng hộ và ngược lại. Thành công lớn nhất của chúng tôi trong hôn nhân là sự đồng lòng, mà đã đồng vợ đồng chồng thì tát biển Đông cũng cạn".
Quyết định thay đổi cả cuộc đời và gần 3 thập kỉ vợ chồng sống xa nhau
Ban đầu chú Bảy Bon làm trong ngành Hải quan, công việc phải xa vợ con gia đình. Dì Bảy ở nhà dạy và làm may, sau đó sức khoẻ không tốt nên chuyển sang bán tạp hoá. Công cuộc mưu sinh vất vả từng ngày khi họ phải chấp nhận xa nhau để kinh tế được đảm bảo.
"Nhiều lúc buồn tủi lắm chứ nhưng tui xác định trong nhà kiểu gì cũng phải có một người chắc chắn sự nghiệp, mình làm tự do cũng được. Có những lúc 1 đứa theo cha, 1 đứa ở nhà với mẹ nhưng có khó khăn gì cùng đồng cam cộng khổ, không có thời gian mà giận dỗi. 1 tháng ông ấy về 1 lần là mừng lắm, quên hết buồn tủi, tranh thủ mấy ngày bên nhau", dì Bảy nhớ lại khoảng thời gian khó khăn nhất.
Vài năm sau thì dì Bảy chuyển đến Cần Thơ sinh sống. Người phụ nữ tần tảo đã nhiều lần suy nghĩ, không chịu khuất phục số phận: Con cái trưởng thành lại đi học xa, bản thân mình có tuổi sức khoẻ ngày càng yếu, vợ chồng không thể cứ mỗi người mỗi phương cả đời thế này. Vậy là dì Bảy sau 5 năm dạy may ở Cần Thơ quyết định chuyển sang ngành Thuỷ sản.
Có cơ duyên gặp được tiến sĩ người Pháp cho lời khuyên và tư vấn chú Bảy chuyển từ nhân viên Hải quan sang làm 1 lão nông thực thụ: "Thấy tôi đam mê cá, thầy Phillip Serene gợi ý, thế giới chỉ có một dòng Mê Kông hùng vĩ, hãy dựa vào sông mà nuôi cá làm giàu. Chỉ cần nuôi và biết bảo tồn các loài cá của dòng Mê Kông sẽ có cơ hội làm giàu, không cần phải đi đâu".
Vợ chồng quy về một mối, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương Việt Nam. Sau nhiều đêm suy nghĩ, năm 2000, vợ chồng Bảy Bon quyết định vay 400 triệu đồng đóng bè ở cồn Sơn để nuôi cá. Thời điểm ấy họ chẳng khác nào Mai An Tiêm trên đảo hoang. Điều may mắn của chú Bảy là luôn có vợ đồng hành bất kể ngày đêm, vất vả, khó khăn hay những thất bại.
"Nhiều lúc tôi nghĩ, cái nghề này cũng bạc. Lúc mình ăn nên làm ra lên bờ người ta gọi là ông chủ bè, nhưng khi mình có thất bát lại bị gọi là mấy thằng bè. Các cụ xưa có nói, lấy chồng thì tránh mấy anh Ngư - Tiều - Canh - Mục vì vất vả trăm bề. Cũng may mà mình có vợ rồi chứ không ế thấy mồ", chú Bảy tếu táo không quên nhìn vợ với nụ cười mãn nguyện.
Ai tìm ra điểm vững chắc cho gia đình thì người đó là trụ cột
Kết hôn mấy chục năm nhưng số năm gần nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay, dì Bảy bộc bạch, trải qua nhiều khó khăn bản thân còn chẳng nhớ những nỗi buồn, nỗi cô đơn được "đánh vần" thế nào.
Người phụ nữ ấy đã mang trong mình tư tưởng: "Có thiệt thòi, có thiếu thốn nhưng đó là hoàn cảnh của mình, là cuộc sống của mình. Tôi nghĩ ai tìm ra điểm tựa vững chắc cho gia đình thì người đó là trụ cột. Chuyện tình cảm mình cũng không gò bó được. Nếu mình xứng đáng được chồng yêu và tin tưởng thì chồng mình chắc chắn thuộc về mình dù ở nơi đâu. Nếu người ta sa ngã thì người ta không xứng đáng hoặc mình không xứng đáng. Nếu người ta thương mình thì không cần giữ mà không thương có giữ cỡ nào cũng không được. Đã ở xa nhau thì cả vợ cả chồng đều có những cám dỗ xung quanh".
Là người đàn ông đa tài, chú Bảy luôn có những phụ nữ trẻ đẹp để mắt tới thế nhưng chú chia sẻ: "Đôi khi mình muốn cũng không được, mình phải chiến thắng được ham muốn của chính mình. Cả đời phấn đấu mà buông thả 1 giây thôi là mất trắng. Là đàn ông phải vì vợ vì con, phải nghĩ đến giờ này ở nhà vợ con mình đang mong từng ngày chờ mình về".
Cái tên Bảy Bon đã trở thành điểm đến hút khách du lịch của thành phố Cần Thơ. Và sau nhiều năm gây dựng cơ ngơi như ngày hôm nay, ông chủ Bảy Bon vẫn giữ nét chất phác cùng nụ cười hiền khẳng định: "Bà ấy là người về đây gây dựng nền móng để cho tôi làm việc, sau này đáp cánh an toàn. Bà ấy mới là bà chủ".