"Ông cha ta có câu ‘lá lành đùm lá rách’, không thể để một chiếc ‘lá rách’ đùm ‘lá lành’ được"
Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, thầy Phạm Đức Vinh và anh Hoàng Văn Thới không hề xuất hiện từ “đồng ý" hay “từ chối", nhưng cả hai người đều thấu hiểu nỗi lòng nhau.
Lũ quét ngày 10/9/2024 đi qua Làng Nủ (Lào Cai) như một cơn ác mộng, cuốn trôi mọi thứ trên đường đi, để lại sau lưng tang thương và mất mát. 60 người chết, 7 người hiện vẫn mất tích, trong đó có 13 em nhỏ đang trong độ tuổi đến trường.
Thầy Phạm Đức Vinh, hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS số 1 Phúc Khánh còn nhớ như in buổi sáng ngày 4/10, một nhân vật đặc biệt xuất hiện tại trường. Đó là anh Hoàng Văn Thới, người sống sót duy nhất trong gia đình 6 người tại Làng Nủ.
Sự xuất hiện của anh Thới khiến thầy Vinh và các thầy cô khác trong trường hoàn toàn bất ngờ. Thầy Vinh nhớ lại: “Lúc anh Thới đến là 7h35, tôi đang dạy học. Trước đó, ngày 3/10, anh ấy đã tới điểm trường mầm non, tặng mỗi cháu ở điểm trường đó 1 triệu đồng, có 32 cháu, tổng là 32 triệu đồng. Lúc đó, tôi không nghĩ anh Thới sẽ tới trường mình vì là cấp tiểu học và trung học cơ sở, không liên quan tới trường mầm non. Một số cô giáo báo với tôi tin anh ấy đến trường ngỏ ý muốn giúp đỡ. Tôi nhờ mọi người mời anh Thới lên văn phòng để trao đổi”.
Người đàn ông trong bộ trang phục tuềnh toàng, gương mặt cứng cỏi nhưng in đậm nỗi buồn bước vào phòng làm việc của thầy Vinh, ngỏ ý muốn được giúp đỡ một số bạn học sinh trong trường. Anh nói: “Con em trước học ở trường, lớp 2. Lớp bây giờ có 13 cháu, em muốn tặng mỗi cháu 1 triệu đồng”.
Xúc động với ý định tốt đẹp của người đàn ông vừa trải qua những mất mát to lớn nhất trong đời, nhưng là người gắn bó nhiều năm và hiểu rõ hoàn cảnh của người dân Làng Nủ, thầy Vinh khuyên anh Thới giữ lại số tiền. “Anh rất cảm ơn tấm lòng của em. Nhưng anh nghĩ là em nên giữ lại cho mình. Giống như một ngôi nhà có nhiều cái cột, những cái khác gãy hết rồi, chỉ còn lại một cái chịu lực, bây giờ mọi việc đổ dồn lên vai em, em là người phải gánh vác những người thân còn lại và cho cả những người đã mất. Hôm nay em đến trường, anh cảm ơn, nhưng anh chỉ xin nhận tấm lòng, còn số tiền này em nên giữ lại để lo phần mộ của người đã mất, xây cho mọi người nơi an nghỉ khang trang, để người ở lại có thể nhìn vào đó và nhớ về họ… Em giữ lại số tiền này và thông cảm cho nhà trường”, thầy Vinh nói với anh Thới.
Tất cả các thầy cô trường Phúc Khánh đều ủng hộ quyết định từ chối của thầy hiệu trưởng. Nhưng bên ngoài trường, vẫn có một vài người cho rằng thầy không nên từ chối, “người ta cho tiền tại sao không lấy?”, họ nói. Thầy Vinh giãi bày: “Với những người bình thường, vài trăm triệu có thể chỉ để làm mấy việc trước mắt, nhưng anh Thới còn cả cuộc đời, còn bao nhiêu người phải dựa vào anh. Anh ấy mới là người cần giúp đỡ. Ông cha ta có câu ‘lá lành đùm lá rách’, chúng ta không thể để một chiếc ‘lá rách’ đùm ‘lá lành’ được”.
“Anh ấy được mọi người giúp đỡ để khôi phục cuộc sống, nhưng lại mang số tiền đó để tặng lại cho người khác. Nhà trường không chê! Nếu ở điều kiện bình thường, có người ngỏ ý giúp đỡ như vậy thì quý quá, làm sao chúng tôi chê được. Nhưng với trường hợp của anh Hoàng Văn Thới, chúng tôi mong anh giữ lại để làm những việc ý nghĩa hơn. Chúng tôi không thể giúp anh về của thì có thể giúp về công”, thầy Vinh chia sẻ.
