Ô nhiễm không khí có thể gây sinh muộn

Quỳnh Chi (T/h),
Chia sẻ

Những thai phụ tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao và nhiệt độ khắc nghiệt trong quá trình mang thai có nguy cơ sinh con muộn hơn so với bình thường.

Phân tích dữ liệu từ gần 400.000 ca sinh sống tại Australia cho thấy những thai phụ - phải tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, cùng với nồng độ cao của các hạt bụi mịn PM2.5 trong không khí - có xu hướng sinh con sau tuần thứ 41 nhiều hơn so với những người không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện này.

Thông thường, một thai kỳ kéo dài khoảng 40 tuần. Trẻ sinh sau tuần 41 hoặc 42 được gọi là sinh muộn hoặc quá muộn. Việc sinh muộn có thể làm tăng nguy cơ biến chứng liên quan đến em bé quá to - bao gồm chảy máu âm đạo hoặc băng huyết trong khi sinh, cũng như khả năng thai chết lưu hoặc tử vong sau sinh.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã theo dõi mức độ tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 của 393.384 thai phụ hàng tháng, từ 3 tháng trước khi thụ thai cho đến khi sinh, dựa trên nơi họ sinh sống. Đồng thời, họ sử dụng Chỉ số Khí hậu Nhiệt độ Phổ quát (UTCI) để ước tính mức độ căng thẳng nhiệt mà cơ thể phải chịu do thời tiết, có tính đến các yếu tố như nhiệt độ không khí và độ ẩm.

Kết quả cho thấy 12% - tương đương 47.380 thai phụ - có thai kỳ kéo dài (từ 41 tuần trở lên). Mức độ tiếp xúc cao hơn với PM2.5 và căng thẳng nhiệt làm tăng khả năng xảy ra tình trạng này, sau khi các nhà nghiên cứu đã xem xét các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thời gian mang thai như hút thuốc, tình trạng kinh tế xã hội, chủng tộc và dân tộc và tuổi của người mẹ. Những người sinh con đầu lòng, người trên 35 tuổi và người sống ở khu vực đô thị đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động này.

Các nhà nghiên cứu cho biết việc tiếp xúc với nhiệt độ cực đoan và ô nhiễm không khí có thể kéo dài thai kỳ theo nhiều cách. Ví dụ, cả hai yếu tố này đều có thể làm tăng sản xuất các phân tử không ổn định gọi là các loại oxy phản ứng, có thể gây rối loạn chức năng hormone.

Chia sẻ