Ốc, tôm, cua, ghẹ đồng loạt đội giá
Giá nhiều loại hải sản đồng loạt tăng giá khiến người tiêu dùng dè dặt khi mua mặt hàng này.
Đầu giờ sáng những ngày gần đây, dù là khung giờ "vàng" của mặt hàng hải sản nhưng nhiều gian hàng ở chợ hải sản Đại Từ (Đại Kim - Hoàng Mai - Hà Nội) vẫn vắng khách lạ thường. Lý giải về nguyên nhân này, anh Văn Nguyên, chủ một cửa hàng nổi tiếng tại đây cho biết, giá các loại hải sản tăng mạnh trong khoảng 2 tuần nay khiến người mua ít hẳn. “ Thường cửa hàng của tôi đông nhất vào sáng sớm hoặc tầm chiều tối, nhưng mấy ngày nay lượng khách ghé mua vắng hẳn. Có khách đến hỏi mua, xong thấy giá cao nên lại thôi ”, anh Nguyên nói.
Theo anh Nguyên, các loại hải sản đều đồng loạt tăng hơn chục giá khiến người buôn hải sản lâu năm như anh cũng giật mình. Cụ thể, ốc hương giá từ 300.000 đồng tăng lên 420.000 đồng/kg. So với thời điểm cách đây hơn 1 tháng thì mức giá chênh lệch ước tính là 150.000 đồng/kg.
Tôm mũ ni vàng cũng tăng từ 600.000 đồng lên 750.000 đồng. “ Tôm mũ ni đen còn vọt lên gần 1,7 triệu đồng/kg. Giá đắt lắm nên cửa hàng không dám lấy vì sợ không ai mua ”, ông chủ cửa hàng hải sản chia sẻ.
Cua, ghẹ hay các loại tôm, ngao cũng đồng loạt tăng giá. Chỉ tay về phía mặt hàng ghẹ tươi trong bể, anh Nguyên cho biết, giá ghẹ đã tăng từ 250.000 đồng/kg lên 300.000 đồng/kg, thậm chí loại ghẹ to, đẹp còn tăng lên 450.000 đồng/kg. “ Cửa hàng buộc phải nhập số lượng ít, khách gọi đặt mới lấy thêm vì sợ lấy nhiều nếu không bán hết thì chúng tôi bị lỗ nặng ”, anh Nguyên tiếp tục chia sẻ.
Trước đó, cua Cà Mau chỉ khoảng 450.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 550.000 - 700.000 đồng. Tôm sú tăng từ 170.000 đồng lên 250.000 đồng/kg; Loại to tăng từ 360.000 đồng lên 450.000 đồng/kg. Tôm he tươi sống cũng tăng từ 400.000 lên 600.000 đồng/kg.
Chủ một nhà hàng nổi tiếng khác trên phố Trần Hưng Đạo cũng cho biết, giá hải sản tăng vọt khiến nhà hàng cũng bị giảm lượng khách dù đang vào cao điểm mùa hè. “ Khách quen gọi điện đặt bàn xong lại vội vàng hủy lịch sau khi được thông báo mức giá. Mặt hàng hải sản tăng giá đột biến đang khiến nhà hàng gặp khó khăn ”, người này nói.
Số liệu của Hiệp hội nuôi trồng thủy sản Việt Nam cho biết, giá hải sản trong nước lẫn nhập khẩu đều tăng từ 20 - 30% khiến người tiêu dùng chi tiêu cho mặt hàng này ít đi trông thấy.
Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, thông tin, một số mặt hàng nhập khẩu như cua hoàng đế có giá tăng cao kỷ lục do nguồn cung hạn chế và chi phí vận chuyển tăng. Còn hải sản trong nước từ tôm, cua, ghẹ, ốc…đều tăng khoảng 20 - 30% so với đầu năm và cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này thực tế là rất cao, khiến cho giá trị đơn hàng mỗi lần mua sắm của người tiêu dùng cũng giảm.