Người thầy giáo đã gắn bỏ nhiều năm với người dân Làng Nủ cho biết, quyết định của thầy cũng dựa trên thực tế rằng trong lớp mà con anh Thới từng theo học, các bạn học sinh cơ bản đều không quá khó khăn.
Sau thiên tai, trường Tiểu học & THCS số 1 Phúc Khánh được một số người dân ở địa phương ngỏ ý giúp đỡ nhưng thầy Vinh cũng không nhận vì quan điểm của là mọi người đều đang khó khăn, các thầy cô sẽ cố gắng tự lực khôi phục lại trường lớp, nếu còn khả năng thì thầy cô chỉ mong giúp đỡ lại người dân. Thầy Vinh cũng chia sẻ: “Các mạnh thường quân ở nhiều địa phương trên cả nước giúp đỡ hơn 200 triệu đồng tiền mặt, chúng tôi chia hết cho 55 em học sinh. Mỗi em nhà mất người thân sẽ được hỗ trợ gần 5 triệu đồng, còn các em mất nhà thì được hỗ trợ gần 4 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ những em học sinh có nhà bị ảnh hưởng. Em được nhận thấp nhất là 2,4 triệu đồng”.
Một số đơn vị ngỏ ý muốn giúp đỡ sách vở, nhưng nhận thấy nhà trường đã nhận đủ, thầy Vinh cũng xin được dành lại cho các trường cần hơn. Thầy cho rằng: “Mình nhận quà nhiều quá sẽ gây ra sự lãng phí, trong khi những người cần không có. Quan điểm của tôi là cái gì cần, mình sẽ xin, còn cái gì đã có đủ thì xin nhường lại cho các trường khó khăn hơn”.
Thầy Phạm Đức Vinh kể lại, sau thảm họa ở Làng Nủ, người dân chìm đắm trong đau thương, mất mát, không còn tâm trí để nghĩ tới việc học tập của con em mình. Là người thầy, chứng kiến những chuyện đã xảy ra, ông nghĩ nên đưa các em ra trường để ổn định cuộc sống cũng như tiếp tục việc học, sau này khi làng xóm được tái thiết thì các em có thể trở về nhà.
“Chúng tôi bắt đầu đón các em học sinh tới trường từ ngày 16/9. Lúc đó Sở Giáo dục Lào Cai vẫn cho các trường nghỉ, nhưng trường Tiểu học & THCS số 1 Phúc Khánh không bị ảnh hưởng quá nhiều vì ở trên cao. Xét thấy có đủ khả năng để cho các em đi học, trước ngày 16/9, thầy cô đã đến nhờ các trưởng thôn bản thuyết phục phụ huynh cho các em tới trường”, thầy kể lại.
Thầy Vinh lên huyện trình bày mong muốn của nhà trường là mở chỗ ăn bán trú cho các em. Theo quy định, các em học sinh THCS nhà cách trường 7km thì mới có chế độ trợ cấp ăn bán trú. Nhưng các em học sinh Làng Nủ chỉ cách trường 5km. Việc đưa các em ra ở tại trường cần nguồn lực. Nhờ có sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, các em học sinh tại trường Tiểu học & THCS số 1 Phúc Khánh được hỗ trợ khoảng 900.000 đồng/em/tháng để ăn 3 bữa/ngày. Các em cũng được mua các vật dụng khác như dầu gội đầu, xà phòng, kem đánh răng, mắc áo, giày dép… Nếu tiền hỗ trợ còn dư, nhà trường sẽ trả lại cho phụ huynh.
Trước đó ở Làng Nủ có một điểm trường với 29 học sinh. 3 em đã mất trong trận lũ kinh hoàng. Sau biến cố, thầy cô trường Tiểu học & THCS số 1 Phúc Khánh quyết định đón các em ra trường. Thầy Vinh kể, từ đó đến nay, một phần ba giáo viên của trường chưa có ngày nghỉ. Nhờ vậy, tổng cộng 190 em, trong đó 117 em học sinh ở Làng Nủ và 73 em học sinh ở các thôn làng khác cũng bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã được tới trường, tiếp tục hành trình đi tìm con chữ và tái thiết cuộc sống.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok.
Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây.
Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.